Giá lợn hơi giảm sâu, nhiều hộ kinh doanh nợ hàng chục tỷ đồng

 Giá lợn hơi bị tụt dốc xuống mức thấp kỷ lục giảm sâu nhiều tháng qua khiến người chăn nuôi điêu đứng. Các cửa hàng, đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, các tiểu thương bán thịt lợn… như "ngồi trên đống lửa" khi không bán được hàng, không thu hồi được vốn.
 

Khuôn mặt rầu rĩ, ông Trần Khắc Định xã Ngọc lũ, huyện Bình Lục , chủ đại lý thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y chia sẻ: Gia đình vừa là đại lý cung cấp thức ăn cho các hộ chăn nuôi, vừa chăn nuôi lợn với quy mô trên 300 con. Thế nhưng cả tháng nay, hầu hết các gian chuồng đã bỏ không, cả đàn lợn chỉ còn khoảng 40 con cũng đang trong tình trạng nuôi cầm chừng.

Đại lý của ông trước cung cấp thức ăn chăn nuôi cho hơn 100 hộ chăn nuôi thì bây giờ chỉ còn vài chục hộ. Hoạt động chăn nuôi trở nên trầm lắng. Thông thường khi bán cám cho người chăn nuôi, khoảng 3 đến 5 tháng họ sẽ bán lợn và trả tiền cho đại lý. Nhưng hiện nay, họ bán lợn thua lỗ nên chỉ trả được phần nào, rồi hầu như là nợ.

“Giá cám hiện nay không xuống, nhiều đại lý phải giảm lợi nhuận của chính mình để chia sẻ với người chăn nuôi trong lúc khó khăn. Nhưng cứ như giá lợn hiện nay năng suất bán hàng giảm sút, nhiều đại lý ở xã phải đóng cửa, thậm chí là mất cả số đỏ vì mang đi vay ngân hàng”, ông Định cho biết thêm.

ha nam gia lon giam sau nhieu ho kinh doanh no hang chuc ty dong
Lượng cám cò trong kho nhà ông Định còn rất nhiều nhưng không bán được (Ảnh : Quang Huy)

Theo Ông Trần Đình Thiện – Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục: Khó khăn của hộ ông Định, cũng là khó khăn chung của khoảng 30 đại lý chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi. Hầu hết các đại lý đều đang bị nợ đọng trong dân, hộ ít thì vài ba tỷ đồng, hộ nhiều lên tới vài chục tỷ đồng. Các đại lý rất lo lắng khi trong thời gian dài không thu hồi được vốn để trả nợ ngân hàng. Đã xuất hiện tình trạng chủ đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi thuê người đến gây khó dễ, đòi nợ người chăn nuôi.

“Trước thực tế này, UBND xã Ngọc Lũ đã chỉ đạo các hội, đoàn thể, lực lượng công an tích cực vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, xuống trực tiếp từng hộ dân và đại lý để làm công tác tư tưởng, yêu cầu chủ đại lý bình tĩnh, rà soát tình hình nợ đọng, không được có động thái ép dân trả nợ trong thời điểm khó khăn", ông Thiện cho biết thêm

Ngoài mặt hàng thức ăn chăn nuôi, các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y cũng đã và đang phải chịu sự tác động từ cơn "bão giá" lợn này.

Chị Trần Thị Chính, chủ một cửa hàng bán thuốc thú y ở xã La Sơn (Bình Lục) than thở: Tôi mở cửa hàng bán thuốc thú y đã nhiều năm nay nhưng chưa khi nào hàng hóa lại ế ẩm như những tháng qua. La Sơn là địa phương phát triển chăn nuôi lợn khá mạnh. Nguồn thu chính của quầy thuốc là từ việc bán thuốc phòng, trị bệnh cho đàn lợn.

Nếu như trước đây, mỗi ngày có vài chục đến hàng trăm khách hàng đến mua thuốc điều trị bệnh cho lợn thì hiện nay, thi thoảng mới có một vài người đến hỏi mua. Bởi lẽ, giá lợn quá rẻ, càng nuôi càng lỗ nên người dân không muốn duy trì đàn. Lợn con người ta còn thả đi thì thiết tha gì mua thuốc phòng bệnh nữa.

ha nam gia lon giam sau nhieu ho kinh doanh no hang chuc ty dong
Gian chuồng trước đây nuôi lợn giờ được các hộ dân tận dụng nuôi vịt (Ảnh: Quang Huy)

Tại một số chợ trên địa bàn thành phố Phủ Lý và chợ vùng nông thôn, hoạt động mua bán thịt lợn trầm lắng hơn trước rất nhiều. Nhiều tiểu thương và người bán hàng cho biết, so với thời điểm trước khi lợn giảm giá sâu, lượng thịt bán của họ mỗi ngày đã giảm ít nhất là 20%.

Chị Trần Thu Thu, người có thâm niên trên 20 năm trong nghề giết mổ lợn ở Bình Lục, chia sẻ: Giá lợn xuống thấp khiến nhiều người dân chọn phương thức đánh đụng thịt chứ không mua thịt ở chợ hay từ cửa hàng nữa. Vì thế, tình hình kinh doanh của gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn.

“Nếu như trước đây, mỗi ngày tôi giết mổ, bán hết 2-3 con lợn chỉ trong buổi sáng thì bây giờ, cứ 1-2 ngày tôi mới mổ một con mà phải chật vật sang cả buổi chiều may ra mới bán hết. Nếu giá lợn cứ thấp như thế này, người chăn nuôi không có lãi, không nuôi lợn nữa thì sau này còn không biết bắt lợn ở đâu mà thịt...”, chị Thu cho biết thêm

Có thể nói, tình trạng giá lợn giảm sâu trong thời gian dài vừa qua đã khiến nhiều hộ chăn nuôi lợn ở nhiều địa phương bị thua lỗ, thậm chí là phá sản, không còn nguồn vốn tái đàn. Được biết UBND tỉnh Hà Nam đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm ý kiến của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, đặc biệt đối với các hộ chăn nuôi.

Các đại lý, cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng đã có nhiều cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ người chăn nuôi bằng cách tiếp tục cung ứng thức ăn, thuốc thú y cho các hộ chăn nuôi khi tái đàn. Song, nếu tình trạng giá lợn tụt giảm tiếp tục kéo dài thì e rằng các đại lý, cửa hàng này cũng không cầm cự được lâu vì cụt vốn.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.