HLV không đủ sức “cầm trịch”?
Giọng hát Việt là cuộc thi ca hát trên truyền hình, được phát sóng lần đầu năm 2012. Trải qua bốn mùa, chương trình tìm được ra các quán quân là Hương Tràm (HLV Thu Minh), Thảo My (HLV Đàm Vĩnh Hưng), Đức Phúc (HLV Mỹ Tâm), Ali Hoàng Dương (HLV Thu Minh). Nhiều gương mặt đình đám khác như: Hồ Ngọc Hà, Trần Lập, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Quốc Trung, Tuấn Hưng... từng ngồi “ghế nóng” Giọng hát Việt.
Ngay từ mùa thứ tư, giới chuyên môn đã bày tỏ nhận xét không hài lòng về chương trình này. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nêu quan điểm: “Về căn bản, chương trình Giọng hát Việt ngày càng bị tha hóa, nghiệp dư”.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái phân tích thêm, với một cuộc thi có hàng triệu khán giả theo dõi như Giọng hát Việt thì vị trí HLV là hết sức quan trọng. Người ở vị trí này đóng vai trò kép, vừa là giám khảo chấm thi, vừa là người thầy dẫn dắt chuyên môn cho các thí sinh. Dù vậy, những gì mà khán giả chứng kiến ở Giọng hát Việt những mùa lên sóng gần đây là sự xa rời tính chất chuyên môn, trên sân khấu chỉ toàn bình luận, cãi nhau như “chợ vỡ”.
Dàn HLV Giọng hát Việt 2018. Ảnh: TL
“Nhiệm vụ quan trọng nhất là luôn đổi mới, chăm sóc kĩ lưỡng các thí sinh thì lại không được chú trọng. Những HLV có chuyên môn vững sẽ không bao giờ khiến chương trình trở nên lùm xùm, nửa mùa, thiên về thể hiện phong cách cá nhân. Trong chặng đường của Giọng hát Việt, tôi thấy mùa thứ hai với dàn HLV là nhạc sĩ Quốc Trung, các ca sĩ Hồng Nhung, Mỹ Linh, Đàm Vĩnh Hưng là đảm bảo được ở phương diện chuyên môn. Cách thức thể hiện của HLV mùa thứ hai cũng khá thú vị. Chẳng hạn, Đàm Vĩnh Hưng được mặc định là gương mặt giải trí, nhưng trong chương trình này anh không “làm mưa làm gió” theo kiểu riêng mà có sự hòa hợp với tổng thể. Mùa thứ ba, HLV Cát Tường dù tuổi đời rất trẻ, có cá tính mạnh nhưng trên “ghế nóng” lại thể hiện được kiến thức chuyên môn một cách nhã nhặn. Những cuộc thi như Giọng hát Việt gần đây khán giả phản đối là đúng, tốt nhất nên dẹp bỏ”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.
Nguyên nhân nào dẫn đến “tụt dốc”?
Đây không phải lần đầu các HLV Noo Phước Thịnh và Tóc Tiên gặp phải những ý kiến phản hồi trái chiều. Vào năm 2017, khi ở vị trí cầm cân nảy mực của Giọng hát Việt, cả hai ca sĩ từng bị đánh giá là còn quá trẻ nên khó có thể hướng dẫn tốt được cho các thí sinh. Trong khi đó, năm nay, bên cạnh hai cái tên gây tranh cãi trên thì HLV Lam Trường và HLV Thu Phương đều được đánh giá như những ca sĩ dày dạn kinh nghiệm trong làng giải trí. Nếu Thu Phương sở hữu giọng ca nội lực, mang màu sắc rất riêng của làng nhạc Việt thì Lam Trường là gương mặt “làm mưa làm gió” trên thị trường âm nhạc một thời.
Vậy chuyên môn như thế nào mới đủ sức ngồi “ghế nóng” một chương trình như Giọng hát Việt? Bàn về câu chuyện này, giới chuyên môn cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới sự “tụt dốc” của Giọng hát Việt cũng như nhiều game show truyền hình xuất phát từ tính vụ lợi cao, khả năng Việt hóa kém, đối tượng tổ chức chỉ hướng đến rating, bất chấp cả việc những tính toán ấy sẽ khiến khán giả bức xúc, chán nản và tẩy chay chương trình.
“Nói đến game show là nói đến một sân chơi có sức hút với đám đông nên việc “câu view” để nhà sản xuất có lợi là điều chúng ta có thể lường trước và xác định không thể không có chuyện đó nhưng nếu tiếp tục cái đà như “Giọng hát Việt” thì sẽ bất ổn. Bất ổn ở đây thể hiện đầu tiên ở chính phản ứng của khán giả, càng những mùa sau càng bị phản ứng dữ dội. Tiếp đến là định hướng về chuyên môn âm nhạc ở dàn HLV thì công chúng không thấy điều đó. Cũng một chương trình như thế, phiên bản châu Âu, châu Mỹ có sức cuốn hút đặc biệt, đầy tính nghệ thuật, có cả tính giải trí và “câu view”, còn ở ta càng ngày chỉ càng thiên về “câu view” mà thôi. Như thế là một biến tướng không lành mạnh từ phiên bản gốc The Voice”, một nhà nghiên cứu âm nhạc (đề nghị không nêu tên) nhấn mạnh.
Tại mùa The Voice 2017, Tóc Tiên, Noo Phước Thịnh đã nằm trong danh sách nghi ngờ trình độ chuyên môn của số đông khán giả khi cả hai nghệ sĩ trẻ này ngồi cùng ghế HLV với Thu Minh. Ở những tập đầu phát sóng, gần như họ chỉ tập trung bình luận về đời tư thay vì chuyên môn khiến khán giả gay gắt phản đối. Phải mất một thời gian dài, Tóc Tiên, Noo Phước Thịnh mới dần lấy thiện cảm với khán giả.
Tương tự, những gương mặt giải trí khác như: Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng… cũng từng nhận nhiều ý kiến trái chiều khi ngồi “ghế nóng” một cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc như Giọng hát Việt. Cũng chính từ chiếc “ghế nóng” ấy đã chứng kiến màn mâu thuẫn gay gắt giữa NSƯT Thanh Lam với Đàm Vĩnh Hưng - Hà Hồ khi nữ nghệ sĩ gốc Hà thành thẳng thắn nhận định: “Khi tôi xem chương trình này, tôi cũng ngạc nhiên và không thể tưởng tượng ra hai ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà sẽ dạy bằng cái gì?... Có bột mới gột nên hồ. Phải có trình độ mới dạy được”.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về tranh cãi xung quanh dàn HLV Giọng hát Việt 2018, đại diện chương trình chia sẻ: “Qua 5 năm, năm nào công bố dàn HLV Gọng hát Việt cũng gây tranh cãi. Noo Phước Thịnh và Tóc Tiên còn trẻ tuổi mà ngồi ngang hàng với Thu Phương, Lam Trường dĩ nhiên sẽ khiến một bộ phận khán giả không đồng tình. Tuy nhiên năm nay, dàn HLV là sự giao thoa của hai thế hệ âm nhạc. Thu Phương và Lam Trường là những ca sĩ “Làn sóng xanh” một thời. Noo Phước Thịnh và Tóc Tiên là thế hệ trẻ. Sự kết hợp này sẽ giúp chương trình thêm màu sắc, là cầu nối để khán giả, thí sinh sống lại khoảng thời gian âm nhạc một thời nhưng lại hiện đại và trẻ trung. Thu Phương và Lam Trường như đàn anh, đàn chị có thể truyền đạt kinh nghiệm cho đàn em”. |
Vì sao HLV The Voice cứ hễ ra mắt là gây tranh cãi?
Năm mùa giải The Voice thì có đến 4 màn tranh cãi ngay khi công bố dàn huấn luyện viên. Còn một mùa còn lại ... |
Công bố HLV The Voice: Lại tranh cãi Noo, Tóc Tiên ngồi cùng tiền bối
Huấn luyện viên The Voice 2018 gồm Tóc Tiên, Noo Phước Thịnh, Thu Minh và Lam Trường. Cách biệt thế hệ một lần nữa đẩy ... |