Mới đây, tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội, đại diện huyện Đan Phượng cho biết tại thời điểm phê duyệt Đề án phát triển lên quận, huyện đã đạt 20/27 tiêu chí.
Tính đến hết tháng 10/2021, địa phương đạt thêm hai tiêu chí là tỷ lệ lao động phi nông nghiệp và tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng), một tiêu chí chưa đạt là cơ sở y tế cấp đô thị, do cách tính mới không tính gường bệnh tại các trạm y tế và trung tâm y tế huyện.
Như vậy, Đan Phượng còn thiếu 6 tiêu chí để có thể lên quận gồm: Cân đối thu chi ngân sách mới đạt khoảng 23,2% (tiêu chuẩn có dư); mật độ đường giao thông đô thị đạt 9,19 km/km2 (tiêu chuẩn ≥ 10 km/km2); cơ sở y tế cấp đô thị đạt 1,58 giường/1.000 dân (tiêu chuẩn ≥ 2,4 giường/1.000 dân); tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật đạt 4,06% (tiêu chuẩn ≥ 50%); đất cây xanh công cộng trên địa bàn đạt 2,05 m2/người (tiêu chuẩn 6m2/người); tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị tính trên tổng số trục phố chính bằng 0 (tiêu chuẩn ≥60%).
Về tình hình thực hiện các tiêu chí của các xã, thị trấn lên phường, huyện đã chỉ đạo xã, thị trấn hoàn thành xây dựng Đề án xây dựng xã thành phường và tích cực triển khai thực hiện.
Huyện Đan Phượng cho biết hiện nay, quy hoạch vùng huyện (phía tây vành đai 4) chưa được xây dựng nên gây khó khắn, vướng mắt trong quá trình triển khai đề án.
Để đạt mục tiêu hết năm 2025, huyện Đan Phượng đáp ứng tiêu chuẩn thành lập quận theo chỉ đạo của thành phố; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn, hoàn thiện tiêu chí hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, địa phương đề nghị UBND thành phố 5 nhóm nội dung về quy hoạch, cân đối ngân sách, tiêu chí giao thông, tiêu chí tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chí cơ sở y tế cấp đô thị.
Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị thành phố có cơ chế đặc thù hỗ trợ huyện thành quận cùng với xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao để huyện chủ động đầu tư chỉnh trang đường giao thông.
Đan Phượng cũng đề nghị Sở Xây dựng có hướng dẫn cách tính các tiêu chí đô thị đối với vùng đất bãi, mặt nước sông Hồng, sông Đáy; giao đất theo địa giới hành chính theo địa bàn xã cho các dự án đô thị khi đã hoàn thành công tác GPMB để tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm triển khai.
Địa phương này đề nghị Sở Nội vụ giúp huyện tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ huyện, xã để nâng cao trình độ chuyên môn quản lý đô thị để đáp ứng yêu cầu huyện Đan Phượng trở thành quận.
Hà Nội đã phê duyệt Đề án phát triển lên quận đối với huyện Hoài Đức với mục tiêu huyện lên quận vào năm 2020; đối với 4 huyện còn lại là Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng được đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ lên quận.
UBND TP Hà Nội cũng đã bố trí hơn 10.600 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020 để đầu tư các dự án cấp thành phố trên địa bàn 5 huyện.
Tuy nhiên cho đến nay, cả 5 huyện trên đều có từ 3 đến 6 tiêu chí chưa đạt, trong đó đều chưa đạt hai tiêu chí quan trọng là cân đối thu, chi ngân sách và mật độ đường giao thông đô thị.
Các huyện đều kiến nghị thành phố cho phép được hưởng 100% tiền sử dụng đất thu được từ các dự án được giao đất có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn; được hưởng 100% khoản thu thuế phát sinh; tăng cường phân cấp cho cấp huyện đầu tư lĩnh vực giao thông…
Theo các đề án đã ban hành, để xây dựng huyện thành quận, có 27 tiêu chuẩn đạt quận, trong đó có 6 tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế xã hội; 21 tiêu chuẩn về trình độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị (gồm 8 nhóm các tiêu chuẩn về hệ thống công trình hạ tầng xã hội, 4 nhóm các tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật đô thị, 5 nhóm các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, 4 nhóm các tiêu chuẩn về kiến trúc cảnh quan đô thị).