Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện thông tin về việc hạn chế xe máy ở Thủ đô. Ảnh: Di Linh |
Tại tọa đàm "Hà Nội hạn chế xe cá nhân - Những lo lắng của người dân" sáng 30/6, có nhiều ý kiến cho rằng người dân Thủ đô ở trong ngõ ngách sẽ khó tiếp cận xe buýt, vận tải công cộng khi "cấm xe máy".
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, về nguyên tắc để đáp ứng yêu cầu giảm phương tiện giao thông cá nhân, chính quyền sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của dân bằng phương tiện công cộng.
Theo vị này, dự kiến đến 2030 xe buýt sẽ chiếm thị phần chủ yếu trong vận tải hành khách công cộng (đơn vị này đang trình TP đề án phát triển mạng lưới xe buýt).
"Chúng tôi đặt ra mục tiêu 80% đáp ứng nhu cầu kết nối với người tham gia giao thông dưới 500m, 20% còn lại với người dân trong ngõ có thể đi bộ, đi bằng xe đạp (trong đề án đã nói rõ bố trí điểm giao thông tĩnh phục vụ giao thông cá nhân và công cộng).
Người dân đi từ các quận, huyện vào sẽ có các điểm gửi xe máy ở tuyến vành đai để sử dụng phương tiện công cộng.
Chúng ta cần tạo cho người dân thói quen dùng vận tải công cộng. Lâu nay, người dân vẫn có thói quen dù 100m cũng đi xe máy", ông Viện nói.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết nhiệm vụ của đơn vị này là chứng minh cho người dân thấy lợi ích của vận tải công cộng để từ bỏ xe máy.
Và đề làm được thì điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng xe buýt; đảm bảo an toàn, thời gian, thuận tiện cho người dân.
"Nhà nước đang hỗ trợ vận tải công cộng bằng trợ giá với vé rất rẻ nhưng người dân chưa thấy được lợi ích. Và phải thừa nhận rằng, vận tải cộng cộng còn chưa đáp ứng được về mặt thời gian và tính kết nối.
Chúng ta phải xây dựng được giao thông thông minh, ứng dụng được phần mềm, làm sao để người dân kết nối, lựa chọn được chuyến đi tốt nhất.
Chúng ta cũng đưa ra lộ trình về thời điểm hạn chế xe cá nhân nhằm tạo thói quen cho người dân sử dụng vận tải công cộng", ông Vũ Văn Viện nói.
Theo khảo sát, số người ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy là trên 90%. Ảnh minh họa: Di Linh |
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải Lê Đỗ Mười cho biết, hiện vận tải công cộng ở Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 14% nhu cầu; trong đó xe bus là 8-10%.
Cũng theo vị này, trong đề án phát triển vận tải hành khách công cộng, xe bus vẫn là phương tiện chính trong vận tải công cộng cho đến 2025.
Theo đề án, mạng lưới xe, điểm dừng nhà chờ sẽ được cải tạo triệt để, làm sao đáp ứng được trong khoảng cách người dân tiếp xúc điểm dừng nhà chờ dưới 500m.
Hé lộ nội dung phiếu khảo sát 'cấm xe máy ở Hà Nội'
Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) đã cung cấp thông tin về phiếu khảo sát "cấm xe máy ở Hà Nội". |