Hà Nội chốt làm cầu Thượng Cát và Vân Phúc, không nhắc tới cầu Trần Hưng Đạo

Trong số 9 cây cầu bắc qua sông Hồng chưa được xây dựng theo quy hoạch, Hà Nội đưa cầu Thượng Cát và cầu Vân Phúc vào danh sách triển khai trong giai đoạn 2021 - 2026.

Thượng Cát và Vân Phúc là hai trong 9 cầu còn lại qua sông Hồng 

Theo Quy hoạch GTVT TP Hà Nội thì thành phố còn 9 cây cầu sẽ được xây dựng bắc qua sông Hồng, bao gồm: Phú Xuyên, Mễ Sở, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Tứ Liên, Thăng Long mới, Thượng Cát, Hồng Hà và Vân Phúc. Việc bao giờ khởi công các cây cầu này được nhiều người quan tâm trong thời gian qua.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, HĐND TP Hà Nội đã công bố Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 và danh mục lĩnh vực đầu tư cho vay giai đoạn 2021 - 2025 của Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội.

Trong văn bản này, HĐND TP có đưa ra danh sách 13 dự án giao thông (tổng mức đầu tư 170,9 nghìn tỷ đồng) thuộc nhóm các dự án khởi công mới cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hàng năm theo tiến độ thực tế.  Trong số 13 dự án này, có đề cập đến hai cây cầu vượt sông Hồng, đó là cầu Vân Phúc (nối huyện Phúc Thọ với tỉnh Vĩnh Phúc) và cầu Thượng Cát (nằm trên trục Vành đai 3,5, nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh).

Hà Nội chốt làm hai cây cầu này bắc qua sông Hồng giai đoạn 2021 - 2026 - Ảnh 1.

Vị trí làm cầu Thượng Cát theo quy hoạch. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Theo đó, cầu Vân Phúc dự kiến sẽ triển khai trong giai đoạn 2022 - 2026. Cầu này có tổng mức đầu tư 4 nghìn tỷ đồng, chiều dài 4 km và hệ thống đường hai đầu cầu. Theo HĐND TP, dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, dự án này sẽ được rót 506,1 tỷ từ ngân sách trung ương.  

Với cầu Thượng Cát, dự án cũng được dự kiến triển khai trong giai đoạn 2022 - 2026. Cầu Thượng Cát có quy mô dài 4,5 km, rộng 60 m. Về vốn, dự án dự kiến được triển khai với tổng mức đầu tư là 9 nghìn tỷ đồng cho cả phần cầu và đường hai đầu cầu.  

Ngoài hai cây cầu trên, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của Hà Nội không đề cập tới các cây cầu khác. 

Trước đó, cầu Trần Hưng Đạo thu hút sự chú ý của người dân khi có thông tin dự án sắp được triển khai theo hình thức hợp đồng BOT. Tuy nhiên, hiện dự án này đang ở bước UBND TP Hà Nội chấp thuận giao doanh nghiệp lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi  trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định. 

Trong danh sách 13 dự án giao thông thuộc nhóm các dự án khởi công mới cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hàng năm theo tiến độ thực tế nói trên, còn có một số dự án đáng chú ý khác như:

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6  với tổng mức đầu tư hơn 8,1 nghìn tỷ, dự kiến sẽ được rót 1,6 nghìn tỷ từ ngân sách trung ương trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đường cao tốc Đại lộ Thăng Long đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình. Dự án có tổng mức đầu tư 5,5 nghìn tỷ, dự kiến được rót 2 nghìn tỷ ngân sách trung ương giai đoạn 2022 - 2025.

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dự kiến triển khai trong giai đoạn 2022 - 2028. Đây là dự án quan trọng quốc gia, có tổng mức đầu tư dự kiến là 94,1 nghìn tỷ đồng, trong đó phần xây lắp giao cho Hà Nội là 20 nghìn tỷ. 

Đường Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 với tổng mức đầu tư 1,6 nghìn tỷ đồng; đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với mức đầu tư 2,6 nghìn tỷ. Hai dự án này dự kiến làm trong giai đoạn 2022 - 2026.

Đường sắt đô thị số 5 (Văn cao - Hòa Lạc), dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021 - 2026 với tổng vốn 65 nghìn tỷ đồng.

Đường sắt đô thị số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai dự kiến triển khai trong giai đoạn 2022 - 2026. Tổng mức đầu tư của dự án này là 40,6 nghìn tỷ đồng, dự kiến giai đoạn đến năm 2025 sẽ được bố trí 10 nghìn tỷ từ ngân sách trung ương.

144 dự án khởi công mới, mở rộng nhiều quốc lộ và tỉnh lộ

Theo Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 và danh mục lĩnh vực đầu tư cho vay giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 nguồn ngân sách thành phố là 304,8 nghìn tỷ đồng. 

Riêng trong lĩnh vực giao thông, thành phố dự chi 83,3 nghìn tỷ đồng cho 252 dự án, trong đó có 108 dự án chuyển tiếp và 144 dự án khởi công mới.

Đối với các dự án chuyển tiếp, đáng chú ý có các dự án trọng điểm như: Tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội và tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; đường Vành đai 3,5 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến quốc lộ 32; đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục giai đoạn 1; mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; xây cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên; cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch...

Trong số các dự án khởi công mới đủ điều kiện bố trí vốn đáng chú ý có: Cầu qua sông Nhuệ trên tuyến đường Dịch Vọng - Phú Mỹ - Cầu Diễn và đường nối ra quốc lộ 32; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 414 ở Sơn Tây; làm đường nối tiếp đường tỉnh 421B đoạn từ cầu vượt Sài Sơn qua khu hành chính huyện Quốc Oai kết nối với đường tỉnh 421B (đoạn Thạch Thán - Xuân Mai); nâng cấp, ở rộng quốc lộ 21B đoạn từ cầu Thạch Bích đến nút giao đường tỉnh 427; nâng cấp mở rộng quốc lộ 21B từ thị trấn Vấn Đình tới đường tỉnh 424 (huyện ứng Hòa); xây dựng đường gom phía đông đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn qua huyện Thường Tín và Phú Xuyên...

Ngoài ra, các dự án giao thông cấp thành phố dự kiến đầu tư giai đoạn 2022 - 2025 đáng chú ý có: Dự án xây dựng hai đoạn quốc lộ 1A thuộc huyện Thường Tín, Phú Xuyên với tổng mức đầu tư khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng; đường Tây Thăng Long đoạn từ Vành đai 3,5 đến kênh Đan Hoài (Đan Phượng) 657,7 tỷ đồng...

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.