Giang Kim Đạt: 'Tiền có được là do... đi xin'

Khai về các thương vụ mua tàu, bị cáo Đạt cho hay, số tiền anh ta có được là do "xin" được từ công ty môi giới.

Sáng nay, phiên tòa xét xử vụ tham nhũng và rửa tiền xảy ra tại Vinashinlines tiếp tục với phần thẩm vấn.

HĐXX cho cách ly các bị cáo để xét hỏi riêng bị cáo Giang Kim Đạt.

Về các thương vụ mua tàu, bị cáo Đạt khai, số tiền anh ta có được là do "xin" được từ công ty môi giới. Và không phải thương vụ nào cũng xin được.

giang kim dat tien co duoc la do di xin
Bị cáo Giang Kim Đạt trong phiên tòa sáng nay

Thương vụ mua ba con tàu, Đạt nhận từ công ty môi giới hơn 711.000 USD.

"Bị cáo xin được tiền từ công ty môi giới. Tiền lệ phí môi giới được trả từ 1- 5,75%, tùy theo thỏa thuận. Đó là theo thông lệ quốc tế. Bên bán tàu sẽ trả tiền cho công ty môi giới, sau đó công ty môi mới cho lại tôi tiền", Đạt khai.

Vẫn theo lời khai của Đạt, được công ty môi giới trích lại cho tiền hoa hồng nhưng Đạt không báo cáo lại cho ông Trần Văn Liêm (61 tuổi, nguyên TGĐ tổng công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin).

Sau khi nhận được tiền, Đạt chuyển cho bị cáo Liêm khoảng 150.000 USD. "Lúc đó bị cáo nói - đây là tiền công ty môi giới trích ra cho em thì em cho anh. Anh Liêm hiểu họ có quyền được hưởng tiền môi giới và họ có quyền cho mình", Đạt khai.

Trả lời câu hỏi, sao bị cáo nhận được số tiền lớn vậy nhưng lại trích lại cho sếp ít thế, bị cáo Đạt nói: "Vì đó là tiền người ta cho bị cáo".

Theo cáo trạng, từ tháng 5/2006 đến tháng 6/2008, thông qua các công ty môi giới, Liêm, Đạt và Khương đã thoả thuận, đàm phán với các chủ tàu gửi giá cước cho thuê 9 con tàu để chiếm đoạt của Vinashinlines 249 tỷ đồng.

Trả lời thẩm vấn việc cho thuê 9 tàu, bị cáo Đạt khai không nhận được khoản tiền nào từ các hợp đồng cho thuê. Số tiền mà bố bị cáo nhận được qua tài khoản là tiền vật liệu trả lót kiểm dịch, khoản tiền môi giới thương mại, dịch vụ hàng hải... mà bị cáo đã ứng trước đó.

HĐXX dồn hỏi Đạt: "Sao khi chuyển tiền người ta lại ghi là tiền hoa hồng chứ không phải như bị cáo nói là tiền vật liệu trả lót kiểm dịch. Tại sao đây là việc chung của công ty mà bị cáo lại phải ứng ra?

Giang Kim Đạt khai: "Họ ghi là tiền thù lao. Tiền bố bị cáo được hưởng không liên quan đến các hợp đồng cho thuê tàu, chỉ là tiền bị cáo ứng trước đó, là các khoản tiền môi giới thương mại, dịch vụ hàng hải... Vì họ không chuyên nghiệp nên bị cáo phải hỗ trợ họ rất nhiều...".

Giải đáp "quan lộ kỳ lạ" của Giang Kim Đạt

Trả lời về "quan lộ" kỳ lạ của mình, Giang Kim Đạt khai: Trước khi vào Vinashinlines, Đạt làm việc cho một công ty chuyên môi giới về hàng hải.

Sau khi gặp ông Liêm qua một người quen, Đạt được ông Liêm mời ra Hà Nội làm việc mà không hề có bổ nhiệm gì.

giang kim dat tien co duoc la do di xin
Các bị cáo tại tòa

"Thấy tôi nhanh nhẹn và có năng lực nên anh Liêm đã mời tôi ra ngoài Hà Nội giúp anh ấy. Tôi cắp cặp theo anh Liêm, không có bảo hiểm xã hội hay được bổ nhiệm gì. Tôi chưa ký bất cứ hợp đồng lao động nào với Vinashinlines, bởi tôi chưa có bằng đại học", Đạt khai.

Vẫn theo lời khai của bị cáo Đạt, là người môi giới tự do, không thích bó buộc, thời gian làm việc ở cơ quan nhà nước bị bó buộc với các quy định nên tháng 10/2007, anh ta xin nghỉ việc.

Đến tháng 4/2008, ông Liêm lại mời Đạt quay lại công ty để tham gia đàm phán việc tàu của Vinashinlines bị bắt giữ. Và Quyết định tuyển dụng đầu năm 2008 chỉ là để hợp thức hóa để Đạt có thể xuất ngoại, tham gia đàm phán việc tàu của Vinashinlines bị bắt.

Sau đó để tiếp tục giải quyết việc tàu của Vinashinlines bị bắt giữ, Đạt lại được tuyển dụng và chấm dứt hợp đồng nhưng không hề được hưởng bất kỳ chính sách nào của công ty.

T.Nhung- T.Linh

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.