Gỡ điểm nóng BOT

Trong các dự án BOT hiện nay, tuyến tránh (đường tránh các thành phố và khu đô thị) gây dư luận nóng bỏng nhất. Vì sao như vậy, có cách nào để xử lý điểm nóng này? Theo các chủ đầu tư và người trong cuộc, các địa phương nên xem xét phương án đấu thầu khai thác quỹ đất xung quanh vị trí dự kiến xây dựng tuyến tránh để lấy kinh phí làm chính tuyến đường tránh này, thay vì phải lập thêm trạm thu phí.

Vì sao chủ xe bức xúc vì quá nhiều đường tránh

Thời gian qua, phần lớn các sự việc tập trung đông người, trả tiền lẻ ở các trạm thu phí đều xảy ra ở các dự án BOT liên quan đến tuyến tránh. Khởi đầu là sự việc tập trung đông người, dẫn đến sự kiện phát sinh việc trả tiền lẻ tại cầu Bến Thuỷ 1 (giáp ranh giữa Nghệ An và Hà Tĩnh) vào tháng 3, 4/2017 vừa qua. Đây là trạm thu phí thu một phần cho dự án đường tránh TP Vinh, liên thông với dự án cầu Bên Thuỷ 2 và QL 1A từ TP Vinh đến TP Hà Tĩnh.

Đầu tháng 5/2017, dự án BOT đường tránh TP Hà Tĩnh (trạm thu phí Cầu Rác thuộc huyện Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) cũng gặp phải hiện tượng người dân trả tiền lẻ để phản đối, dẫn tới phải xả trạm. Cao điểm “cơn mưa” tiền lẻ với các dự án BOT nói chung và dự án BOT tuyến tránh xảy ra tại trạm thu phí Cai Lậy (hoàn vốn cho dự án BOT tuyến tránh và cải tạo mặt đường cho thị xã Cai Lậy - Tiền Giang) xảy ra vào giữa tháng 8.

Như Tiền Phong phản ánh, người dân phản ánh với nhiều lý do, trong đó lý do chủ yếu là: Dự án bỏ kinh phí làm tuyến tránh nhưng lại thu trên QL 1A, người tham gia giao thông dù không đi tuyến tránh cũng phải trả phí. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, đây là dự án thể hiện lợi ích nhóm trong đầu tư BOT, nhà đầu tư tay không bắt giặc.

Trao đổi về loại hình BOT tuyến tránh, một đại diện Bộ GTVT cho hay, quy mô toàn tuyến QL 1A là 4 làn ô tô. Với các đoạn qua đô thị, số làn xe phải nâng lên 8 làn mới đáp ứng đủ nhu cầu. “Nếu nâng cấp QL 1A qua đô thị lên 8 làn, chi phí giải phóng mặt bằng sẽ rất lớn, vì phải giải phóng dân cư, nhà cửa đã xây dựng kiên cố hai bên đường. Vì thế, việc làm đường tránh vừa đáp ứng yêu cầu 8 làn xe nhưng chi phí bỏ ra thấp hơn nhiều. Từ đó, nhìn tổng thể, dự án sẽ có tổng mức đầu tư thấp hơn, mức thu và thời gian thu phí thấp hơn so với mở rộng đường nội thị” – vị này nói.

Một doanh nghiệp đầu tư BOT cho hay: “Ai cũng hiểu, khi làm tuyến tránh, người tham gia giao thông dù đi đường nội thị cũng được hưởng lợi, đi nhanh và an toàn hơn, vì xe đã phân lưu ra đường tránh. Nhưng nói ra để thuyết phục không dễ..., không phải ai cũng chấp nhận”.

Toàn quốc hiện có 8 dự án BOT đường tránh các đô thị: Sóc Trăng, Cai Lậy, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Vinh, Phủ Lý, Vĩnh Phúc. Trong đó, 5 dự án có trạm thu phí nằm trong phạm vi dự án, gần đô thị tuyến tránh xây dựng. Ba dự án BOT khác có trạm thu phí nằm ngoài dự án, chưa đúng quy định hiện hành, do lịch sử để lại gồm: Trạm thu phí Tào Xuyên (nằm giáp ranh giữa Ninh Bình và Thanh Hoá, thu phí cho tuyến tránh TP Thanh Hoá, hiện dự án đang tạm dừng thu phí); trạm thu phí Cầu Rác (nằm ở huyện Cẩm Xuyên, thu phí cho tuyến tránh TP Hà Tĩnh) và trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài (nằm trên địa bàn Hà Nội nhưng thu phí cho tuyến tránh TP Vĩnh Yên).

Tháo điểm nóng, cách nào?

Với các dự án BOT tuyến tránh gây bức xúc vừa qua, yêu cầu quan trọng nhất của người dân là chuyển vị trí trạm BOT về tuyến tránh. Tuy nhiên, yêu cầu này gần như không thể thực hiện. Bộ GTVT cho hay, vị trí đặt trạm Cai Lậy không chỉ được Bộ GTVT đồng ý mà được các bộ, ngành, tỉnh Tiền Giang thống nhất. Ngoài ra, vị trí đặt trạm cũng là cơ sở để chủ đầu tư quyết định thực hiện dự án, ngân hàng cho nhà đầu tư vay vốn. Vì vậy, việc dời trạm thu phí sẽ là một quy trình hết sức phức tạp. Chủ đầu tư BOT Cai Lậy mới đây phải đánh tiếng trả dự án trạm cho Nhà nước nếu phải dời trạm thu phí về đường tránh vì vỡ phương án tài chính của dự án.

Thực tế, việc dời vị trí trạm thu phí của tuyến tránh cũng từng được thực hiện tại dự án BOT tuyến tránh TP Thanh Hoá (chuyền từ cầu Tào Xuyên gần TP Thanh Hoá ra dốc Xây thuộc thị xã Bỉm Sơn, phía bắc tỉnh Thanh Hoá). Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, trong đợt rà soát lại các vấn đề của BOT để báo cáo Chính phủ vào tháng 9 này, vấn đề thay đổi vị trí trạm thu phí sẽ rất khó có thể thực hiện vì: Thay đổi một trạm thu phí sẽ ảnh hưởng đến vị trí của trạm khác và đây là vấn đề không chỉ riêng Bộ GTVT quyết định được.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho hay, dù có những khó khăn như trên, Bộ GTVT hoàn toàn có thể nghiên cứu việc đặt trạm thu phí trên tuyến tránh cùng với các biện pháp phân luồng xe bằng biển báo, xử phạt vi phạm. “Hiện Hà Nội và nhiều tỉnh thành đặt các biển báo cấm xe tải và xe khách cỡ lớn ra vào thành phố. Nếu các thành phố có tuyến tránh cũng đặt biển báo cấm như vậy, dù để lọt các phương tiện xe con, xe tải nhỏ không thể thu phí nhưng vẫn có thể thu được dù có kéo dài thời gian thu” - ông Thanh nói.

Chủ tịch Tập đoàn Cienco 4 - Nguyễn Tuấn Huỳnh - nhà đầu tư tuyến tránh TP Vinh thì cho rằng, việc đầu tư tuyến tránh, bao gồm cả vị trí đặt trạm thu phí đang được nhà đầu tư thực hiện đúng theo hợp đồng ký kết với cơ quan nhà nước, vì vậy, không thể đổ lỗi hết cho nhà đầu tư. Ông Huỳnh cho rằng, tới đây, các dự án tuyến tránh sẽ tiếp tục triển khai (hiện dự án BOT tuyến tránh TP Sơn La nghiên cứu xong, đã đấu thầu nhưng bị đình hoãn - PV) để phục vụ nhu cầu hạ tầng giao thông. Trong điều kiện ngân sách hiện nay, phương án có thể triển khai vẫn là kêu gọi xã hội hoá.

Để tránh những bức xúc của người tham gia giao thông và gia tăng trạm thu phí, ông Huỳnh cho rằng, các địa phương nên xem xét phương án đấu thầu khai thác quỹ đất xung quanh vị trí dự kiến xây dựng tuyến tránh để lấy kinh phí làm tuyến tránh, không phải lập thêm trạm thu phí.

“Sau khi xây dựng tuyến tránh, các địa phương hưởng lợi rất lớn khi mở rộng không gian đô thị, tạo ra quỹ đất có tính thương mại cao. Các địa phương hoàn toàn có thể kêu gọi nhà đầu tư khai thác quỹ đất để đầu tư tuyến tránh và không phải lập trạm thu phí”

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh

go diem nong bot TRỰC TIẾP Phiên toà vụ án Hà Văn Thắm sáng 23/9: Căn cứ xác định 1.576 tỷ đồng là thiệt hại?

Đại diện VKSND nhận định hậu quả của việc các bị cáo chi lãi ngoài không chỉ thiệt hại về vật chất mà cả phi ...

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.