Giảm lãi suất có còn nhiều ý nghĩa nếu doanh nghiệp không tiếp cận được vốn?

Theo các ĐBQH, doanh nghiệp đang rất khát vốn tín dụng, nhưng không tiếp cận được vốn, nếu có tiếp cận được thì rất khó để giải ngân do điều kiện vay và thủ tục. Chính phủ đã phải dùng cả mệnh lệnh hành chính để yêu cầu giảm lãi suất, mặc dù vẫn còn cao, tuy nhiên, việc giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh việc lãi suất cao, khả năng tiếp cận vốn thấp cũng là khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM, đến cuối tháng 2/2023, 83% số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Trong đó, các khó khăn chủ yếu bao gồm: lãi suất cao và biến động tỷ giá mạnh; thị trường bị thu hẹp; khó tiếp cận vốn, thủ tục vay vốn phức tạp, mất nhiều thời gian; hàng tồn kho nhiều; giá nguyên liệu đầu vào tăng; chi phí nhân công tăng.

Điều đáng nói, doanh nghiệp ở nhiều ngành sản xuất chủ lực đang cùng lúc đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Đó là tình trạng đơn hàng sụt giảm mạnh, cạn kiệt dòng tiền. Điều này khiến phần lớn doanh nghiệp phải chật vật duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Vấn đề về vốn nóng tại nghị trường Quốc hội

 

Đặt câu hỏi tại nghị trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 2023, nhiều đại biểu nêu lo ngại về việc doanh nghiệp không tiếp cận được vốn thì việc giảm lãi suất có còn ý nghĩa.

Dẫn kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu Lê Hữu Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Khánh Hoà nhấn mạnh những khó khăn hàng đầu mà doanh nghiệp gặp phải là tiếp cận tín dụng có nhiều trở ngại, bao gồm cả tín dụng, nguồn vốn, lãi suất ưu đãi của Chính phủ và nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong đó, đa phần doanh nghiệp gặp khó khăn về khả năng tiếp cận vốn, bên cạnh việc lãi suất cao. Đây cũng là một trong những yếu tố làm cho doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phá sản, giải thể, bán lại doanh nghiệp.

Điều này cho thấy nếu không có biện pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp bên cạnh việc tiếp tục hạ lãi suất thì khó có thể hỗ trợ doanh nghiệp và đạt mục tiêu tăng trưởng.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh doanh nghiệp đang rất khát vốn tín dụng, nhưng không tiếp cận được vốn, nếu có tiếp cận được thì rất khó để giải ngân do điều kiện vay và thủ tục.

Đại biểu đánh giá, Chính phủ đã phải dùng cả mệnh lệnh hành chính để yêu cầu giảm lãi suất, mặc dù vẫn còn cao. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất, kinh doanh. Việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp đến với doanh nghiệp, ông An nêu vấn đề.

 

 

Tại sao tiếp cận vốn lại khó khăn?

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: NVCC).

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, có ít nhất ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiếp cận vốn khó khăn.

Thứ nhất, môi trường kinh doanh không thuận lợi dẫn đến phương án kinh doanh kém khả quan. Theo chuyên gia, môi trường kinh doanh bất ổn và nhiều thách thức ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, có hướng xuất khẩu như: điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản, gỗ...

Do phương án kinh doanh kém khả quan nên các doanh nghiệp cũng khó đáp ứng được các quy định, tiêu chuẩn tín dụng của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng giảm nhu cầu vay vốn.

Thứ hai, lãi suất và lạm phát dù đang giảm, nhưng còn ở mức cao. Đến hết tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần giảm một số lãi suất điều hành. Lãi suất huy động và cho vay cũng đã giảm (1% - 2% so với đầu năm), tuy nhiên còn ở mức cao so với trước thời kỳ dịch COVID-19, dẫn tới chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng lên.

Doanh nghiệp có tâm lý chờ lãi suất hạ nhiệt để đi vay và ưu tiên sử dụng vốn tự có nhiều hơn. Trên thực tế, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm 5,7% trong 2 tháng đầu năm 2023 và huy động vốn của các tổ chức tín dụng hết 4 tháng cũng chỉ tăng khoảng 1,5% so với đầu năm.

Thứ ba, thanh khoản tại các thị trường tiền tệ và vốn cần có thời gian để tháo gỡ. Hiện nay, trước bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm và lạm phát có xu hướng giảm nhiệt, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một loạt các biện pháp để tháo gỡ, tạo thêm thanh khoản cho thị trường. Mặc dù vậy, thị trường cũng như khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn cần khoảng thời gian để điều chỉnh, TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp, theo chuyên gia Cấn Văn Lực bên cạnh việc hạ lãi suất cần thực hiện các giải pháp để gia tăng "sức khoẻ" cho doanh nghiệp cũng như tăng khả năng tiếp cận vốn. Đơn cử như câu chuyện gói hỗ trợ lãi suất 2%, việc đặt ra tiêu chí “có khả năng phục hồi” trong bối cảnh môi trường kinh doanh khó lường như hiện nay khiến khoảng 87% khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất nhưng không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất.

Hiện Chính phủ đã nhận diện rõ những nguyên nhân này và đã chỉ đạo nghiên cứu điều chuyển hoặc đề xuất cho phép dùng vào mục đích phù hợp, khả thi khác,…

DN yếu đi nên cần có chính sách mới như bảo lãnh vay vốn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, năm 2022, tăng trưởng tín dụng là 14,5% nhưng trong 5 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 3%. Về cơ chế chính sách cho vay vẫn giữ nguyên, không có gì thay đổi so với trước.

Theo Thống đốc, hiện có những nhóm doanh nghiệp như: Doanh nghiệp không có đầu ra, tức là không có đơn hàng, giải pháp để tăng trưởng tín dụng là phải tháo gỡ khó khăn về đầu ra. Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã tích cực xúc tiến thương mại, tuy nhiên cần có thời gian cũng như cần hướng tới khai thác thị trường nội địa 100 triệu dân thay cho thị trường nước ngoài.

Với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm này rất khó khăn sau đại dịch COVID-19 và không đủ điều kiện vay vốn nên không thể tiếp cận được tín dụng của các ngân hàng thương mại. Thống đốc cho rằng, cần có giải pháp để cải thiện điều kiện vay vốn của nhóm này, có thể thông qua chính sách bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ,...

Với nhóm doanh nghiệp bất động sản, thông thường, tăng trưởng tín dụng của nhóm này luôn cao hơn trung bình của nền kinh tế, tuy nhiên khó khăn hiện tại của nhóm này đến 70% là về vấn đề pháp lý. Do đó, cần tháo gỡ về pháp lý cho các dự án bất động sản và các doanh nghiệp phải tập trung điều chỉnh giá bất động sản xuống để kích thích tín dụng cho cả doanh nghiệp xây dựng, bất động sản và người mua nhà.

Thống đốc cũng cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, khi ổn định được tỷ giá trở lại, với điều kiện lạm phát tăng chậm lại, trong những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã rất quyết liệt, điều chỉnh 3 lần mức điều hành lãi suất, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm 0,9% bình quân so với năm 2021.

chọn
VKS đề nghị tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 'mức án nghiêm khắc nhất'
TP HCMTheo VKS, bà Trương Mỹ Lan phạm tội có tổ chức trong thời gian dài, thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi... nên đề nghị tòa tuyên phạt "mức án nghiêm khắc nhất".