Giúp trẻ tiểu học chống xâm hại tình dục

Theo Ths tâm lý Lê Thị Lâm và cộng sự, việc trẻ em tiểu học nhận diện được nguy cơ xâm hại tình dục có thể giúp phòng tránh được những sự việc đáng tiếc như vụ hàng loạt trẻ bị xâm hại trong một thời gian dài cho đến khi được phát hiện.
 

Trong mấy năm gần đây, xâm hại tình dục không còn là những câu chuyện xa lạ trên báo chí nước ngoài hay các số thống kê của các cơ quan chức năng. Các bậc cha mẹ bắt đầu bàng hoàng nhận ra rằng chuyện đó có thể diễn ra với chính con mình khi chứng kiến vụ việc hàng loạt học sinh tiểu học ở Hoài Đức, Hà Nội bị xâm hại tình dục bởi chính thầy giáo của mình.

Trước đó, trong suốt thời gian từ 2015-2017, một bảo vệ ở trường tiểu học Nguyễn Huệ, Đắc Nông cũng đã nhiều lần hiếp dâm một học sinh và có hành vi dâm ô với 4 em khác trong nhà vệ sinh và bãi đỗ xe của trường.

Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về thực trạng trẻ em nói chung và trẻ tiểu học nói riêng bị xâm hại tình dục. Điểm chung của các trường hợp là khi mọi việc được tiết lộ ra ánh sáng đều đã quá muộn. Mặc dù bị đưa vào phòng ngủ ở lớp học thêm, bị thầy giáo ôm, hôn, sờ vào ngực và vùng kín, các em học sinh đã không hề biết mình bị xâm hại tình dục. Chỉ đến khi vì “đau quá sợ quá”, hoảng loạn đến mức đau bụng, buồn nôn, nhập viện cấp cứu… thì các em học sinh tiểu học ở Hoài Đức mới quyết định kể cho bố mẹ.

Chia sẻ tại Hội nghị tâm lý học đường quốc tế vừa diễn ra 1-2/8 vừa qua tại Đại học Sư phạm Hà Nội, Ths tâm lý Lê Thị Lâm (Khoa Tâm lý giáo dục, Đại học Đà Nẵng) cho biết nếu trẻ em tiểu học có khả năng nhận diện đối tượng, thời gian, không gian, tình huống có nguy cơ lạm dụng tình dục thì có thể bảo vệ trẻ và tránh những tình huống đáng tiếc. Dưới đây là những kiến thức và kỹ năng mà cha mẹ có thể trang bị cho con mình để bảo vệ bản thân khỏi xâm hại tình dục.

giup tre tieu hoc chong xam hai tinh duc
Học sinh tiểu học Nguyễn Văn Trỗi - Đà Nẵng trong lớp tập huấn phòng chống xâm hại.

Biểu hiện của xâm hại tình dục

Cha mẹ và thầy cô cần giúp trẻ em nắm rõ những biểu hiện của xâm hại tình dục, tránh tình trạng trẻ bị lạm dụng mà vẫn im lặng do nghĩ người kia yêu thương mình. Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm các biểu hiện như cho trẻ xem tranh, ảnh, phim có nội dung khiêu dâm (bao gồm cả chat online); trò chuyện mang tính khiêu dâm, bao gồm trò chuyện trực tiếp và qua các phương tiện như điện thoại, vi tính; người lớn thể hiện sự quan tâm quá mức như hôn hít, ôm ấp mà chưa được sự đồng ý của trẻ; động chạm, sờ mó vào các bộ phận nhạy cảm như ngực, bộ phận sinh dục… của trẻ; bắt trẻ đụng chạm, sờ mó vào bộ phận nhạy cảm của người khác; có hành vi quan hệ tình dục hoặc lôi kéo trẻ vào các hoạt động liên quan đến tình dục; xâm phạm sự riêng tư của trẻ.

Bất cứ ai cũng có thể xâm phạm tình dục trẻ em

Kẻ xâm hại tình dục không có ngoại hình đáng sợ, không có dấu hiệu đặc trưng để phân biệt. Họ có thể là những người gần gũi thân thuộc với trẻ như người trong gia đình, họ hàng, hàng xóm, người chăm sóc trẻ, giáo viên… Họ thậm chí có thể có mối quan hệ tốt với trẻ, thân thiện và dịu dàng. Chúng thường nhắm vào những trẻ dễ bảo, thụ động, nhút nhát vì những trẻ này sẽ ít chống cụ khi bị xâm hại.

Kẻ xâm hại tình dục có thể tìm mọi cách để tiếp cận với trẻ một cách hợp lý, khéo léo như cố gắng tiếp cận và tạo niềm tin, xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn mức bình thường với trẻ; thỏa thuận với trẻ giữ bí mật về những điều đã xảy ra; cố gắng tách biệt trẻ với những người lớn khác…

Để giúp trẻ nhận diện về người có nguy cơ không an toàn, cha mẹ có thể sử dụng các cảnh báo như:

- cảnh báo nhìn (nhìn chằm chằm vào các bộ phận vùng kín, riêng tư của con; cố tình để lộ vùng kín của họ trước mặt các con; rủ con xem các phim, hình ảnh, sách báo đồi truỵ, khiêu dâm);

- cảnh báo nói (nói hoặc bình phẩm về các khu vực nhạy cảm trên cơ thể của con, kể cả khen, ví dụ “Mông to thế”; cười cợt, chỉ trỏ vào vùng kín của con; kể cho con nghe những câu chuyện tục tĩu, không phù hợp với lứa tuổi của con);

- cảnh báo chạm (đề nghị chạm vào vùng kín của con; đề nghị con chạm vào vùng kín của họ);

- cảnh báo bắt cóc (tìm cách rủ con đi với họ dù chưa được sự đồng ý của bố mẹ; dắt con đi vào ngõ vắng; cho con quà bánh, đồ chơi và đưa con đi với họ);

- cảnh báo ôm (ôm nhưng cố tình sờ, chạm, tiếp xúc thân thể của họ vào vùng riêng tư trên cơ thể con). Khi xuất hiện những cảnh báo về người không an toàn thì trẻ cần cảnh giác, lập tức bỏ đi ngay hoặc báo lại/ kể lại với người con tin tưởng, có thể giúp đỡ trẻ.

giup tre tieu hoc chong xam hai tinh duc
Lớp học chống xâm hại cho các em nông thôn ở Duy Xuyên, Quảng Nam.

Thời gian, địa điểm, tình huống có thể xảy ra xâm hại tình dục trẻ em

Để tránh những tình huống mà trẻ không có sức kháng cự khỏi kẻ lạm dụng tình dục, trẻ em cần có ý thức về những tình huống nguy cơ cao bị xâm hại tình dục, như ở nhà một mình, đi học một mình, đi một mình ở những nơi tối tăm vắng vẻ, tan học chờ bố mẹ đến đón, đi nhờ xe người khác mà không có bố mẹ, nhận tiền hay quà của người khác mà không có lý do, để người khác vào nhà khi ở nhà một mình, gửi trẻ cho hàng xóm người quen trông coi, đi học thêm ở nhà thầy cô hoặc gia sư…

Một số địa điểm có nguy cơ cao là đường phố, đặc biệt những đoạn đường vắng, thiếu đèn đường, trên các phương tiện giao thông công cộng, công viên, bến xe, bãi biển, trường học (nhà vệ sinh, khu vực thể thao…) nơi vắng người qua lại, nhà vệ sinh công cộng hoặc trong chính ngôi nhà của trẻ.

Theo Ths Lê Thị Lâm và cộng sự, thầy cô và cha mẹ có thể đưa ra các địa điểm, tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống để trẻ nhận diện những trường hợp có nguy cơ cao, chẳng hạn: “Con ở nhà một mình, có một chú lạ mặt đến bảo “Bố con nói chú về lấy tài liệu cho bố, con mở cửa cho chú nhé!”; “Con đến nhà chú hàng xóm chơi, chú muốn tặng con chiếc váy công chúa rất đẹp và muốn con cởi đồ mặc thử xem chiếc váy có đẹp không”; “Anh sinh viên dạy kèm con học bài rất nhiệt tình và quý con, mỗi lần giúp con học bài, anh thường ngồi rất sát với con và thỉnh thoảng quàng tay qua vai con khiến con cảm thấy bối rối.”; “Con đang chơi ở nhà bạn, ông của bạn rất quý con và bảo con “Cho ông ôm một cái rồi ông cho kẹo.”

Dựa trên những kiến thức chung về các tình huống, địa điểm có nguy cơ cao xâm hại, bố mẹ và thầy cô có thể đưa ra những trường hợp khác nhau để giúp trẻ nhận diện, chẳng hạn “thầy giáo/ chú bảo vệ rủ con vào nhà vệ sinh’, “thầy giáo dạy thêm bảo con vào phòng ngủ của thầy”…

Ths tâm lý Lê Thị Lâm cùng nhóm cộng sự tại Đại học Đà Nẵng đã tập huấn về chống xâm hại tình dục cho trẻ em tại các trường tiểu học ở thành phố Đà Nẵng cũng như các em học sinh ở vùng nông thôn như xã Duy Xuyên, Quảng Nam. Sau khóa học, các em đã nắm vững những kiến thức kỹ năng để phòng tránh xâm hại tình dục, đồng thời có thể tuyên truyền cho bạn bè của mình để bảo vệ bản thân.

XEM THÊM

giup tre tieu hoc chong xam hai tinh duc 40 vụ xâm hại trẻ em trong 6 tháng ở Hà Nội

Đại diện Công an Hà Nội khẳng định tội phạm xâm hại trẻ em hiện có nhiều tiềm ẩn phức tạp. 6 tháng đầu năm, ...

giup tre tieu hoc chong xam hai tinh duc Cô bé 10 tuổi 'gây sốt' nhờ video dạy cách đối phó yêu râu xanh

Bảo Vy nhắc các bạn nhỏ không nhận đồ chơi, bánh kẹo từ người lạ; sẵn sàng la lớn: 'Không! Bỏ ra!' khi gặp kẻ ...

giup tre tieu hoc chong xam hai tinh duc Gửi con 3 ngày ở nhà hàng xóm, mẹ hốt hoảng khi con kể chuyện

Nghỉ hè, tôi nhờ hàng xóm trông hộ con. Gửi được 3 ngày, con gái tôi về kể: "Chú Bình mới mua cái bể bơi ...

giup tre tieu hoc chong xam hai tinh duc 8 nguyên tắc cha mẹ cần biết để giúp trẻ tránh bị xâm hại

Chỉ cần lên Google tìm kiếm, trong 0,3 giây sẽ cho ra hàng ngàn kết quả về cách giáo dục trẻ tự bảo vệ mình ...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.