Là một bà mẹ có con trai lớn đã học lớp 3, con gái nhỏ năm sau vào lớp 1, đồng thời lại theo đuổi giáo dục sớm cho hai con, chị Lê Quỳnh Phương đã có những chia sẻ thực tế về việc chuẩn bị cho con vào lớp 1 cũng như có nên cho con học chữ, học số trước.
Chị Lê Quỳnh Phương cùng con gái. |
- Xin chào chị, quay lại thời điểm cách đây 3 năm, khi con chuẩn bị vào lớp 1, khi ấy, tâm trạng chị cũng rối bời và đầy lo lắng, hoang mang chứ?
Cách đây 3 năm bạn Tom bước vào lớp 1, bản thân mình không cảm thấy quá lo lắng về việc này vì đã có sự chuẩn bị trước cho con.
Không những vậy, mình còn cảm thấy vui và hoàn toàn tin tưởng vào con. Bước vào lớp 1 là 1 bước tiến mới của con trên hành trình chinh phục tri thức.
- Chị đã chuẩn bị cho con vào lớp 1 thế nào, và trước đó bao lâu?
Nhiều phụ huynh tư duy quãng thời gian từ khi sinh ra đến trước khi vào lớp 1, chỉ tập trung vào ăn, chơi, ngủ, làm sao để con lớn và tăng cân đều đặn, cho con chơi thoải mái. Đến khi con bước sang lớp mẫu giáo lớn để chuẩn bị vào lớp 1 thì vội vã cho con học hết lớp này đến lớp kia: lớp đánh vần, toán, viết, tiếng Anh…. để chuẩn bị nền tảng cho con vào lớp 1.
Vô hình chung, việc này tạo ra áp lực rất dồn dập cho trẻ. Các bạn nhỏ không được chuẩn bị bước đệm chuyển tiếp từ ngưỡng chỉ ăn chơi đến ngưỡng đi học thêm hết giờ này giờ khác, rồi học bài buổi tối khiến các bạn rất mệt mỏi.
Mình thì khác. Vì nhiều lý do, mình thực hiện giáo dục sớm cho bạn lớn hơi muộn hơn với độ tuổi mong đợi (khi bạn đã được 3 tuổi rồi, mà giai đoạn vàng là từ 0-3 tuổi). Khi ấy, đều đặn hàng ngày bố mẹ dành thời gian buổi tối tương tác với con các hoạt động giáo dục sớm khoảng 30’ về toán học, logic, ngôn ngữ, các trò chơi mang tính tư duy nên mẹ cảm thấy khá yên tâm về nền tảng của bạn khi vào lớp 1.
Chính nhờ các hoạt động giáo dục sớm này, mà khả năng ngôn ngữ, tư duy logic, tính toán… của bạn rất tốt.
- Quan điểm của chị thế nào về việc cho con học số, học chữ trước khi vào lớp 1?
Là người mẹ theo giáo dục sớm, thì việc học số, học chữ trước khi vào lớp 1 là điều hết sức bình thường. Với mẹ áp dụng giáo dục sớm thì trẻ đã được tiếp cận số và chữ từ rất sớm rồi. Nhưng đó là sự tiếp cận về mặt bản chất chứ không phải cho trẻ học thuộc mặt chữ và con số như con vẹt.
Trong giáo dục sớm, trẻ học về lượng và biểu thị về mặt hình ảnh của lượng - đó là con số hay nói cách khác, con số chỉ là ký tự để biểu thị về mặt hình ảnh của lượng mà thôi (Ví dụ: học số 5 thì trẻ được tiếp cận với lượng thông hình ảnh về 5 quả táo hoặc 5 quả táo thật – số 5 chỉ là hình ảnh). Trẻ còn được tiếp cận Toán học thông qua cuộc sống xung quanh, như ngón tay, đôi đũa, số thành viên trong gia đình…
Chữ cũng là biểu tượng: mình không phản bác việc học chữ. Khi trẻ biết chữ thì trẻ có thể rèn thói quen tự đọc sách chữ to ngay từ nhỏ để giúp trẻ mở rộng, chủ động tìm hiểu thế giới xung quanh thông qua tri thức nhân loại mà không phụ thuộc vào bố mẹ. Từ 5 tuổi, trẻ đã có thể tự tìm hiểu rồi.
Bố mẹ cần tuân thủ nguyên tắc: Đưa con số và chữ phải tạo niềm vui cho trẻ mà không phải bị áp lực.
Cha mẹ có thể đưa con chữ cho trẻ qua hình thức: trẻ đi trên đường, nhìn biển số xe và đọc hoặc biển quảng cáo chữ to trên đường
Hoặc trẻ chơi matching để nhớ mặt chữ cái, trò khoanh chữ, tìm chữ, tìm số….
Ngoài ra, trẻ còn có thể tự viết bằng tay hoặc sử dụng que để xếp chữ. Viết trên nền đất nghuệch ngoạc, chơi các trò chơi đập chữ… Về cơ bản, trẻ sẽ học qua trò chơi để nhớ chữ. Trẻ học vô thức qua hoạt động có chủ đích của cha mẹ.
Bố mẹ cần tuân thủ nguyên tắc: Đưa con số và chữ phải tạo niềm vui cho trẻ mà không phải bị áp lực. |
Mình không dạy con theo kiểu: A, đây là chữ A, đây là chữ A. Sau đó hỏi lại trẻ đây là chữ gì. Trẻ không thể nhớ được ngay vì khi đó chữ A nằm trong trí nhớ ngắn hạn. Trẻ cần phải được chơi nhiều và lặp đi lặp lại để vào trí nhớ dài hạn thì trẻ mới nhớ.
Thông qua các trò chơi, trẻ được học qua nhiều giác quan, gắn với nhiều dữ kiện dễ nhớ, có dấu ấn gì đó.
Không tạo áp lực học, ngồi và chơi tập trung.
Mẹ chuẩn bị vào lớp 1 mới làm thì tạo áp lực cho trẻ: học để làm cái gì đó.
Nếu trẻ được tiếp xúc sớm thì trẻ yêu thích việc đó vì gắn với cuộc sống của trẻ.
Vì bạn có sự chuẩn bị trước về mặt tâm thế nên bạn Tom vào lớp 1 không bị quá áp lực, hành trình trở nên nhẹ nhàng.
Bạn đi học khá vui vẻ và tích cực tham gia các hoạt động thể thao ở trường. Bạn còn chủ động xin bố mẹ cho phép giờ trả muộn được đi ra ngoài để chơi thể thao cùng các bạn thay vì chỉ ở trong lớp.
Nếu có sự chuẩn bị từ trước, trẻ sẽ không sợ khi vào lớp 1. |
- Chị có phải ngày ngày kè kè bên con kèm con học?
Thời gian đầu, để thiết lập và duy trì thói quen học bài, mẹ có đồng hành với con. Để bạn có sự thích nghi dần với cường độ học nhiều hơn, bạn mới, cách thức học mới. Thời gian đó khoảng gần 3 tháng.
Mình cũng lắng nghe câu chuyện của bạn chia sẻ trên trường để hiểu suy nghĩ, cảm xúc, để có vấn đề gì trấn an con để tiếp tục hành trình. Và mình tuyệt đối không tạo áp lực và dọa dẫm con trong quá trình học.
Sau đó thì bạn tự ý thức được và lên kế hoạch làm bài riêng cho mình. Trong khoảng thời gian 16-17h chờ bố mẹ đón về từ trường, bạn tự ý thức làm bài tập về nhà để giảm bớt áp lực làm bài tập về nhà vào buổi tối.
Dù vào lớp 1 nhưng con vẫn có thể ngủ vào lúc 21h-21h30. Đó là điều cần thiết để duy trì sức khỏe cho bạn. Nhiều bạn khác theo mình biết, do nhiều bài tập, đến 23h, bố mẹ vẫn đánh vật với con làm bài tập.
- Bé thứ 2 năm sau vào lớp 1, chị cũng sẽ áp dụng y nguyên những kinh nghiệm từ trước đó cho bé thứ 2 này chứ?
Bạn thứ 2 may mắn hơn vì bạn được xây dựng giáo dục sớm từ sớm hơn so với anh nên mẹ khá yên tâm mọi thứ (bạn được áp dụng giáo dục sớm từ giai đoạn 0-3 tháng).
Gần đây nhất, mẹ đã nói chuyện với con, con sắp lên lớp 1 rồi, con sắp làm người lớn rồi. Bạn vui vẻ đón nhận việc đó khá nhẹ nhàng vì có anh đã học rồi.
Bạn thứ 2 do có anh nên bạn chủ động quan sát anh học. Từ đó bạn rút ra được nhiều điều từ anh. Thậm chí mình không nói nhưng bạn vẫn tự ngồi vào bàn học giống anh. Tất nhiên, mình đã chuẩn bị sẵn cho bạn bộ bàn ghế lớp 1 giống như của anh để bạn ngồi đọc sách, làm các hoạt động thủ công…
- Cuối cùng, dù học trước hay không học trước, thì điều quan trọng nhất bố mẹ cần làm khi con vào lớp 1 là gì, thưa chị?
Theo mình, để chuẩn bị khi con vào lớp 1, bố mẹ cần phải làm nhiều việc. Trong số đó, quan trọng nhất là một số việc sau:
Thứ nhất, bố mẹ cần phải cho con biết lý do vì sao con cần phải đi học. Biết được lý do đi học, con sẽ có động lực để học tập hơn.
Thứ hai, bố mẹ cần chuẩn bị cho con tâm thế sẵn sàng bước vào lớp 1: giải thích cho con về cách học, phương pháp học, cho con được trải nghiệm ở lớp 1 để con đón nhận và không bị choáng ngợp. Thời gian chuẩn bị nên cách thời gian khai giảng khoảng 6 tháng.
Thứ ba, bố mẹ luôn tin tưởng vào con, luôn nhìn nhận, cổ vũ khích lệ con khi con đạt được điều gì tiến bộ dù là nhỏ. Bố mẹ không được so sánh con với các bạn, đặc biệt về kết quả để tránh gây tâm lý tự ti cho con.
Thứ tư, mẹ có thể sử dụng các câu chuyện ẩn dụ để giúp con trở thành em bé tập trung, yêu thích việc học, yêu thầy mến bạn.
Chúc các bố mẹ luôn tin tưởng vào con mình – con là 1 em bé vô cùng tuyệt vời. Và không bao giờ đc tạo áp lực cho con trong việc học hành.
- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
XEM THÊM
'Khi con vào lớp 1, con thích được khen'
Trước thềm năm học mới, các bậc cha mẹ dường như vẫn “canh cánh” nỗi lòng khi con vào lớp 1. Với nhiều năm liên ... |
Vừa là mẹ, vừa là giáo viên, tôi kì vọng chọn trường cho con như thế nào?
Vừa là mẹ, vừa là giáo viên, tôi có những kỳ vọng nhất định với hệ thống trường học, cụ thể là trường tiểu học ở ... |
Con vào lớp 1 sao cha mẹ mãi lớp vỡ lòng?
Con vào lớp 1 không chỉ là bắt đầu cuộc đời học sinh mà có khi là bắt đầu cuộc đời của chiếc huân chương ... |
‘Nguy hiểm nhất khi vào lớp 1 không phải là chưa biết đọc, biết viết'
Có nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1 là băn khoăn của rất nhiều bậc phụ huynh. Nhà báo Thu Hà (mẹ ... |
Giáo dục 11:35 | 03/05/2019
Giáo dục 00:20 | 04/09/2018
Giáo dục 10:16 | 31/08/2018
Giáo dục 08:36 | 24/08/2018
Lối sống 23:00 | 16/08/2018
Lối sống 09:06 | 16/08/2018
Lối sống 01:05 | 15/08/2018
Lối sống 23:00 | 13/08/2018