Hào Sĩ Phường là tên hẻm tại địa chỉ 206 Trần Hưng Đạo B, Quận 5. (Ảnh: Hường Trần) |
Hào Sĩ Phường là một trong những con hẻm lâu đời nhất ở Sài Gòn với tuổi đời lên đến hơn 100 năm, đây là nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng người Việt gốc Hoa. Nơi được ví như một ốc đảo bình yên giữa lòng thành phố nhộn nhịp, nơi mà chúng ta vẫn cảm nhận được cuộc sống chậm rãi và bình yên.
Theo những người dân sinh sống ở đây, tên gọi hẻm Hào Sĩ Phường có nhiều cách lý giải khác nhau. (Ảnh: Hường Trần) |
Phần đa người ta nói rằng Hào là hào hiệp, Sĩ trong từ văn sĩ và Phường nghĩa là phường buôn bán. Theo tập quán của người Hoa "buôn có bạn, bán có phường" khi xưa, Phường được tạo ra từ đó.
Hào Sĩ Phường hội đủ hào hiệp và văn ca, tạo nên nét đặc trưng tạo nên con hẻm này. (Ảnh: Hường Trần) |
Tuy nhiên theo ông Hoa Trọng Tôn (69 tuổi) - người đã sống ở hẻm hơn 50 năm, hẻm trước đây thuộc quyền sở hữu của công ty Hứa Bổn Hòa (Chú Hỏa). Các căn nhà trong hẻm đều do chú Hỏa xây dựng và cho thuê lại từ năm 1910. Cái tên Hào Sỹ Phường cũng do Chú Hỏa đặt cho hẻm. Hiện nay vẫn còn một số hộ gia đình giữ lại giấy tờ thuê nhà của Chú Hỏa từ trước giải phóng.
Hào Sĩ Phường là mặt sau của hai chung cư Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo. (Ảnh: Hường Trần) |
Hẻm là nét văn hoá rất đặc trưng ở Sài Gòn, mỗi con hẻm như một thực thể sống với tuổi đời có thể lên đến hàng thập kỷ. Hào Sĩ Phường tính đến nay đã tồn tại hơn 100 năm. Con hẻm không đơn thuần là nơi sinh sống mà đã trở thành một dấu ấn văn hóa của cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn với lối kiến trúc độc đáo.
Con hẻm mang trong mình một không gian đặc trưng của cộng đồng Hoa ở Sài Gòn. (Ảnh: Hường Trần) |
Nếu ai đã một lần đến đây, chắc hẳn dễ bắt gặp vài bản nhạc Hoa du dương vang lên từ góc của vài ngôi nhà, những câu chuyện được nói bằng tiếng Hoa, tiếng gà chọi gáy dọc hành lang. Mỗi sáng, nghe các cụ già ngồi nhâm nhi tách trà sáng và trò chuyện với nhau bằng tiếng Hoa, vài người còn chơi mạt chược ở Hào Sĩ Phường, cứ ngỡ đang lạc vào bối cảnh một bộ phim Hồng Kông TVB nào đó. Chính sự giao thoa văn hóa thú vị ấy đã tạo nên một Sài Gòn rất riêng, rất thơ.
Nhiều người già vẫn đọc báo bằng tiếng Hoa. (Ảnh: Hường Trần) |
Ông Hoa Trọng Tôn cho biết thêm: “Ngày trước ở đây toàn người Hoa, nay có thêm người Việt nhưng đa phần người dân trong hẻm vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa'.
Nơi đây là con hẻm cụt nên những nhà trong hẻm ai cũng biết nhau, sống hòa thuận và giúp đỡ nhau lúc khó khăn. (Ảnh: Hường Trần) |
Được biết, màu sắc tổng thể ban đầu của con hẻm là màu vàng. Theo thời gian các mảng tường bị bong tróc nên nhiều hộ dân tự sơn lại. Dấu vết của thời gian vẫn còn hằn trên các bức tường bong nhiều lớp sơn, bên trong ngôi nhà nhỏ cũ kỹ. Những màu sắc này kết hợp với màu vàng ban đầu và màu xanh của các song sắt tạo nên một vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa hiện đại.
Nhiều gia đình đã sơn mới ngôi nhà. (Ảnh: Hường Trần) |
Mỗi hộ gia đình người Hoa ở hẻm vẫn giữ nguyên được những đặc trưng văn hóa của mình, có thể dễ dàng bắt gặp Ngũ phúc lâm môn được dán ở trước cửa với mong muốn mang lại sự may mắn và bình an, những bàn thờ Thổ Địa, Thiên Quang được đặt gọn trước cửa nhà.
Dấu ân của người Hoa dễ bắt gặp tại Hào Sĩ Phường. (Ảnh: Hường Trần) |
Cụ bà Diệp Liên (hay còn gọi là cô Hai) là người sống lâu năm nhất ở hẻm, năm nay cụ đã gần 100 tuổi và không thể nói được tiếng Việt. Theo nhiều người trong hẻm chia sẻ thì đều đặn mỗi sáng, cô Hai lại ngồi ngay trước cửa nhà để thư giãn, hàn huyên và hỏi chuyện mọi người.
Cụ bà Diệp Liên là người sống lâu năm nhất ở hẻm. (Ảnh: Vũ Phượng) |
Ở Hào Sĩ Phường, người dân tự trồng cây xanh trước nhà, có thể là rau xanh, có thể là cây cảnh, hoa lá để không gian thoáng mát hơn. (Ảnh: Hường Trần) |
Một vài hộ dân còn tận dụng mặt bằng trước cửa để kinh doanh. (Ảnh: Hường Trần) |
Theo như chú Tiên (60 tuổi) – người gắn với con hẻm này từ nhỏ cho biết: “Khu này giờ thuộc về Nhà nước rồi, hộ nào giàu thì hóa giá thành nhà của mình, ai không có điều kiện thì vẫn phải thuê. Nhìn nhà nhỏ vậy nhưng lúc xưa có khi cả 7 – 8 hộ dân sinh sống, chỉ cần lấy gỗ ngăn ra là thành 1 phòng nhỏ. Nhiều người nghèo không có điều kiện chỉ mong thuê được chỗ đủ để nằm được, gác chồng gác, chẳng thể đứng thẳng được, không có vật dụng gì cả!”.
Hào Sĩ Phường còn được chọn làm bối cảnh của các bộ phim, MV ca nhạc. (Ảnh: MV Tân Thời) |
Chính nhờ sự độc đáo và đặc trưng mà hàng ngày vẫn có nhiều du khách trong và ngoài nước đã ghé thăm nơi đây. Bạn Nguyễn Duy Hưng là người Hà Nội đang du lịch ở Sài Gòn, có dịp ghé thăm Hào Sĩ Phường, bạn chia sẻ: “Vừa bước vào con hẻm mình rất bất ngờ, rằng tại sao có nhiều người Hoa ở trong đó vậy? Nhìn sơ qua con hẻm này còn có nét giống với Hà Nội cổ xưa. Những căn nhà nhỏ ở đây có nét cũ kỹ, nhưng là rất đặc trưng với văn hóa người Hoa giữa lòng Sài Gòn. Những người dân ở đây khác hẳn với cánh cổng bên ngoài kia, họ không vội vã mà hưởng thụ cuộc sống rất an nhiên”.
Nguyễn Duy Hưng khá bất ngờ trước diện mạo của con hẻm này. (Ảnh: NVCC) |
Người dân cho biết, khu này đang nằm trong diện chờ giải tỏa vì chung cư đã xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên cho tới thời điểm này vẫn chưa có động thái nào từ chính quyền sau nhiều lần thông báo và số phận của các hộ dân cũng chưa được xác định sẽ tạm cư ở đâu. Có nguồn thông tin cho biết dân cư trong hẻm sẽ tạm cư ở Thuận Kiều Plaza cũ và một số khu ở Quận 8 nếu có giải tỏa.
Nhiều nhà đã xuống cấp trầm trọng. (Ảnh: Hường Trần) |
Trò chuyện với chú Tiên, chú cho hay: “Thực ra thông tin còn rất mơ hồ. Các hộ dân rất muốn biết nếu có di dân đi chỗ khác thì diện tích nhà ra sao, rộng hay hẹp, ở khu nào! Chúng tôi có nghe nói giải tỏa vài lần nhưng vẫn chưa có thông tin gì thêm cho tới nay”.
---
XEM THÊM
Nhiều sự kiện hấp dẫn đang diễn ra trong Ngày hội sách châu Âu lần 3 tại TP HCM
Đến với “Ngày hội Sách châu Âu” lần thứ 3 diễn ra từ 12/5 đến 20/5 ở Đường sách TP HCM, độc giả có thể ... |
Check-in "cánh đồng hoa Đà Lạt" ngay cạnh Sài Gòn
Tuy không rộng lớn bằng cánh đồng hoa ở Đà Lạt nhưng cánh đồng hoa này cũng đủ để cho những ai mê "sống ảo" ... |
Quán cơm tấm đêm không biển hiệu vẫn đông khách ở ngã tư Hàng Xanh
Quán cơm tấm nằm trong hẻm sâu, không có biển tên lại bán vào giờ oái ăm nhưng suốt 32 năm nay lúc nào cũng ... |