Giáo dục sớm - bà mẹ trẻ tìm thấy gì ở phương pháp Montessori kinh điển?

"Nhà là nơi mình muốn về, con là người mình muốn gặp khi mệt mỏi căng thẳng", chị Kim Chi (TP HCM) - một người mẹ yêu Montessori chia sẻ.
nhat ky cua mot ba me yeu montessori ‘3 năm đầu đời con cần nền tảng giáo dục gia đình vững chắc, trường học chỉ đóng vai trò rất nhỏ’

Từ một người mẹ yêu Montessori, chị Kim Chi (TP HCM) đã tự mở một lớp Montessori, tập hợp những em bé của các bố mẹ đồng quan điểm, và có cô giáo dạy các bé như một lớp học toàn thời gian.

nhat ky cua mot ba me yeu montessori
Chị Kim Chi cùng con trai trong một lần ra thăm Hà Nội.

Được biết, ý tưởng mở lớp Montessori xuất phát từ khi một người bạn nói với chị rằng: “Tìm hiểu về Montessori chỉ để dạy con thì phí lắm, hãy trở thành một món quà cho trẻ”. Sau đó chị Chi gặp được một người bạn yêu trẻ, yêu Montessori, và thế là cùng nắm tay nhau “trở thành món quà cho trẻ”. Ngoài ra, chị Chi còn có mục đích khác nữa là “tìm bạn cho con”. Lớp học Montessori do chị mở ra không phải là ngôi trường hoành tráng gì, mà chỉ là một ngôi nhà nhỏ, rất nhỏ để các bé tự do, yêu thương và lớn lên cùng nhau. “Tự do phát triển – Sáng tạo tương lai” – chị lấy câu này làm nguyên tắc hoạt động của lớp học.

Cùng trò chuyện với chị Kim Chi – một người mẹ yêu Montessori để hiểu thêm về phương pháp giáo dục này.

- Chào chị, được biết chị đang dạy con theo phương pháp giáo dục Montessori, xin hỏi chị bắt đầu dạy con theo phương pháp này từ khi nào, tại sao lại là Montessori mà không phải một phương pháp nào khác?

Trước khi mang thai bé, như nhiều bà mẹ khác, mình tìm đọc sách về thai giáo, nuôi con, dạy con, mình không chủ đích tìm kiếm một phương pháp giáo dục cụ thể, mình chỉ tìm kiếm những cách để hiểu tâm lí con, yêu thương con, bên cạnh con, mà vẫn để khoảng trời tự do cho con.

Đến với Montessori là một sự tình cờ, khi mình đọc được những dòng này trong một quyển sách. Mình cảm thấy đây chính là điều mình đi tìm, và mình ở lại với Montessori cho đến giờ.

“Trẻ em là gì? Là bản sao của người lớn và bị người lớn sở hữu như một phần tài sản. Không có nô lệ nào bị chủ sở hữu nhiều như trẻ em dưới quyền cha mẹ, không có đầy tớ nào vâng lời không giới hạn như trẻ em bị yêu cầu. Chưa bao giờ quyền lợi con người bị coi thường như ở trường hợp của trẻ em.....

Không ai phải làm việc như trẻ, phải vâng lời một người lớn, kẻ đã qui định giờ sinh hoạt, giờ chơi theo những nguyên tắc cứng nhắc và tuỳ tiện.....

Ý nghĩ rằng trẻ em là một cá thể tách biệt so với người lớn dường như chưa ai nghĩ đến. Hầu hết các tư tưởng triết học và đạo đức luôn hướng tới người lớn, những vấn đề xã hội trong thời thơ ấu của trẻ chưa từng được đặt ra….”

nhat ky cua mot ba me yeu montessori
"Mình kì vọng bản thân đủ vững vàng và kiên tâm theo đuổi giấc mơ của mình. Vì đó là cách tốt nhất để dạy con theo đuổi giấc mơ của chính con".

- Chị kỳ vọng điều gì ở con và cả ở bản thân khi chọn dạy con theo Montessori?

Bà Maria Montessori có một câu nói nổi tiếng “dấu hiệu thành công lớn nhất của người thầy là có thể nói rằng bây giờ bọn trẻ đang làm việc như thể tôi không có mặt ở đó vậy”. Và đó cũng là kì vọng của mình khi nuôi dạy con. Mình kì vọng con sẽ cảm nhận được vòng tay yêu thương của mẹ, mà con vẫn là một em bé tự lập, tự tin, tự thực hiện điều con mong muốn.

Xa hơn nữa, mình kì vọng con lớn lên là một người biết mình muốn gì, đủ sức theo đuổi và thực hiện điều con mong muốn dù phải đi qua bao khó khăn trong cuộc sống.

Với bản thân, mình thích câu nói này “bạn sẽ dạy con ước mơ bằng cách nào, nếu bạn không có mơ ước của riêng mình”. Mình kì vọng bản thân đủ vững vàng và kiên tâm theo đuổi giấc mơ của mình. Vì đó là cách tốt nhất để dạy con theo đuổi giấc mơ của chính con.

- Montessori là phương pháp giáo dục sớm, theo chị việc dạy con biết đọc, biết viết sớm có phải là giáo dục sớm hay không?

Giai đoạn từ 0-6 tuổi được gọi là infancy hay là early childhood. Giáo dục giai đoạn này là early childhood education – dịch là giáo dục những năm tháng đầu đời. Early childhood education – dịch là giáo dục sớm, là cách dịch có định hướng. Khi có sớm, thì người ta sẽ sợ “muộn”, vì vậy cha mẹ phải cố cho “sớm”.

Giáo dục Montessori được thiết kế dựa trên những lý thuyết “Trí tuệ thẩm thấu” và “Thời kì nhạy cảm”. Hình ảnh nổi tiếng để ví dụ cho giai đoạn này là hình ảnh con tằm thoát kén. Con tằm dù rất đau đớn, nó phải tự mình thoát khỏi kén, nếu có ai đó đến giúp nó thoát kén, nó sẽ không thể hoá bướm.

Bà Montessori tin rằng mọi loài trong đó có con người đều có những “thời kì nhạy cảm” như con tằm, người ta cần trải qua thời kì đó, để chuyển tiếp thành công đến thời kì sau. Mọi bài học trong Montessori được thiết kế là để đáp ứng nhu cầu của những thời kì nhạy cảm về giác quan, vận động, ngôn ngữ, chữ số.

Hơn nữa, bài học tuân theo nguyên tắc dòng chảy, nhằm giúp trẻ tập trung. Trạng thái dòng chảy là trạng thái quan trọng nhất trong học tập, phát triển và cả hạnh phúc sau này. Như chúng ta hay nói nhạc sĩ, ca sĩ, các nhà khoa học… phải “phiêu” mới có tác phẩm để đời - phiêu chính là đang ở trong dòng chảy. Một đứa trẻ khi học theo Montessori, bằng các học cụ được thiết kế có chủ đích, và được đưa đến cho trẻ vào đúng thời điểm nhạy cảm, sẽ giúp trẻ tập trung, đạt được trạng thái dòng chảy (“phiêu”) và kết quả là trẻ biết rất nhiều thứ mà bạn không ngờ tới.

Nói thì đơn giản, đây thực sự là một quá trình phức tạp, trong hành trình đạt được trạng thái tập trung, và hoạt động độc lập, trẻ cũng học được cách lắng nghe và đáp ứng nhu cầu nội tại của bản thân, ý thức được bản thân trong tương quan với môi trường xung quanh. Điều này làm nên sự yên bình và hạnh phúc của những em bé Montessori. Còn biết đọc, biết viết chỉ là những thứ tình cờ đạt được trên con đường mà thôi.

nhat ky cua mot ba me yeu montessori
Đi làm công sở 8 tiếng mỗi ngày, nhưng chị Chi vẫn có thời gian chơi với con.

- Dạy con theo phương pháp này đòi hỏi ba mẹ phải dành nhiều thời gian và công sức chứ? Và chị, một người mẹ vẫn đi làm công sở 8 tiếng mỗi ngày, thì chị cân bằng mọi thứ như thế nào, sắp xếp ra sao, để vừa hoàn thành việc công ty, vừa toàn tâm toàn ý dạy con?

Trước khi trở lại với công việc, mình đã cùng con tập những thói quen: ngồi vào bàn ăn đúng bữa, biết nhai nuốt bữa ăn của mình, đi ngủ không phải ru ẵm. Khi mình đi làm, con ở nhà với một cô giúp trông bé. Nhiều người sợ rằng, khi để bé ở nhà với người trông trẻ, bé sẽ bị tập hư: ăn phải đi rong, ăn cháo lâu, xem tivi... Mình nghĩ rằng không ai muốn điều đó cả, nếu bé của bạn, đã có thể ăn ngồi vào bàn, biết nhai nuốt, tự ngủ, thì có lí do gì mà người trông trẻ phải vất vả dẫn đi ăn rong. Hãy tự mình làm cho bé tốt trước.

Mỗi ngày trở về nhà, mình lại cùng chơi với con, tập cho con những thói quen tích cực, những nguyên tắc chơi, gọn gàng khi chơi. Khi mình vắng nhà, con sẽ tự làm điều đó. Mình giao tiếp với con như hai người bạn, thể hiện tất cả cảm xúc.

Mình dẫn con ra ngoài chơi, và mỗi lần ra ngoài, mình đều lùi lại vừa đủ để con tự chơi, mà vẫn có thể tìm thấy mẹ.

Con mình đi nhà trẻ từ lúc bé 15 tháng. Bé không gặp khó khăn gì trong việc giao tiếp, thể hiện cảm xúc hay tương tác với bạn.

Mình luôn thích câu này “dấu hiệu thành công lớn nhất của người thầy là có thể nói rằng bây giờ bọn trẻ đang làm việc như thể tôi không có mặt ở đó vậy”. Làm cha mẹ, thầy cô không phải chỉ biết tiến tới gần trẻ, mà còn phải biết lùi lại để chừa không gian cho trẻ.

- Trong gia đình, dường như trách nhiệm dạy con đặt hết lên vai người mẹ, còn gia đình chị thì sao?

Giá trị chung của gia đình mình là: tử tế và tự tin. Hai vợ chồng mình sống theo giá trị này, tự tạo tương lai, dám ước mơ, dám thực hiện. Và mình đem giá trị này dạy con. Montessori chỉ là một cách dạy để đạt được những giá trị đó. Mình chọn cách của Montessori để dạy con.

Chồng mình thì không biết Montessori, anh dạy con theo cách của anh, miễn là nó thể hiện được giá trị chung của gia đình. Anh dạy con tự yêu cầu, tự chịu trách nhiệm từ những việc rất nhỏ: chọn giày dép, món ăn, té, leo trèo, cần nhờ điều gì đó….

nhat ky cua mot ba me yeu montessori
"Nhà là nơi mình muốn về, con là người mình muốn gặp khi mệt mỏi căng thẳng".

- Có ngày nào chị đi làm về và chỉ muốn nghỉ ngơi, cảm thấy chơi với con thật mệt mỏi?

Có những hôm mình rất mệt, trở về nhà, nói với con mẹ mệt lắm, con nói “con rót nước cho mẹ”, “con đấm lưng cho mẹ”, “mẹ nằm đây, con nấu cơm sườn cho mẹ” …. vậy thì bạn còn mệt không?

Trời mưa, vừa mở cửa bước vào nhà đã nghe giọng con hỏi cô “trời mưa, mẹ không đem dù, sao mẹ về được đây?”, thì lúc đó mình chỉ còn muốn ôm con, và quên cơn mưa ngoài kia.

Mình không bày nhiều trò, không dùng hết năng lượng để đáp ứng con, mà con và mình đáp ứng nhau, mình dạy con bằng yêu thương và để tâm quan sát. Nhà là nơi mình muốn về, con là người mình muốn gặp khi mệt mỏi căng thẳng.

- Mỗi ngày chị dành ra bao nhiêu phút để chơi/dạy con? Theo chị việc bố mẹ chơi/ tương tác với con sẽ mang lại những lợi ích gì?

Mỗi ngày, mình dành 30 phút buổi sáng để cùng vệ sinh và chuẩn bị cặp sách với con. 30 phút này còn để trò chuyện hôm qua con ngủ ngon không, hôm nay con mặc đồ gì, mang giày nào, con có mang theo gì vào lớp không? Kết thúc 30 phút, hai mẹ con lúc nào cũng đầy năng lượng vui vẻ, con đeo cặp sách của con, mẹ đeo túi xách của mẹ, nắm tay nhau đi.

Chiều mình về nhà từ 5h30, và từ lúc bước vào nhà, đến lúc con đi ngủ (khoảng 9h30), mình dành hết cho con. Mình hiếm khi trả lời điện thoại, làm việc riêng vào giờ này, trừ trường hợp đặc biệt.

Mình không sắp sẵn kịch bản chơi, mà tuỳ cơ ứng biến. Có hôm hai mẹ con làm sinh tố, có hôm đánh trứng làm bánh (con mình nhặt rau, đánh trứng hơi bị “siêu”). Cũng có hôm chơi trò giả vờ đi chợ, mua bí, mua rau về nấu ăn. Có hôm con dạy mẹ tập yoga, có hôm lại đánh đàn cho nhau nghe, có hôm dẫn xuống sân nhìn gió, nhìn cây. Có hôm kể về quả địa cầu, những nơi mẹ đã dẫn con đi, cùng nhau cắm cờ, chỉ núi, chỉ biển. Có hôm thì con xếp những khối gỗ thành các hình thù mà con tưởng tượng, rồi hai mẹ con cùng cười.

Ba thì chơi kiểu khác, ba giúp con leo trèo, nhảy cao, nhảy xa, ném bowling, chơi trốn tìm, và ba trả lời những câu hỏi rất phức tạp của con.

Và đặc biệt tối nào cũng phải đọc sách từ 30p đến 1h. Con rất thích đọc sách, và thích kể lại cho mình nghe về những quyển sách con đã đọc.

Chơi với con, học cách quan sát con, rõ ràng giúp ba mẹ gắn kết và nắm bắt được nhu cầu của con, giúp con trên con đường trở thành một cá thể độc lập. Hơn nữa, tiếng cười trẻ thơ, sự yêu thương trong trẻo của chúng chính là cách hữu hiệu để bạn giảm những căng thẳng trong cuộc sống, yêu ngôi nhà của mình và muốn về nhà.

nhat ky cua mot ba me yeu montessori
"Nếu hiểu một cách đơn giản, hãy dùng hai từ “tự do và yêu thương” để làm giá trị khi dạy con theo Montessori".
nhat ky cua mot ba me yeu montessori
Con chị Chi đi nhà trẻ từ lúc bé 15 tháng. Bé không gặp khó khăn gì trong việc giao tiếp, thể hiện cảm xúc hay tương tác với bạn.

- Với những bố mẹ cũng muốn áp dụng phương pháp này, thì nên bắt đầu từ đâu, chuẩn bị như thế nào?

Mình khuyên ba mẹ một điều chân thành rằng: hãy đọc sách, đọc càng nhiều sách càng tốt. Và hãy tìm đến những tác giả mà họ viết bằng ngôn từ ôn hoà, họ đặt lời khuyên của họ trong ngữ cảnh.

Ngày nay, mình rất sợ những bài viết, những quyển sách tự phát với ngôn từ tiêu cực, khẳng định tuyệt đối, kích thích để người đọc tin vào điều họ muốn định hướng.

Bạn muốn dạy con theo phương pháp Montesori, bạn cần phải hiểu những khái niệm “trí tuệ thẩm thấu”, “thời kì nhạy cảm”, “môi trường chuẩn bị”, và “nguyên tắc vận hành cơ bản của một học cụ”. Khi đó, bạn sẽ thấy mọi hoạt động xung quanh bạn, đều có thể là hoạt động giúp con trưởng thành. Chỉ chú trọng vào học cụ, không làm con bạn hạnh phúc hơn đâu.

Nếu hiểu một cách đơn giản, hãy dùng hai từ “tự do và yêu thương” để làm giá trị khi dạy con theo Montessori.

- Chị có thể gợi ý một số hoạt động Montessori đơn giản nhưng hiệu quả với con?

Nguyên tắc cơ bản của một hoạt động Montessori là: trẻ tự thực hiện được, trẻ phát hiện đúng sai và sửa lỗi mà không cần người lớn can thiệp, độ khó tăng dần phù hợp để giúp trẻ tập trung.

Như vậy tất cả hoạt động ở nhà từ: thay quần áo, đi vệ sinh, lau bàn ghế, nhặt rau, cắt trái cây rau củ, rửa chén, phơi đồ, bưng một chén cơm nóng, cầm một ly nước lạnh…. đều là hoạt động Montessori nếu bạn cung cấp cho trẻ một cái chổi, một cái khăn, một con dao, một cái bục rửa chén, một dây phơi đồ, một độ nóng lạnh vừa tầm với trẻ.

Một hoạt động đơn giản và hiệu quả nữa đó là đọc sách. Sách nên là người bạn đồng hành từ nhỏ của trẻ.

Một điều quan trọng cần nhớ nữa là trẻ thích làm việc, chúng thích có vai trò trong ngôi nhà, chứ không thích chơi những trò vô nghĩa.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

chọn
Những dự án sắp ra mắt của Vincom
Dự kiến giai đoạn quý II - quý IV/2024, Vincom sẽ khai trương 6 dự án, gồm Vincom Mega Mall Grand Park; Vincom Plaza Hà Giang; Vincom Mega Mall The Empire; Vincom Plaza Điện Biên Phủ; Vincom Plaza Đông Hà Quảng Trị và Vincom Plaza Bắc Giang.