Giáo dục sớm nếu không cẩn thận sẽ thành một cái bẫy, khiến con khổ từ 0 tuổi
Những năm gần đây, phong trào giáo dục sớm nở rộ. Rất nhiều gia đình quan tâm tới đề tài này, và đặc biệt muốn chuẩn bị tốt cho con. Nhưng thế nào là giáo dục ở giai đoạn 0-6 và giáo dục ở giai đoạn đó phục vụ mục đích gì và nên được thực hiện như thế nào cho đúng đắn là điều mà nhiều cha mẹ có con nhỏ vẫn còn bối rối.
Tôi đã từng nhận được những câu hỏi như: “Chị ơi, có thực sự cần phải giáo dục con khi con dưới 6 không ạ? Nếu bỏ qua thì có sao không?”
Có thực sự cần phải giáo dục con khi con dưới 6 không? |
Cứ như thể giai đoạn 0-6 là để chuẩn bị cho tiểu học, tiểu học là để chuẩn bị cho trung học, trung học là để chuẩn bị cho đại học, đại học là để chuẩn bị cho sau này. Cả một quá trình giáo dục đã bị mổ xẻ thành các giai đoạn riêng rẽ, và mục đích của sự phát triển của trẻ là để chuẩn bị cho tương lai, một tương lai nào đó huy hoàng về sau khi trẻ sẽ được điểm cao, được nhận vào trường đại học danh giá, tốt nghiệp loại xuất sắc, nói tiếng Anh lưu loát như dân bản ngữ, rồi có một sự nghiệp huy hoàng từ lúc ấy cho tới cuối đời.
Tôi chỉ muốn dội một gáo nước lạnh cho tất cả những ai đang sống trong cái bong bóng đó.
Bao nhiêu đứa trẻ đã phải trả giá cho lỗi lầm của cha mẹ chúng, những cha mẹ không sống trong hiện tại với con cái, không tự đánh giá lại cách giáo dục của chính mình, không tập trung vào quá trình, không rút kinh nghiệm từng ngày, không hiểu con, bất chấp tất cả, ngoảnh mặt đi khỏi tấm gương phản chiếu chính mình là con mình, tiếp tục bắt ép con phải học, học nhiều, học sớm, và không muốn hiểu tại sao chúng lại không thể học, không muốn học.
Giáo dục sớm nếu không cẩn thận thì chỉ là một cái bẫy nữa, làm con cái chúng ta không phải khổ từ lớp 1 trở đi, mà là từ 0 tuổi.
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng tạo điều kiện cho con học sớm lên, chắc hẳn sẽ tốt hơn, và con sẽ thông minh hơn. |
Các cha mẹ không nhìn vào những phát triển hiện tại của đứa trẻ để xem mọi thứ đang thực sự ổn hay không ổn. Chúng ta tập trung vào những cái chúng ta không thích, muốn sửa đứa trẻ dựa trên những nỗi lo sợ như: “Không biết đến lớp 1 nó so với các bạn thế nào? Liệu có biết viết chữ chưa? Liệu biết tiếng Anh chưa? Nếu không học cho nhanh bây giờ thì đến lúc ấy chết dở!”
Chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể kích cho mọi thứ diễn ra nhanh hơn. Nếu trước kia, đứa trẻ 6 tuổi mới học chữ, thì nay ta nghĩ rằng ta đang tạo điều kiện cho con học sớm lên, chắc hẳn sẽ tốt hơn, và con sẽ thông minh hơn. (Đỉnh điểm là phương pháp tráo thẻ từ khi con chào đời.) Với mọi kỹ năng khác, ta đều dễ nghĩ như vậy. Nếu ngày trước lớp 6 tôi mới học đàn (và được coi là sớm), thì ngày nay các cha mẹ đã lục đục cho con học từ 4-5 tuổi.
Lập luận này đúng tới đâu? Phải chăng cứ sớm hơn là tốt hơn?
Câu trả lời là: tùy việc.
Có những thứ bắt buộc phải sớm, nếu không sớm sẽ để lại hậu quả. Đó là những thứ mà ta không thể mua được, cũng không thể thuê ai làm hộ được, đó là: ôm ấp con thường xuyên từ ngày con chào đời, nói chuyện với con với lời lẽ yêu thương mặc dù con chưa hiểu hết, dành thời gian với con, kết nối với con, chơi đùa với con.
Có những thứ bắt buộc phải sớm, nếu không sớm sẽ để lại hậu quả. |
Đây là giáo dục theo đúng nghĩa không chỉ nên diễn ra trong giai đoạn đầu đời mà còn nên tiếp tục được duy trì trong suốt cả chặng đường dài. Tất nhiên, hình thức của kết nối sẽ thay đổi dần khi con lớn dần, nhưng về bản chất, nó giữ nguyên: hiểu-tôn trọng-lắng nghe-yêu thương.
Nghe nó thật đơn giản. Nó hoàn toàn không mất tiền. Và nó chính là nền tảng đầu tiên và quan trọng nhất để não bộ phát triển.
Giáo dục đích thực đầu tiên là giáo dục trẻ cảm nhận rằng mình được gắn kết với xung quanh, rằng thế giới là một nơi an toàn, rằng mình luôn có một nơi yên ổn, vững chắc và yêu thương để chở về, rằng mình quan trọng, rằng mình có giá trị, mình có thể tạo nên thay đổi.
Giáo đục đích thực tập trung vào đứa trẻ, vào cảm xúc, nhận thức, ngôn ngữ, và mọi biểu hiện của trẻ, để hiểu đứa trẻ, chứ không phải để sửa, để vội dạy dỗ, để thúc cho phát triển nhanh để kịp một cái mốc nào đó.
Học chữ, số giai đoạn 0-6 tuổi chỉ như đồ trang trí trong một căn nhà, chơi tự do mới là nền móng vững chãi
Học chữ, số giai đoạn 0-6 tuổi chỉ như đồ trang trí trong một căn nhà, chơi tự do mới là nền móng vững chãi. |
Trái với những gì thông tin trên mạng vẫn nói, các kỹ năng như học số, toán, chữ trong giai đoạn 0-6 chỉ như đồ trang trí trong một căn nhà, chứ không phải bức tường hay nền móng. Nhưng nó là những cái mà người ta có thể kinh doanh bằng cách thuyết phục cha mẹ rằng những thứ này thực sự làm cho đứa trẻ thông minh và sẽ cho nó một lợi thế về học tập ở các giai đoạn sau.
Phương Tây đã đi trước chúng ta vài thập kỷ. Chúng ta học những điều tốt từ phương Tây, nhưng cũng cần rút kinh nghiệm để không đi theo những vết xe đổ của họ. Thẻ flashcard không được các chuyên gia về giáo dục và trẻ em coi trọng. Thực tế cho thấy: trẻ được học sớm một kỹ năng nào đó có thể chỉ nhanh hơn bạn bè một thời gian ngắn, nhưng rồi cũng bị bạn bè đuổi kịp.
Kinh nghiệm của các nước phương Tây cũng cho thấy: những trẻ tập trung quá sớm và nhiều vào các kỹ năng học như ở trường truyền thống (ngồi im, tập viết, tô màu, làm toán) không hề có lợi bởi phần lớn các trẻ chưa sẵn sàng cho việc này. Quá nhiều thời lượng như vậy dẫn đến các kết quả là tô màu đẹp, viết được chữ, làm được những phép tính cơ bản, có thể khiến cha mẹ dễ tưởng rằng mình đã đi đúng hướng trong quá trình giáo dục con.
Nhưng cái gì còn quan trọng hơn cả việc học tập như ở trên trong giai đoạn này, mang tính chất học cao hơn cả những hình thức học mà người lớn vẽ ra, và thậm chí còn giúp trẻ phát triển nhận thức, thể chất, ngôn ngữ, cảm xúc, tương tác xã hội (mọi nền tảng giúp trẻ học tốt ở giai đoạn sau) để phát triển vượt trội về sau?
Thưa các cha mẹ, đó chính là CHƠI TỰ DO. Chơi tự do nghĩa là người lớn chỉ đảm bảo an toàn, cung cấp không gian và đồ chơi cho trẻ, còn lại tôn trọng cách chơi của trẻ; màn hình và các thiết bị điện tử không được tính.
Không phải tự nhiên những nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới hiện nay như Phần Lan lại tăng thời gian chơi tự do của trẻ, và lùi thời điểm học “nghiêm chỉnh” lại cho tới khi trẻ 7 tuổi, cũng như giảm thời lượng học nói chung. Những kỹ năng học tập truyền thống, nếu được dạy quá sớm quá nhiều, sẽ hoàn toàn không thích hợp với trẻ bởi não bộ của chúng chưa thực sự đủ phát triển cho việc ấy.
Những kỹ năng học tập truyền thống, nếu được dạy quá sớm quá nhiều, sẽ hoàn toàn không thích hợp với trẻ bởi não bộ của chúng chưa thực sự đủ phát triển cho việc ấy. |
Nếu con viết chữ xấu, chưa cầm bút vững trước khi vào lớp 1, thì chỉ có thể là con chưa sẵn sàng. Não bộ chưa sẵn sàng, tay chưa sẵn sàng. Không phải cứ tập là sẽ được, hay không thực hiện được là dốt. Khi trẻ chưa sẵn sàng mà cha mẹ, thầy cô cứ ép, thì trẻ sẽ chỉ thêm khổ, kết quả chẳng tốt lên được là mấy. Khi con chưa sẵn sàng, hãy để con chơi đi! (Thời gian để con thích nghi với lớp 1 khi chưa được học trước chắc chắn sẽ rất nhanh; còn những trẻ đã được học trước cũng không thể học trước mọi thứ mãi được. Học trước không phải là thông minh; học trước gọi là ăn gian.)
Nhiều cha mẹ hiện nay có con sắp vào lớp 1 chỉ băn khoăn các vấn đề như: Con nên vào trường nào, con nên chuẩn bị học gì trước, học bao lâu thì kịp, thu thập các tờ bài tập để in ra cho con làm, con nên phát triển được kỹ năng gì trong giai đoạn 0-6,… nhưng quên mất rằng sự chuẩn bị tốt nhất cho đứa trẻ ở thời điểm 6 tuổi chính là cả 6 năm trước đó (chứ không phải lúc 5 tuổi), chính là cách bố mẹ tự tay nuôi nấng, chăm sóc, dành thời gian yêu thương con, hiểu con, và để con được là một đứa trẻ.
Nhiều cha mẹ có con sắp vào lớp 1 chỉ băn khoăn các vấn đề như: con nên vào trường nào, nên học gì trước,… nhưng quên mất rằng sự chuẩn bị tốt nhất cho đứa trẻ ở thời điểm 6 tuổi chính là cả 6 năm trước đó, chứ không phải lúc 5 tuổi. |
Để dễ hình dung hơn, các cha mẹ hãy nghĩ đến những vật nuôi được tiêm hóc-môn kích thích tăng trưởng, hay rau củ được phun thuốc trừ sâu.
Không có thần dược nào cho sự phát triển đúng đắn ngoài tiến trình mà tự nhiên đã quy định.
Hãy để con là con, để con làm một đứa trẻ đúng nghĩa, cho con có quyền phát triển đúng như cách con phải phát triển.
Sự chuẩn bị tốt nhất chính là như thế.
Tốt hơn, đừng nghĩ “Tôi chuẩn bị cho tương lai tốt chưa?”, mà hãy nghĩ “Tôi đã sống tốt trong hiện tại với con chưa?”
*Mặc dù là một bà mẹ toàn thời gian có hai con chưa từng đến trường, tôi không kêu gọi gia đình khác hãy cho con ở nhà. Dù con đi học hay không, cha mẹ luôn cần nhớ rằng những gì tôi chia sẻ ở trên áp dụng với mọi đứa trẻ.
XEM THÊM
Boomerang hay mũi tên: Bạn là kiểu phụ huynh nào?
Boomerang hay mũi tên? Hãy dũng cảm lựa chọn vì một tuổi già được nghỉ ngơi. |
'Đây là nhà của bố và con đang ở nhờ mà thôi'
Sự phân định rất rõ ràng giữa trách nhiệm, tình thương, và sự nuông chiều làm cho con người ta không thể tìm thấy nổi ... |
Phải làm gì với con?
Tôi phải làm gì để sửa những thói đó ở con? Tôi không dạy nó thì mai mốt nó sẽ biến thành cái gì? Rõ ... |
Giáo dục 11:35 | 03/05/2019
Giáo dục 00:20 | 04/09/2018
Giáo dục 10:16 | 31/08/2018
Giáo dục 08:36 | 24/08/2018
Lối sống 23:00 | 16/08/2018
Lối sống 09:06 | 16/08/2018
Lối sống 01:05 | 15/08/2018
Lối sống 23:00 | 13/08/2018