Giá đất nông nghiệp nhiều nơi tại Đồng Nai tăng tính bằng lần

Cơn sốt giá đất nông nghiệp ở Đồng Nai bắt đầu bùng phát từ năm 2017 và kéo dài cho đến nay đã làm cho giá đất ở các huyện, thành phố tăng 5-6 lần.

Theo Báo Đồng Nai, từ giữa năm 2017, cơn sốt giá đất nông nghiệp ở Đồng Nai bắt đầu bùng phát và kéo dài cho đến nay. Hiện giá đất nông nghiệp ở các huyện, TP trên địa bàn tỉnh đã tăng 5-6 lần.

Nguyên nhân khiến giá đất nông nghiệp liên tục tăng là do ăn theo các công trình hạ tầng lớn của quốc gia, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đường vành đai 3, cầu Cát Lái,...

Đây là thực trạng đã diễn ra hơn 10 năm nay, bắt đầu từ các vùng phát triển khu công nghiệp, đô thị như các huyện Long Thành, Nhơn Trạch. 

Vài năm trở lại đây, "cơn sốt” này lan dần đến các huyện vùng sâu, vùng xa của Đồng Nai như Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu,...

Một nguyên nhân khác dẫn đến giá đất tăng là làn sóng nhà đầu tư. Trong đó có cả doanh nghiệp từ các tỉnh, thành khác mà chủ yếu là ở TP HCM đầu tư “lướt sóng” để kiếm lời.

Giá đất nhiều nơi tại Đồng Nai tăng 5 - 6 lần - Ảnh 1.

Đất nông nghiệp ở Đồng Nai được bán như đất thương mại, dịch vụ, thậm chí có nơi phân lô bán theo giá đất nền. (Ảnh: Báo Đồng Nai).

Chia sẻ với Báo Đồng Nai, ông Trần Văn Hải, người dân tại huyện Cẩm Mỹ cho biết, năm 2016, đất nông nghiệp trên địa bàn xã chỉ khoảng 240 - 800 triệu đồng/ha tùy theo vị trí. Thế nhưng đến nay, 1 ha đất nông nghiệp đã tăng lên 1,5 - 8 tỷ đồng. Những thửa đất nông nghiệp gần mặt tiền đường lớn, giá có thể lên đến 1 - 2 tỷ đồng/sào (1.000 m2). Đa số là người dân ở TP HCM về mua đất, chờ giá cao để bán lại. 

Ông Hải cho biết thêm: “Gia đình tôi có hơn 1 ha đất đang trồng cây ăn trái được 'cò' đất đến hỏi mua với giá hơn 6 tỷ đồng nhưng tôi không bán. Bán đất thì dễ chứ mua lại đất nông nghiệp để sản xuất rất khó”.

Tại các huyện Tân Phú, Định Quán không chỉ khu vực gần quốc lộ, tỉnh lộ mà giá đất trên các tuyến đường liên xã, trong các ấp cũng tăng cao. 

Ông Trịnh Văn Sơn, người dân tại huyện Định Quán, cho biết: “Khoảng 4 - 5 năm trước, đất nông nghiệp ở khu vực xa trung tâm UBND xã Thanh Sơn giá chỉ gần 200 triệu đồng/ha, nhưng hiện đã lên đến hơn 1 tỷ đồng/ha, tăng gấp 5 - 6 lần. Đất nằm trên các tuyến đường lớn có khi lên đến 5 - 7 tỷ đồng/ha”.

Ngoài ra, tại các khu vực có công nghiệp phát triển như các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, TP Biên Hòa và TP Long Khánh, giá đất nông nghiệp còn bị những người đầu tư đẩy lên mức 20 - 50 tỷ đồng/ha. 

Đơn cử như giá đất nông nghiệp ở phường Hiệp Hòa (TP Biên Hòa) được bán với giá 4 - 5 triệu đồng/m2, các phường vùng ven Phước Tân, Tam Phước cũng từ 3 - 4 triệu đồng/m2. 

Tại các xã Phước An, Tam An, Long Đức, Long An của huyện Long Thành, đất nông nghiệp được chuyển nhượng với giá 2 - 3 triệu đồng/m2. 

Còn trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, khu vực các xã Phú Hữu, Đại Phước, Long Tân, Phú Hội, Long Thọ… đất nông nghiệp mua bán ngoài thị trường tự do khoảng 2 - 4 triệu đồng/m2.

Ông Vũ Văn Phấn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đánh giá, Đồng Nai là nơi có công nghiệp phát triển, người dân các nơi về tỉnh làm việc trong các khu công nghiệp đông nên nhu cầu về nhà, đất ở rất lớn. Đây cũng là khu vực đất đai đang 'nóng', doanh nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp muốn đến Đồng Nai đầu tư vì còn nhiều tiềm năng phát triển. 

“Trong đó, có những doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận, mua bán đất nông nghiệp, phân lô, bán nền gây khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền địa phương, giở chiêu trò 'thổi' giá đất nông nghiệp lên cao, gây ra những 'cơn sốt ảo' về đất nông nghiệp, làm bất ổn thị trường bất động sản”, ông Phấn nhấn mạnh.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.