Trả lời vấn đề liên quan đề xuất cho một số phương tiện đi chung làn đường BRT, ông Tuấn cho biết: Đây mới chỉ là phương án đề xuất của một đơn vị chuyên môn thuộc Sở GTVT Hà Nội.
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, đến thời điểm này, làn đường BRT vẫn là làn đường riêng, không có tuyến buýt nào khác đi chung. |
“Đến thời điểm này, tuyến BRT vẫn là tuyến riêng, không có tuyến buýt nào đi vào đó”, ông Tuấn nói.
Cũng liên quan đến BRT, ông Tuấn cho biết: Trước đây, thành phố có chủ trương xây dựng tuyến BRT số 2 từ Kim Mã đi Láng Hòa Lạc. Tuy nhiên hiện nay, thành phố đang chỉ đạo triển khai tuyến đường sắt đô thị số 5 lên Láng Hòa Lạc nên hai tuyến này có sự trùng lặp.
“Trong năm nay, thành phố sẽ báo cáo Chính phủ và Quốc hội thông qua dự án này. Thời gian vừa qua, Sở cũng đã báo cáo thành phố, triển khai tuyến buýt từ Kim Mã lên Láng Hòa Lạc, tới tận Làng văn hóa các dân tộc để phục vụ nhu cầu của người dân”, ông Tuấn nói.
Trước đó, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, đang rà soát, nghiên cứu đề xuất cho các xe buýt thường đi cùng làn buýt nhanh BRT từ 4h – 23h hàng ngày; các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23h đến 4h ngày hôm sau.
Trả lời Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết: Sau 1 năm chính thức đi vào vận hành, tuyến buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội vận chuyển được gần 5 triệu lượt hành khách. Tỷ lệ xe xuất bến đúng giờ đạt 98,7%. Vận tốc chạy xe ổn định, đúng kế hoạch do được hoạt động trong làn đường dành riêng, ít bị tác động bởi tình trạng ùn tắc giao thông. Theo khảo sát của Trung tâm, đa phần hành khách hài lòng và đánh giá cao chất lượng dịch vụ của tuyến BRT đầu tiên này.
Để nâng cao hiệu quả và năng lực của tuyến BRT, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị đang tổng hợp, rà soát tuyến để chuẩn bị cho một số đề xuất trong thời gian tới. Theo đó, từ 4h – 23h hàng ngày cho các xe buýt thường được sử dụng chung làn đường buýt nhanh BRT. Các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23h đến 4h ngày hôm sau. Đồng thời, sẽ xén hè để di chuyển 10 điểm dừng xe buýt tiếp cận với nhà chờ BRT nhằm giảm khoảng cách đi bộ của hành khách trung chuyển với xe buýt thường xuống dưới 100m.
Trung tâm cũng đề xuất cải thiện hạ tầng cho người khuyết tật sử dụng xe lăn tiếp cận nhà chờ BRT; bố trí dải phân cách cứng giữa làn BRT và làn đường giao thông chung để hạn chế tình trạng các phương tiện khác đi lấn vào làn đường BRT.
Đồng thời, tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà chờ của tuyến BRT tạo thuận lợi để hành khách gửi xe cá nhân chuyển sang sử dụng tuyến BRT; rà soát và lắp đặt đèn tín hiệu ưu tiên cho hành khách sang đường tiếp cận nhà chờ sử dụng BRT...
Tuyến buýt nhanh BRT01 tới đây sẽ được tăng cường các dịch vụ tiện ích nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách như: sử dụng thẻ vé điện tử; bổ sung bảng thông tin cho hành khách, thông báo bằng âm thanh tại các nhà chờ; nghiên cứu và thiết kế, bố trí thêm nhà vệ sinh tại một số nhà chờ chính.
Theo ông Hải, do xe buýt BRT chỉ hoạt động từ 4h đến 23h, nên sau khoảng thời gian này các xe buýt khác có thể đi vào là phù hợp, không ảnh hưởng gì đến hoạt động của tuyến BRT. “Đơn vị mới chỉ đang trong giai đoạn khảo sát, tổng hợp thông tin, dự kiến trong quý I/2018 sẽ đề xuất thành phố”, ông Hải nói.