Một ngày chăm các bé mầm non rất vất vả
“Lần đầu tiên em dạy các bé mầm non không biết chăm sóc 30 bé một ngày ra sao?”, “Em được phân công dạy, chăm sóc 40 bé một ngày, như thế là đông không ạ, có anh chị nào có kinh nghiệm chỉ cho em với? “Đây là năm đầu tiên em dạy các bé mầm non, các bé khóc quá, phụ huynh cũng lo lắng, em sao giúp các bé đừng khóc đây?... Đó là 3 trong hàng chục câu hỏi về chăm sóc các bé mầm non của những giáo viên mới vào nghề hỏi trong một diễn đàn.
Để có những chia sẻ thật sự bổ ích về chăm sóc các bé mầm non lần đầu đến lớp cũng là nói lên được tâm tư về nghề giáo viên mầm non, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một số cô giáo.
Cô Trần Thị Thu Phượng, giáo viên mầm non năm thứ 2 một trường mầm non tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Em còn nhớ rất rõ ngày đó, ngày em lần đầu tiên đứng lớp với vai trò chủ nhiệm, phụ trách chủ nhiệm nhóm lớp 2 tuổi. Ngày đầu tiên đi học của các con, dù đã lường trước được việc các con sẽ khóc rất nhiều, sẽ la hét rất nhiều, nhưng thật sự khi đối diện với tình huống lúc đó, em cực kì hoang mang. Vừa mới dỗ xong cháu này, cháu kia đã khóc um sùm lên, dỗ được cháu kia, cháu khác lại khóc nấc. Cứ như thế, cô phải tất bật theo 25 cháu suốt cả ngày".
![]() |
Cô Phượng cùng các bé trong lớp của mình. Ảnh: NVCC |
Còn cô giáo Chu Hoa Mộc, giáo viên mầm non một trường tư thục tại TP Hà Nội cho biết, cô phải chăm sóc 40 bé một ngày.
“Buổi sáng các bé được phụ huynh đưa đến lớp vẫn còn ngái ngủ hay làm nũng, quấy khóc. Các cô ra đón, phụ huynh đi rồi nên công việc của cô lúc này là dỗ, làm sao để các con không quấy khóc nữa. Mọi người tưởng việc này đơn giản nhưng rất khó vì không phải tính bé nào cũng giống bé nào.
Rồi thì, nhiều bé cùng được phụ huynh đưa đến một lúc, các cô cuống hết cả lên. Bé ngoan thì các cô trao đổi qua với phụ huynh rồi dắt hay bế bé vào bàn trong lớp ngồi.
Nhiều lúc đông quá không để ý hết được có những sơ xuất khó tránh khỏi ví dụ như bé bị xước, hay bị tím ở đâu đó trên cơ thể. Lúc ấy phụ huynh đi mất rồi, việc sau đó các cô phải thật khéo léo. Sau khi phát hiện thì nhàng hỏi bé nếu bé biết thì thông báo với phụ huynh, không giấu giếm.
Trong 1 ngày với các bé, việc học, chơi, ăn, ngủ, nghỉ của các bé đã được lên kế hoạch từ trước nhưng có thể có những thay đổi thì các cô lại xoay chong chóng và giải quyết tình huống 1 cách khoa học nhất”, cô Mộc nói.
![]() |
Cô Chu Hoa Mộc cùng các "con" của mình. Ảnh: NVCC |
Theo cô Mộc, ở lớp có khi là con cắn bạn, đánh nhau với bạn, tranh giành đồ chơi. Có khi là con không chịu học bài, hoạt động cùng các bạn mà chỉ thích làm theo ý mình, cũng có khi là con không chịu ăn, mải chơi, mải nói chuyện làm đổ đồ ăn là những lúc cô vất vả nhất.
![]() |
Việc chăm sóc các bé mầm non mỗi ngày đầy khó khăn. Ảnh: NVCC |
Còn cô Phượng chia sẻ, những lần cô đút cơm, các con nôn hết cả vào quần áo của cô thì đếm không thể hết. Có những buổi trưa đang ôm các con ngủ, tự nhiên thấy ướt hết cả người, hóa ra là các con "tè dầm" sang cả người cô.
Có những hôm các con bị ốm, bị sốt mà gia đình bận việc nên vẫn phải gửi cháu ở trường, đó là những hôm cô thức nguyên buổi trưa để canh giờ cho con uống thuốc, để theo dõi xem con có bị sao không, đã hạ sốt chưa?
Chia sẻ cùng giáo viên mầm non lần đầu đứng lớp
Theo cô Mộc và cô Phượng, lúc phụ huynh đón bé, các cô cần niềm nở, nhẹ nhàng và ân cần như khi chăm sóc các bé ở lớp. Không cần làm quá hay phô trương, chỉ cần chân thành, thẳng thắn.
Các cô nên có chút chia sẻ với phụ huynh qua về tình hình sinh hoạt của bé ở nhà cũng như trên lớp, để hiểu tìm hiểu rõ hơn về các bé. Từ đó sẽ dễ dàng và thuật lợi hơn trong việc phối kết hợp với phụ huynh về việc chăm sóc, dạy dỗ các bé hơn.
Cái quan trọng nhất khi đưa các bé về, tuyệt đối không để thất lạc bé khi chăm sóc. Giờ trả trẻ là mọi giác quan của cô được vận dụng hết công suất.
![]() |
Theo cô Mộc ở mỗi cô giáo cần Chân - Thiện - Nhẫn khi chăm sóc trẻ. Ảnh: NVCC |
Khi chăm sóc bé phải tự tin, việc bỡ ngỡ, non nớt thì học hỏi, chứ không phải ai sinh ra cũng làm tốt mọi việc. Đặc biệt, luôn luôn trau dồi kiến thức, học hỏi từ các chị, các cô giáo đi trước trong trường.
“Ở mỗi cô giáo cần Chân - Thiện - Nhẫn. Chân là chân thành, chân thật; Thiện là thiện cảm, thiện ở trong tâm cũng như hành động bên ngoài; Nhẫn là nhẫn nại khi chúng ta không kiềm chế được. Sẽ có lúc này lúc kia, nhưng chúng ta đã yêu nghề, đã gắn với nghề, đặc biệt yêu các bé thì mình tin các bạn sẽ vượt qua được những khó khăn, chông gai mà các bạn vấp phải”, cô Mộc nói.
Còn cô Phượng, là cô giáo hạnh phúc nhất chính là được thấy các con lớn lên từng ngày, tăng cân từng tháng và mở rộng vốn hiểu biết sau mỗi chủ đề. Ngoài ra, được các phụ huynh ghi nhận công sức và cảm thông trong công việc.
“Em may mắn khi được phụ huynh tin tưởng và cảm thông. Mỗi khi được phụ huynh gọi điện hỏi thăm, được phụ huynh thông báo cháu nay về nhà ngoan hẳn, cháu nay tăng cân, cháu nay biết giúp đỡ mẹ, cháu đòi gọi điện gặp cô những ngày nghỉ. Những lúc đó, cảm thấy như cả thế giới chẳng còn điều gì hạnh phúc hơn nữa!”, cô Phượng chia sẻ.
![]() | Giáo viên nói gì về tin nhắn trả lời 'OK' khi phụ huynh xin phép con nghỉ ốm? Đa số giáo viên đồng tình cô giáo nhắn tin phản hồi lại phụ huynh xin phép con nghỉ ốm bằng tin nhắn “OK”. |