Vừa qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đan Phượng đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long (đoạn từ đường vành đai 3,5 đến Kênh Đan Hoài). Đơn vị tư vấn lập báo cáo là CTCP Dịch vụ và Phát triển Trường Thành.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011, tuyến đường Tây Thăng Long được xác định là tuyến đường giao thông chính kết nối khu vực Tây Hồ Tây và phía Bắc cầu Thăng Long với Khu đô thị Sơn Tây, là tuyến đường có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các quận Bắc từ Liêm, Nam Từ Liêm, huyện Đan Phượng, huyện Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây.
Hiện tại, đoạn từ đường Võ Chí Công đến đường Phạm Văn Đồng đã được đầu tư, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến hết địa phận quận Bắc Từ Liêm (đến đường vành đai 3,5) đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư.
Còn đường Tây Thăng Long (Đoạn từ đường vành đai 3,5 đến đường kênh Đan Hoài) thuộc địa phận huyện Đan Phượng nằm trên tuyến đường trục Tây Thăng Long của Thành phố.
Theo quy hoạch, đoạn tuyến có chiều dài khoảng 5,8 km, quy mô mặt cắt ngang rộng 40 - 60,5 m (loại đường trục chính đô thị) là trục đường huyết mạch và quan trọng phía Nam Sông Hồng nhằm kết nối đường Tây Thăng Long với đường vành đai 3,5 và đường vành đai 4.
Dự án hoàn thành cùng với các đoạn tuyến trên đường trục Tây Thăng Long đã và đang được đầu tư tạo thành tuyến đường huyết mạch và thông suốt nối từ khu vực Tây Hồ Tây đến huyện Đan Phượng, kết nối giao thông liên khu vực.
Ngoài ra còn kết nối với các trục đường quy hoạch của thành phố và của huyện Đan Phượng đã và đang được đầu tư nhằm giảm tải cho đường 32 và tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân.
Tuyến đường Tây Thăng Long (Đoạn từ đường vành đai 3,5 đến đường kênh Đan Hoài) đi qua các xã Tân Lập, Tân Hội và Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Diện tích đất chiếm dụng của dự án là 32,6 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm khoảng 30,8 ha; đất ở hơn 0,9 ha và đất khác hơn 0,9 ha.
Nhìn chung, dự án có tổng chiều dài khoảng 5,8 km, chủ yếu đi qua đất nông nghiệp. Dự án sẽ chiếm dụng đất thổ cư 9.125 m2 của 86 hộ dân. Các hộ di dời này đều là các hộ định cư nhiều năm tại khu vực
Về hiện trạng, 600 m đầu tiên của tuyến đi qua đất nông nghiệp, đất đường giao thông, đất kênh mương và đất lưu không. Không qua đất ở, không có công trình kiến trúc bị chiếm dụng.
Đoạn tiếp theo (Km0+600-Km0+700) dài khoảng 100 m, dự án đi qua đất nông nghiệp, đất đường giao thông và đất thổ cư.
Đoạn tiếp theo (K0+700-Km2+300) dài khoảng 1.600 m đi qua hoàn toàn là đất nông nghiệp, đất đường giao thông, đất kênh mương và đất lưu không. Không qua đất ở, không có công trình kiến trúc bị chiếm dụng.
Đoạn tiếp theo (Km2+300-Km2+900) dài khoảng 500 m, dự án đi qua đất nông nghiệp, đất đường giao thông và đất thổ cư.
Đoạn tiếp theo (Km2+900-cuối tuyến) dài khoảng 2.831 m đi qua hoàn toàn là đất nông nghiệp, đất đường giao thông, đất kênh mương và đất lưu không. Không qua đất ở, không có công trình kiến trúc bị chiếm dụng.
Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt, vận tốc thiết kế của tuyến đường là 80 km/h. Theo quy hoạch, tuyến đường được đầu tư với quy mô mặt cắt ngang rộng 60,5 m (đoạn từ đường vành đai 3,5 đến vành đai 4 dài khoảng 4,6 Km) và rộng 40 m (đoạn từ đường vành đai 4 đến kênh Đan Hoài dài khoảng 1,2 km).
Cụ thể, đoạn từ đường vành đai 3,5 đến đường vành đai 4 có bề rộng 60,5 m, gồm mặt đường 38,5 m, vỉa hè 16 m và dải phân cách giữa 6 m.
Đoạn từ đường vành đai 4 đến đường kênh Đan Hoài có bề rộng 40 m, gồm mặt đường 21 m, vỉa hè 12 m và dải phân cách 7 m.
Toàn tuyến sẽ đi qua 10 nút giao. Các vị trí nút giao với các tuyến đường hiện hữu được thiết kế hình thức giao bằng dạng ngã tư, bố trí các đảo tam giác dẫn hướng, các nhánh rẽ phải được bố trí làn riêng.
Các đường giao dân sinh (đường thôn, xóm, đường nội đồng) được thiết kế vuốt nối đơn giản vào tuyến với bán kính rẽ 3,5 - 15 m. Mặt cắt dọc nối từ đường chính, theo độ dốc ngang của đường chính, rồi nối êm thuận vào mặt đường ngang hiện hữu; toàn bộ dự án có 17 vị trí vuốt nối dân sinh. Chỉ thiết kế vuốt nối trong phạm vi chỉ giới (không thiết kế vỉa hè, có mở dải phân cách, kết cấu mặt đường phạm vi vuốt nối tương đồng với phạm vi tuyến chính).
Tổng mức đầu tư của dự án này là gần 1.299 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Hà Nội. Trong đó, chi phí bồi thường GPMB hơn 496 tỷ đồng; chi phí xây dựng 695 tỷ đồng; còn lại là chi phí thiết bị, quản lý, tư vấn...
Về tiến độ, dự án được thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2026. Cụ thể, từ nay đến 2025, sẽ lập và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (phân kỳ đầu tư GĐ1); thực hiện công tác bồi thường, GPMB và tái định cư.
Giai đoạn sau 2025, sẽ triển khai đấu thầu và thi công tuyến dự án. Dự án dự kiến được phân thành 1 gói thầu. Dự kiến tiến độ thi công và hoàn thành toàn bộ các hạng mục xây lắp của dự án khoảng 48 tháng.
Quy hoạch 14:11 | 16/01/2025
Quy hoạch 15:11 | 15/01/2025
Chủ đầu tư 07:00 | 11/01/2025
Quy hoạch 13:58 | 06/01/2025
Dự án 19:00 | 05/01/2025
Dự án 07:00 | 03/01/2025
Quy hoạch 19:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 13:30 | 02/01/2025