Giáo viên hợp đồng ở Mỹ Đức bị ép ký cam kết trước khi sa thải

Chúng ta không thể để tồn tại giáo viên “chân trong, chân ngoài”, không thể để tồn tại việc “chạy” để trở thành giáo viên sau đó tìm mọi cách dạy thêm.

Giáo viên hợp đồng bị ép ký cam kết trước khi sa thải

Giáo viên dạy hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học, trung học trên địa bàn huyện Mỹ Đức đang vô cùng bức xúc khi phải ký vào bản cam kết do phòng Nội vụ gửi xuống.

Điều đáng nói, bản cam kết trên danh nghĩa là do giáo viên tự nguyện viết và gửi lên Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức, ban giám hiệu trường nhưng thực tế nội dung lại do phòng Nội vụ soạn thảo và ép giáo viên thực hiện.

Chị Phương Anh, một giáo viên đang dạy hợp đồng tại huyện Mỹ Đức tỏ ra phẫn nộ:

"Cách đây hơn 1 tuần thì bọn tôi mới biết thông tin có một bản cam kết từ trên Huyện gửi xuống các trường.

Nhà trường phát cho giáo viên hợp đồng trong trường ghi thông tin và ký.

Như bản thân tôi là tôi không ký vì rõ ràng trên danh nghĩa nhà các giáo viên tự nguyên ký cam kết nhưng thực ra là chỉ thị từ trên Huyện xuống.

Ai muốn đủ điều kiện để thi viên chức thì phải ký bản cam kết này. Ai không làm thì không được thi.

Như vậy về danh nghĩa là tự nguyện nhưng thực tế là ép buộc".

Chị Phương Anh cũng cho biết thêm: "Bọn tôi có phải là người soạn thảo bản cam kết đó đâu.

Giáo viên hợp đồng chẳng đang muốn đi dạy quá chứ ai đi làm bản cam kết để tự hủy hợp đồng của mình".

Theo chị Phương Anh, bản cam kết này chẳng qua là giúp Huyện tránh đi lùm xùm như vụ việc xảy ra tại Sóc Sơn và thanh lý hợp đồng của giáo viên:

"Đứng trên bục giảng hơn 10 năm, cống hiến cả tuổi thanh xuân thì đến bây giờ Huyện gửi về cho tờ giấy này. Tôi thấy đời sao mà bạc quá.

Ký hay không ký, thi hay không thi thì kết quả cuối cùng cũng ra đường mà thôi.

Họ sợ giống huyện Sóc Sơn nên mới làm ra cái bản cam kết này".

Chị Phương Anh cũng gửi lời đến nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức:

"Các chị em đang dạy hợp đồng hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi ký vào bản cam kết không phải do mình viết ra".

Tuy nhiên theo chị Phương Anh đã có khá nhiều giáo viên đã làm xong bản cam kết và gửi cho nhà trường.

Mặc dù các thầy cô hầu hết đều rất bức xúc nhưng không dám lên tiếng vì sợ đụng chạm.

Theo tài liệu của phóng viên có được, trước đó phòng Nội vụ huyện Mỹ Đức có gửi email thông báo cho các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện.

Nội dung email: “Giáo viên hợp đồng dự thi làm 2 bản cam kết (theo mẫu gửi kèm), một bản nộp tại trường và một bản nộp về phòng Nội vụ huyện.

Nhà trường có giáo viên hợp đồng dự thi phải thu đủ bản cam kết rồi cử người nộp về phòng nội vụ chậm nhất ngày 13/4/2019”.

Giáo viên hợp đồng ở Mỹ Đức bị ép ký cam kết trước khi sa thải - Ảnh 1.

Nội dung bản cam kết do phòng Nội vụ huyện Mỹ Đức soạn thảo và gửi cho các trường (Ảnh: Vũ Ninh)

Về nội dung của bản cam kết: Ngoài thông tin cơ bản (Họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi ở, địa chỉ công tác, chuyên môn), giáo viên hợp đồng phải cam kết 2 điều.


1.Chấp hành đầy đủ nghiêm chỉnh nhiệm vụ do Hiệu trưởng phân công.

2.Sau khi có kết quả kỳ thi tuyển có trách nhiệm: Báo cáo kết quả về Ban giám hiệu nhà trường đồng thời tự nguyện xin thanh lý Hợp đồng lao động ký kết với nhà trường theo quy định.

Từ nội dung bản cam kết này nhiều giáo viên cho rằng dù có ký hay không ký thì cuối cùng cũng bị thanh lý hợp đồng.

Đối với những giáo viên không làm bản cam kết sẽ không đủ điều kiện để dự thi và bị thanh lý hợp đồng.

Trong khi đó với các giáo viên làm bản cam kết, sau khi có kết quả thi cũng tự nguyện xin thanh lý hợp đồng.

Chị Mùi, giáo viên cấp 2 bức xúc: "Chẳng có điều gì là tự nguyện ở đây cả.

Chúng tôi cống hiến bao nhiêu năm , được tiếp tục dạy là ước muốn của nhiều người.

Vậy mà bảo chúng tôi tự nguyện xin thanh lý hợp đồng. Xin thưa chẳng có giáo viên nào dại như vậy cả.

Chúng tôi nghĩ đây chỉ là các Huyện nghĩ ra để đối phó với dư luận mà thôi.

Điều chúng tôi bức xúc nhất là chúng tôi không phải người thảo ra văn bản này nhưng lại gán cho giáo viên tự nguyện thanh lý hợp đồng, tự làm cam kết".

Nhiều giáo viên hợp đồng không thi tuyển viên chức vì lo ngại thiếu công bằng, minh bạch

Đến thời điểm này toàn bộ giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức như ngồi trên đống lửa.

Chỉ còn ít ngày nữa là hết hạn nộp hồ sơ viên chức nhưng chị Phương Anh chấp nhận bỏ nghề, không dự thi:

"Bản thân tôi đã từng thi viên chức đến 4 lần nhưng tôi quan sát cuộc thi tôi cũng chẳng tin được vào sự minh bạch và công bằng.

Tôi dạy môn âm nhạc ở trường.

Có những em mới ra trường vào biên chế nhưng một nốt nhạc còn không biết.

Nhiều em thi viên chức bảo với tôi. Em đi học là theo nguyện vọng của gia đình.

Em đi thi cũng theo nguyện vọng của gia đình cho nên tôi nói thật nhiều giáo viên dạy âm nhạc mà một nốt nhạc cũng không biết".

Chị Phương Anh cũng cho biết sẽ không nộp hồ sơ thi viên chức vì có biết thi cũng trượt:

"Thi chắc chắn là trượt, mình cạnh tranh làm sao được với các em mới ra trường.

Hơn nữa liệu cuộc thi có đảm bảo tính công bằng và minh bạch không?

Chúng tôi công tác trong ngành, đã từng thi qua nhiều lần viên  chức nên có thể nói là rất khó tin tưởng vào tính công bằng và minh bạch được.

Như tôi cũng đã nói nhiều em đến một nốt nhạc cũng không biết mà vẫn thi đỗ viên chức giáo viên dạy âm nhạc.

Trong khi đó lần này có nhiều thầy cô công tác 10 năm, 20 năm thành thích vô cùng xuất sắc nhưng cũng sẽ bị thanh lý hợp đồng".

Tâm sự về những khó khăn của giáo viên hợp đồng, chị Phương Anh không giấu được sự buồn tủi:

"Những giáo viên hợp đồng như chúng tôi thực sự quá khổ sở. Bản thân tôi sau khi ra trường về dạy hợp đồng ở đây đã 10 năm.

Từ nhà đến trường cũng phải mất 15 km. Thế nhưng bao nhiêu năm nay chỉ được hưởng đúng mức lương cơ bản ngoài ra không được bất kỳ một chế độ nào.

Như mức lương của tôi bây giờ tính theo lương cơ bản là khoảng hơn 1,2 triệu đồng một chút.

Những giáo viên hợp đồng chịu thiệt thòi đủ đường, bảo hiểm không được đóng.

Thậm chí chế độ thai sản như chúng tôi chỉ được nghỉ 3 tháng thay vì 6 tháng".

Giáo viên hợp đồng ở Mỹ Đức bị ép ký cam kết trước khi sa thải - Ảnh 2.

Chỉ thị của phòng Nội vụ huyện Mỹ Đức gửi cho các trường có đính kèm mẫu bản cam kết do phòng tự soạn thảo (Ảnh: Vũ Ninh)


Cuộc sống chất vật với mức lương bèo bọt, một nách ba đứa con, chị Phương Anh phải tính đến công việc làm thêm:

"Lần này tôi không đăng ký thi viên chức vì có thi cũng trượt. Thứ hai có tiếp tục thì cũng không sống nổi với nghề.

Hiện nay tôi phải làm thêm công việc bán hàng qua mạng xã hội. Với mức lương như thế thì nuôi con sao nổi".

Trao đổi với nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức, phóng viên nhận thấy sự vất vả mưu sinh hằn sâu trên khuôn mặt của họ.

Nhưng đằng sau nỗi vất vả đó là một tình yêu nghề và sự hy sinh vô bờ bến. Một giáo viên bày tỏ nguyện vọng:

"Chúng tôi cũng chỉ mong có một cơ chế xét đặc cách cho những giáo viên ký hợp đồng có đủ điều kiện, chuyên môn tốt, thành tích cao...nhất là đối với những giáo viên đã công tác lâu năm.

Hoặc nếu có thi thì cũng mong sẽ có một kỳ thi công bằng, minh bạch cùng với những cơ chế tạo điều kiện cho những giáo viên hợp đồng như chúng tôi".

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.