Tuy nhiên, Thủ tướng chưa đồng ý với đề xuất của Bộ VHTTDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) về việc nâng thời gian cho mỗi lần nhập cảnh từ 15 lên 30 ngày và mở rộng danh sách các nước được miễn visa đơn phương vì muốn đánh giá lại việc thí điểm, thực tiễn các việc đã làm được khi áp dụng chính sách đơn phương miễn thị thực cho các nước nói trên.
Cơ hội thu 1 tỉ USD từ lượng khách Tây Âu
Sau khi có thông tin về quyết định này của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp du lịch vui mừng vì sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của Chính phủ nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam và tạo cơ hội, chính sách thông thoáng để du lịch Việt Nam phát triển. Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Thiên Minh Group, thành viên TAB cho biết: “Các công ty lữ hành, khách sạn, hãng hàng không và những người làm du lịch rất vui mừng, vì quyết định này của Thủ tướng sẽ giúp cho doanh nghiệp có cơ sở để hoạch định kế hoạch dài hơi trong những năm tới. Với mức tăng thêm 10,1% lượng khách Tây Âu đến Việt Nam, chúng ta có thể thu thêm được 300 triệu USD mỗi năm và tạo ra rất nhiều công ăn việc làm trực tiếp trong xã hội. Nếu tính cả giá trị gián tiếp và lan toả thì còn thu được gấp nhiều hơn thế. Có nghĩa là, chúng ta có cơ hội thu được 1 tỉ USD tính cả doanh thu trực tiếp lẫn gián tiếp và lan toả từ lượng khách 5 nước Tây Âu tăng thêm”.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực HHDL Việt Nam, Chủ tịch HHLH Việt Nam: “Quyết định này của Thủ tướng sẽ tạo động lực để ngành Du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ thời gian tới. Không chỉ có tác động thu hút khách tới từ thị trường Tây Âu mà quyết định sẽ có tác động lan toả tới các thị trường khác”.
Ông Vũ Thế Bình cho rằng, Chính phủ đã hỗ trợ hết mức để thúc đẩy phát triển du lịch thì ngành Du lịch và những người làm du lịch cũng cần phải có trách nhiệm với ngành mình. Cụ thể là cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, phù hợp với từng thị trường. Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch có tay nghề cao, chuyên nghiệp, thái độ thân thiện để phục vụ khách du lịch. Một vấn đề khác cần phải có sự thay đổi cho kịp thời là việc đầu tư cả về con người lẫn nguồn lực tài chính cho công tác xúc tiến du lịch, trước hết là sớm thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia du lịch cho biết, có những vấn đề đã nói đi nói lại rất nhiều lần, tưởng như là sáo rỗng nhưng nếu không thực hiện, không thay đổi sẽ khó mà đưa du lịch Việt Nam phát triển được, đó là thay đổi nhận thức của cả xã hội về du lịch, đổi mới tư duy về phát triển du lịch, đặt du lịch vào đúng vị trí vốn có của nó: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác” - Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Doanh nghiệp tự tin xây dựng chương trình quảng bá dài hạn
Việt Nam đang nằm trong khu vực có chính sách mở nhất thế giới, trong đó Indonesia miễn visa nhập cảnh cho công dân 169 quốc gia, vùng lãnh thổ; Malaysia miễn 162 quốc gia, vùng lãnh thổ; Singapore và Philippines miễn cho 159 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong khi đó Việt Nam mới chỉ miễn cho 24 quốc gia.
Trả lời phỏng vấn của Báo Văn Hoá liên quan đến tầm quan trọng của chính sách miễn visa trong thúc đẩy phát triển du lịch của Indonesia, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi chia sẻ: “Chính sách visa được xác định là rất quan trọng trong phát triển du lịch của Indonesia. Năm 2016, Tổng thống của chúng tôi đã có quyết định cho phép công dân từ 169 quốc gia, vùng lãnh thổ nhập cảnh Indonesia mà không cần visa trong 30 ngày. Mục đích chính của chính sách này là thúc đẩy du khách nước ngoài đến Indonesia du lịch. Indonesia cũng đã đặt mục tiêu đạt 20 triệu du khách quốc tế vào năm 2019. Năm 2017, Indonesia đã đạt 15,2 triệu lượt khách quốc tế”.
Bộ trưởng Bộ Du lịch Indonesia tuyên bố rằng chính sách miễn thị thực đã tăng số lượng khách du lịch lên đến 20%. Tuy nhiên, Indonesia đang trong quá trình xem xét chính sách miễn thị thực và thu hồi cơ sở miễn thị thực đối với công dân 49 quốc gia không có bất kỳ đóng góp đáng kể nào đối với du lịch của Indonesia. Cùng với chính sách visa thuận lợi, Indonesia đã phát triển thêm 10 điểm đến “Bali mới” và phân bổ khoảng 200 triệu USD một năm cho xúc tiến du lịch.
Khi được hỏi về quyết định gia hạn miễn visa cho 5 nước Tây Âu trong 3 năm tới các doanh nghiệp đều khẳng định sẽ nhanh chóng đưa vào các chương trình quảng bá, xúc tiến của đơn vị mình trong dài hạn và thông báo ngay với đối tác ở 5 nước Tây Âu để có những thông tin kịp thời cho khách. Visa không phải là tất cả để phát triển du lịch nhưng nó giải quyết được vấn đề tâm lý đối với khách, khẳng định sự mở cửa của Việt Nam với thế giới và dần tạo thế cân bằng trong cạnh tranh với các nước trong khu vực.
--
THỊ THỰC
Mỹ tạm dừng cấp thị thực SR, I5 và R5 tại Việt Nam
Từ ngày 23.3, Chính phủ Mỹ sẽ tạm dừng việc cấp visa (thị thực) định cư cho người Việt Nam cho đến khi được Quốc ... |
Việt Nam cấp visa điện tử cho công dân 46 nước
Người nước ngoài là công dân 46 nước trong danh sách có thể truy cập Trang thông tin cấp thị thực điện tử để khai ... |