Hà Nội giám sát việc mua sắm trang thiết bị y tế | |
Hà Tĩnh: Lãnh đạo dùng xe cứu thương đi lại, bệnh nhân bị xe tư ép giá |
Nhiều trang thiết bị y tế tiền tỷ bị đội giá lên gấp 3 lần bị cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: SKĐS |
Theo một báo cáo kiểm toán, quyết toán ngân sách Nhà nước của Kiểm toán Nhà nước gần đây, thì công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 vẫn còn nhiều sai phạm.
Về công tác đấu thầu: Bộ Y tế và các địa phương được kiểm toán chưa ban hành các văn bản quy định cụ thể về đấu thầu trang thiết bị y tế (TTBYT), đặc biệt là công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao còn nhiều bất cập. Việc phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp và có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất. Cụ thể, có những loại vật tư cùng chủng loại nhưng có giá chênh nhau đến 6-7 lần ở các bệnh viện khác nhau.
Ví dụ: 1 cái kim cánh bướm ở bệnh viện Việt Đức nhập giá 1.090 đồng nhưng bệnh viện Chợ Rẫy nhập giá 7.350 đồng, tức gấp gần 7 lần. Một dây truyền huyết thanh bệnh viện Bạch Mai nhập 3.675 đồng, trong khi đó bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức nhập 18.000 đồng, tức cao hơn 4,8 lần.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng hóa chất có giá trị lớn như Retic Pak Reagent Kit ở bệnh viện Thống Nhất nhập giá hơn 2.874.000 đồng thì Viện Huyết học Truyền máu Trung ương nhập hơn 16.700.000 đồng.
Cũng theo Kiếm toán Nhà nước, nhiều đơn vị xây dựng giá kế hoạch mua sắm căn cứ theo chứng thư thẩm định giá đối với những mặt hàng không cần phải thẩm định giá và không xem xét đến trường hợp một số nhà thầu báo giá thấp hơn giá thẩm định. Cá biệt, qua kiểm toán phát hiện gói thầu gây thiệt hại 10,77 tỷ đồng nên Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi về cho ngân sách Nhà nước.
Quản lý chặt giá thành trang thiết bị y tế là công tác hết sức cấp bách nhằm giảm thất thoát cho ngân sách Nhà nước. |
Qua kiểm toán tại Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy một số đơn vị sử dụng TTBYT kém hiệu quả do xác định nhu cầu mua sắm chưa phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Một số đơn vị có thiết bị chưa hết thời gian tính hao mòn nhưng đã bị hỏng, không sử dụng được. Kiểm toán 11 tỉnh, thành phố thì có 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá hơn 371,8 tỷ đồng. Nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng.
Cụ thể, trang thiết bị hư hỏng không khắc phục được là 649 thiết bị, trị giá hơn 68,5 tỷ đồng. Trang thiết bị hư hỏng chưa được sửa chữa được là 120 thiết bị, trị giá hơn 151,7 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 456 thiết bị ít sử dụng hoặc thậm chí là chưa sử dụng với trị giá hơn 151,5 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước nhận định, Bộ Y tế và hầu hết các địa phương được kiểm toán chưa xây dựng kế hoạch trung hạn và kế hoạch dài hạn về đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế để làm căn cứ xác định nhu cầu mua sắm trang thiết bị hàng năm.
Bộ Y tế chưa có hướng dẫn, quy định đối với hoạt động liên doanh, liên kết theo hình thức đặt máy bán hóa chất xét nghiệm chỉ để bán hóa chất nên trong công tác quản lý còn nhiều bất cập.