Giảm thuế nhưng nhiều thứ phải lo

Thuế giảm sẽ thúc đẩy hàng VN xuất khẩu vào EU khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Thế nhưng vẫn còn đó những nỗi lo về chất lượng và hàng rào kỹ thuật mới.
 - Ảnh 1.

Đóng gói trái cây xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL. (Ảnh: T.MẠNH).

Nếu không chuẩn bị kỹ, doanh nghiệp Việt rất khó để tận dụng cơ hội từ hiệp định này.

Chạy đôn chạy đáo vì những chi tiết tưởng nhỏ

Hơn hai tháng qua, ông Phùng Văn Hiền, giám đốc Công ty TNHH Toàn cầu trái cây tươi (Bến Tre), liên hệ khắp nơi để tìm kiếm nhà cung cấp màng bọc thực phẩm và ống hút thân thiện môi trường cho các sản phẩm trái cây xuất khẩu sang EU. 

Theo các đối tác nhập khẩu tại Anh và Hà Lan, châu Âu sẽ không cho phép dùng loại nhựa dùng một lần để bọc trái cây cũng như dùng làm ống hút (bán kèm theo trái dừa) vào nước họ. Quy định này sẽ sớm áp dụng ra toàn bộ các quốc gia châu Âu...

"VN không có các nhà cung cấp các sản phẩm làm từ vật liệu thay thế hay nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn. Chúng tôi đang thử nghiệm ống hút bằng giấy và bằng gạo nhưng kết quả chưa được như ý. 

Còn màng bọc thực phẩm, mới có một đơn vị tuyên bố làm được loại túi nilông phân hủy hoàn toàn thành phân bón nhưng không biết có sản xuất được loại màng trong suốt bọc trái cây không", ông Hiền nói và nhận định "đôi khi chỉ một số thay đổi nhỏ trong chính sách có thể làm khó cho kinh doanh".

Phải cạnh tranh ngay tại Việt Nam

Ông Đặng Hoàng Giang, phó chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas), cho biết thị trường hạt điều chế biến sâu (rang muối hoặc chế biến thành snack, sữa...) đang phát triển tốt. Nhưng gần đây một số tập đoàn chế biến hạt ăn được quy mô toàn cầu đã xúc tiến đầu tư vào VN để tận dụng nguồn nguyên liệu cũng như ưu đãi thuế của Việt Nam từ các hiệp định thương mại tự do. 

"Mới đây một tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hằng năm bằng xuất khẩu của cả ngành điều đã đầu tư nhà máy chế biến tại Việt Nam. Với kinh nghiệm hàng trăm năm, khách hàng trên quy mô toàn cầu và tiềm lực tài chính hùng mạnh, các doanh nghiệp trong nước rất khó có thể cạnh tranh với họ...", ông Giang khuyến cáo.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sẽ có những thách thức mới cho ngành thủy sản VN khi tham gia EVFTA như: các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn... 

Doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững - là những yêu cầu có trong FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP.

EuroCham đưa khuyến nghị

Trong vài tháng tới, doanh nghiệp cần chuẩn bị để bắt kịp các thay đổi khi Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) được phê chuẩn và có hiệu lực. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier đã khuyến nghị như vậy.

"Doanh nghiệp cần xem xét những tiêu chuẩn châu Âu và tìm cách áp dụng vào sản phẩm của mình, đồng thời cần bắt đầu tìm kiếm đối tác ở EU để có thể dễ dàng tiếp cận thị trường, cũng như người tiêu dùng của khu vực này", ông Nicolas Audier nhấn mạnh.

Ông Audier cũng cho rằng việc phê chuẩn EVFTA còn chờ thông qua bước cuối cùng bằng một cuộc bỏ phiếu ở Nghị viện châu Âu. Lợi ích kinh tế của EVFTA là không thể tranh cãi, nhưng ông Audier thông tin: các nghị sĩ EU vẫn tiếp tục theo dõi sự thay đổi của Việt Nam về các vấn đề như quyền lao động và bảo vệ môi trường.

Chủ tịch EuroCham cam kết tổ chức này sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện để nâng cao nhận thức về EVFTA, cung cấp những điều khoản chi tiết để đảm bảo các doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi từ việc tiếp cận đặc quyền vào thị trường tiêu dùng lớn, có giá trị cao của châu Âu.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.