Hình ảnh giáo viên vùng cao phải gồng mình vượt qua những cung đường hẹp và khúc khuỷu, trơn trượt và đặc quánh bùn đất đã gây xúc động mạnh trong cộng đồng mạng.
Trong những ngày đầu năm học mới, mạng xã hội liên tục xuất hiện hình ảnh những giáo viên vùng cao lấm lem bùn đất, thậm chí ngã nhào vì phải vượt qua những con đường lầy lội, nguy hiểm. Những hình ảnh xúc động đó nhanh chóng nhận được sự chia sẻ của cộng đồng mạng, bày tỏ sự xót xa và cảm phục trước nghị lực phi thường, không sợ gian khó để mang con chữ đến với học sinh vùng cao của các thầy cô.
Có thể thấy, để đến điểm trường dạy học của mình, các thầy cô giáo phải vượt qua những cung đường hẹp và khúc khuỷu. Thế nhưng cái khó khăn, hiểm nguy và gian nan đó cũng không quật ngã được các thầy cô giáo - vẫn hàng ngày miệt mài bám bản, bám điểm trường “gieo” con chữ.
|
Hình ảnh đến trường gian nan của các thầy cô giáo (Ảnh: Hoàng Đại Lâm) |
"Thấy giáo viên đến trường mà nhìn không kỹ tưởng bà con đi làm ruộng. Nếu không có một tình cảm tuyệt với với học trò thì có lẽ những thầy cô giáo ấy đã không hy sinh tất cả để đến lớp như vậy. Đời còn đẹp lắm với những hình ảnh đó", một cư dân mạng bình luận.
Với các thầy cô, có lẽ vượt lên trên tất cả những khó khăn là tình yêu thương vô bờ bến với những học sinh vùng cao. Bởi lẽ, học sinh vùng cao chịu nhiều thiệt thòi và "sự học" chính là con đường để giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn. Đường đến trường gian nan của các thầy cô ắt hẳn vẫn chưa thấm vào đâu so với "đường đến trường" của các em học sinh.
|
Đường đến trường nhiều hiểm nguy, nhưng các thầy cô giáo vẫn miệt mài "bám bản" (Ảnh Facebook) |
|
Điều đó xuất phát từ tình yêu thương các em học sinh vùng cao của thầy cô giáo (Ảnh Facebook) |
Trò chuyện với cô giáo trẻ Nguyễn Thị Quỳnh (hiện đang công tác ở trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), cô bồi hồi xúc động chia sẻ những khó khăn mà thầy cô giáo và các em học sinh phải đối mặt: "Các em đến trường trong bộ quần áo nhàu nát, bẩn thỉu, thậm chí là chân không mang dép. Sự hỗ trợ từ gia đình hầu như là không có. Hơn nữa các em ngoài giờ lên lớp phải tham gia lao động cùng với gia đình nên việc tự học rất hạn chế.
Tôi nhớ mãi cô học trò người Jrai chăm ngoan, học giỏi. Sáng đó tôi có dặn em chiều đi học, em chỉ khoanh tay nói "thưa cô, chiều em phải đi chăn bò, em không đi học được". Tôi thật sự rất thương.
Tôi nghĩ cái để vượt qua khó khăn đó chính là tình yêu thương, tâm huyết của người thầy, phải yêu thương học sinh, thật sự rất yêu và thương mới giúp giáo viên vững vàng và có trách nhiệm với các em".
Có thể nói, những dòng tâm sự của cô Quỳnh cũng phần nào thể hiện những gì mà giáo viên vùng cao, vùng sâu vùng xa phải đối mặt. Nhưng hơn hết, chính tâm huyết với nghề và tình yêu thương dành cho các em học sinh đã giúp các thầy cô thực hiện được sứ mệnh cao cả, "gieo chữ" trên vùng cao.
Một vài hình ảnh khác đang khiến dân mạng xúc động:
|
(Ảnh Facebook) |
|
(Ảnh Facebook) |
|
(Ảnh Facebook) |
|
(Ảnh Facebook) |
|
(Ảnh Facebook) |
|
(Ảnh Facebook) |
|
(Ảnh Facebook) |