Hà Nội đóng cửa các quán ăn đường phố, quán trà đá, cafe để phòng chống Covid-19

Chiều 15/2 (mùng 4 Tết Tân Sửu 2021), Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã.

Đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố và đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.

Hà Nội đóng cửa các quán ăn đường phố, quán trà đá, cafe để phòng chống Covid-19 - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại phiên họp.

Tăng cường giám sát, kiểm tra

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, đối với Hà Nội, suốt chặng đường vừa qua (kể từ ngày 27/1 đến nay), cả hệ thống chính trị toàn Thành phố đã được kích hoạt vào cuộc kịp thời, khẩn trương, quyết liệt, chủ động trong tất cả các khâu từ chỉ đạo đến tổ chức thực hiện; trong công tác truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời có những giải pháp phù hợp.

Thực tiễn trong thời gian qua, chúng ta đã đuổi kịp, làm chủ tình hình và kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn. Những ca F0 mới xuất hiện trong những ngày qua hầu hết đã được kiểm soát và đã được chủ động xử lý trước đó. 

Kết quả, đã đảm bảo lời hứa với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố là kiểm soát dịch, đảm bảo nhân dân trên địa bàn Thủ đô đón tết an vui, ấm áp, an toàn trước dịch bệnh; đồng thời, vẫn đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh, giao thương hàng hóa và mọi hoạt động quan trọng khác của đời sống xã hội…

Hà Nội đóng cửa các quán ăn đường phố, quán trà đá, cafe để phòng chống Covid-19 - Ảnh 2.

Quang cảnh phiên họp tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội

Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh: Có được những điều này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhưng trước hết là những lực lượng tuyến đầu. Muốn làm tốt, mọi thứ đều bắt đầu tư cơ sở, Hà Nội được đánh giá rất cao với hơn 10 nghìn tổ giám sát cộng đồng phối hợp rất chặt chẽ với các đoàn thể và các lực lượng khác để đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, trên cơ sở đó, đóng góp hiệu quả công tác kiểm soát dịch.

Tuy nhiên, với việc phát hiện bệnh nhân mới người Nhật Bản tử vong tại khách sạn Somerset West Point, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lưu ý các lực lượng cần phải tập trung, nhanh chóng việc truy vết, dập dịch. Hiện nay, theo Chỉ thị 03 của UBND thành phố, Hà Nội cũng đã xây dựng các kịch bản trong hoạt động phòng, chống dịch trước, trong và sau Tết, trong đó, thành phố luôn đặt công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu.

Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý với Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch thành phố những công việc thời gian tới, khi Nhân dân các địa phương khác trở lại Hà Nội làm việc sau kỳ nghỉ Tết, đó là: Cần phải có phương án kiểm soát tình hình dịch, tổ chức khai báo y tế đối với những người từ các vùng dịch, trong đó, không loại trừ có cả người dân từ tỉnh Hải Dương (hiện đang thực hiện cách ly toàn tỉnh), Quảng Ninh, Hải Phòng; cần tăng cường hoạt động của các tổ giám sát cộng đồng, cảnh sát khu vực và các đoàn thể khác; các nhà trọ cần phải nắm bắt tình hình những người đến lưu trú; cung cấp đầy đủ trang thiết bị y tế cho đội ngũ phòng, chống dịch; lực lượng y tế phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị, các địa phương cần phải quản lý tốt các hoạt động đầu Xuân. Mặc dù thành phố đã dừng các hoạt động lễ hội nhưng người dân vẫn đi lễ chùa đầu năm khá đông, vì thế, các địa phương cần yêu cầu các cơ sở tín ngưỡng, đình, đền chùa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. 

“Chúng ta đã làm tốt rồi nhưng vẫn cần làm tốt hơn nữa, tăng cường giám sát, kiểm tra để kiểm soát tốt hơn nữa tình hình dịch”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Giám sát y tế những người từ vùng dịch về Hà Nội

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong các ngày 13-15/02, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 5 ca mắc mới. Tính riêng đến 12h, ngày 15/02, Hà Nội ghi nhận 2 trường hợp mới dương tính.

Lũy tích đợt 4, Hà Nội ghi nhận 35 ca mắc; có 1.028 F1, trong đó, có 55 trường hợp F1 mới. Thành phố đã xét nghiệm được 1.028 trường hợp, trong đó có 29 trường hợp dương tính, 947 trường hợp âm tính còn lại 52 chưa có kết quả. Số F2 là 10.970, trong đó, có 198 trường hợp mới.

Hà Nội đã thực hiện xét nghiệm hơn 18.000 người đi từ vùng dịch Hải Dương, Quảng Ninh từ ngày 01/01/2021; xét nghiệm hơn 17.000 người tại các điểm có liên quan đến ca mắc tại Hà Nội; xét nghiệm cho hơn 12.000 người tại Sân bay quốc tế Nội Bài.

Nhận định nguy cơ về dịch bệnh bùng phát trong thời gian tới vẫn ở mức cao, đặc biệt là sau Tết khi người dân từ các tỉnh, thành khác trở lại Hà Nội làm việc, Sở Y tế Hà Nội đề xuất, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền người dân thực hiện phòng, chống dịch theo “khuyến cáo 5K”, trong đó đặc biệt là yêu cầu bắt buộc nhân dân đeo khẩu trang; các cơ quan công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn cần nghiêm túc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch đạc biệt là những người lao động từ các tỉnh, thành khác trở về Hà Nội làm việc. 

Riêng với những người trở về từ vùng dịch trong đó có Hải Dương, Quảng Ninh… cần phải được giám sát y tế chặt chẽ.

Báo cáo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quận Tây Hồ, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Đình Khuyến cho biết, ngay khi phát hiện ca mắc mới, quận đã tiến hành phong tỏa, phun khử khuẩn Khách sạn Somerset West Point. 

Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm khách và nhân viên khách sạn tại đây và đều cho kết quả âm tính. Liên quan đến bệnh nhân Nhật Bản nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trên địa bàn quận Tây Hồ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu quận Tây Hồ phải tiến hành truy vết cả với những trường hợp F3.

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, quận đã phun khử khuẩn toà nhà 23 Phan Chu Trinh có liên quan đến bệnh nhân người Nhật Bản; lấy mẫu xét nghiệm 105 người, thực hiện tuyên truyền và xử phạt những người không đeo khẩu trang. Trong ngày mùng 3 Tết, quận xử phạt 10 trường hợp không đeo khẩu trang. 

Trong khi tại quận Ba Đình, đã thực hiện truy vết những trường hợp liên quan đến bệnh nhân N.T.H, thực hiện lẫy mẫu, xét nghiệm. Hiện kết quả xét nghiệm bố mẹ của bệnh nhân này đã cho kết quả âm tính. Huyện Mê Linh cho biết tiếp tục kiểm soát chặt chẽ ổ dịch tại xã Chiến Thắng.

Sẵn sàng phương châm “4 tại chỗ” với mọi kịch bản

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng đánh giá, trong 2 ngày qua, tình hình dịch có diễn biến mới, có nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng, khi các bệnh nhân này có lịch trình di chuyển phức tạp, truy vết khó khăn.

Hà Nội đóng cửa các quán ăn đường phố, quán trà đá, cafe để phòng chống Covid-19 - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng phát biểu kết luận phiên họp.

Trước tình hình đó, đồng chí Chử Xuân Dũng đề nghị các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, UBND thành phố Hà Nội, trong đó, có Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 3/2/2021 về việc thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố đồng ý với đề xuất của các đơn vị. Trong đó, Thành phố đồng ý đóng cửa các quán ăn đường phố, các quán trà đá, cafe; tạm thời dừng việc mở cửa các điểm di tích; thống nhất đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo cho học sinh các cấp tạm dừng đến trường nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến hết ngày 28/02. Trong thời gian này, các trường, các đơn vị tổ chức dạy học trực tuyến qua internet để đảm bảo chương trình học tập.

“Theo CDC Hà Nội, nguy cơ bệnh nhân người Nhật có thể phát bệnh từ ngày 02/02 nên nguy cơ với cộng đồng rất cao. Các sở ngành phải quán triệt nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và Chủ tịch UBND Thành phố”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, đồng thời, yêu cầu các quận, huyện, thị xã, lực lượng y tế phải tập trung cao độ, thần tốc truy vết, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2, F3 liên quan đến các ca bệnh mới phải theo dõi y tế chặt chẽ.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố giao CDC Hà Nội lên phương án xét nghiệm mẫu ngẫu nhiên ở các khu công nghiệp, nhất là các điểm có người đi từ các tỉnh, thành phố có dịch trở về, những nơi có chuyên gia nước ngoài làm việc để có sàng lọc sớm, tránh rủi ro.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng nâng cao hơn nữa mức an toàn ở các bệnh viện, phòng khám, khách sạn nơi có người cách ly; xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang; các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, khẩn trương với các trường hợp người dân về từ vùng dịch, lấy mẫu xét nghiệm người về từ Cẩm Giàng, Hải Dương; khuyến cáo các trường hợp này hạn chế đi ra ngoài nếu không cần thiết, theo dõi sức khỏe thường xuyên.

Các địa phương sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” với mọi kịch bản, tình huống bởi dự kiến trong những ngày tới Hà Nội sẽ có thể có thêm những trường hợp F0; Sở GTVT chú ý các phương án đảm bảo an toàn trong vận chuyển hành khách...

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.