Hà Nam: Đa số các dự án bất động sản gặp khó khăn trong công tác GPMB

Năm 2023, đa số dự án tại Hà Nam khó GPMB do người có đất không nhận tiền bồi thường, đòi hỏi mức giá cao hơn quy định; một số dự án gặp khó khăn trong công tác di chuyển mộ.

Một góc TP Phủ Lý, Hà Nam (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam vừa công bố báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn.

Đánh giá chung thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh, trong quý IV/2023, địa phương có 11 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư; không có dự án lựa chọn nhà đầu tư; 3 dự án được cấp phép xây dựng.

Cùng với đó, có 5 dự án hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chưa có sản phẩm nhà ở; 1 nhà ở xã hội có sản phẩm hoàn thành; không có dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Về giao dịch, số liệu từ Cục thuế tỉnh cho biết, quý vừa qua Hà Nam có tổng cộng 1.816 giao dịch. Trong đó có 1.672 giao dịch đất nền và 144 giao dịch nhà ở riêng lẻ; không ghi nhận giao dịch đối với căn hộ chung cư. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 987,5 tỷ đồng. 

Tính chung cả năm 2023, có 21 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư (gồm 20 dự án nhà ở thương mại; 1 dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân). Có 9 dự án lựa chọn nhà đầu tư (gồm 4 dự án nhà ở thương mại thông qua hình thức đấu giá; 4 dự án nhà ở thương mại thông qua hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư; 1 dự án nhà ở xã hội thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư). 

11 dự án được cấp phép xây dựng; 11 dự án hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chưa có sản phẩm nhà ở; 1 dự án nhà ở thương mại hoàn thành; 1 dự án nhà ở xã hội có sản phẩm nhà ở hoàn thành; không có dự án, căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Về lượng giao dịch, năm qua toàn tỉnh có tổng cộng 6.616 giao dịch với tổng giá trị hơn 4.796 tỷ đồng. Trong đó có 6.144 giao dịch đất nền và 472 giao dịch nhà ở riêng lẻ; không ghi nhận giao dịch chung cư. 

Đối với việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn, toàn tỉnh không có dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay gói tín dụng 120.000 tỷ trong năm qua.  

Đối với nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, Hà Nam hiện có 2 dự án đã và đang triển khai với quy mô khoảng 936 căn, bao gồm Nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị Đồng Văn Xanh do liên danh CTCP doanh nghiệp Hà Nam - Công ty TNHH Thi Sơn làm chủ đầu tư (đã cơ bản hoàn thành; quy mô 372 căn hộ) và Khu nhà ở xã hội tại phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên do Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD làm chủ đầu tư (đang xây dựng; quy mô 564 căn hộ). 

Còn đối với nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp (KCN), hiện có 3 dự án với tổng quy mô khoảng 3.407 căn hộ.

Các dự án gồm Khu thiết chế công đoàn tại KCN Đồng Văn II (giai đoạn I) do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam làm chủ đầu tư (đã hoàn thành; có 244 căn hộ cho thuê); Khu dịch vụ nhà công nhân KCN Đồng Văn IV huyện Kim Bảng do Tổng công ty Viglacera – CTCP làm chủ đầu tư (đang thi công; quy mô 2.235 căn); Khu nhà ở xã hội thuộc tổng mặt bằng Khu thiết chế công đoàn tại KCN Đồng Văn II (giai đoạn II) do CTCP Arita làm chủ đầu tư (910 căn hộ).

Vừa qua, UBND tỉnh Hà Nam cũng chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Nhà ở xã hội và nhà ở công nhân tại xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng. Dự án đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, quy mô khoảng 600 căn liền kề, 500 căn hộ chung cư. 

Một số dự án nhà ở xã hội khác đang trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị thủ tục để thu hút đầu tư như Khu nhà ở công nhân và nhà ở xã hội tại địa bàn các xã Đồng Hóa, Nhật Tân, Đại Cương (huyện Kim Bảng) và Khu nhà ở xã hội thuộc Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu thương mại và nhà ở đô thị tại phường Duy Minh và phường Duy Hải (thị xã Duy Tiên). 

Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, tỉnh Hà Nam cho biết đa số các dự án tại địa phương gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Theo Sở Xây dựng tỉnh, khó khăn này là do người dân có đất trong phạm vi dự án không nhận tiền bồi thường, đòi hỏi mức giá bồi thường cao hơn quy định; một số dự án gặp khó khăn trong công tác di chuyển mộ. 

Mặt khác, một số doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn nên tiến độ thực hiện các dự án bị chậm. Các doanh nghiệp cũng gặp khó trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý (điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện dự án…); thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai (quy định về xác định quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại; về tính tiền sử dụng đất các dự án…). 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.