Hà Nội dự kiến năm 2025 tăng hơn 350 tỷ đồng vốn đầu tư công

Hà Nội dự kiến nguồn vốn đầu tư công năm 2025 sẽ tăng 358,903 tỷ đồng so với năm 2024.
Ngày 1/7, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân đã trình bày tờ trình điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công cấp thành phố năm 2024 và định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2025 của thành phố Hà Nội và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố. Theo đó, Hà Nội dự kiến nguồn vốn đầu tư công năm 2025 sẽ tăng 358,903 tỷ đồng so với năm 2024.

Tại tờ trình này, UBND thành phố Hà Nội đề xuất HĐND thành phố thông qua chủ trương điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024. Cụ thể, đối với nguồn vốn ODA, điều hòa 6,03 tỷ đồng nguồn ODA cấp phát và 2,97 tỷ đồng nguồn ODA vay lại của dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhồn - ga Hà Nội (Dự án tuyến 3.1) để bổ sung cho dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án Đường sắt đô thị số 3 Hà Nội.
 
Đối với nguồn ngân sách trung ương trong nước, điều hòa kế hoạch vốn giữa các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1.1 của Dự án xây dựng Vành đai 4 Thủ đô. Cụ thể, điều chỉnh giảm 100 tỷ đồng giao huyện Thanh Oai; 10 tỷ đồng của huyện Sóc Sơn và điều chỉnh tăng 110 tỷ đồng cho quận Hà Đông. 

Đối với nguồn ngân sách thành phố trong nước, điều chính giảm 2.516,372 tỷ đồng của các nhiệm vụ, nguồn vốn. Cụ thể, điều chỉnh giảm 180,069 tỷ đồng nguồn vốn dự nguồn phân bổ cho các nhiệm vụ nhưng đến nay chưa phân bổ chi tiết cho các dự án; điều chỉnh giảm 1.785,778 tỷ đồng kế hoạch vốn các dự án, gồm: 1.653,744 tỷ đồng của 29 dự án cấp thành phố; 12 tỷ đồng của nhiệm vụ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội; 120,034 tỷ đồng của 32 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ mục tiêu; điều chỉnh giảm 550,525 tỷ đồng nguồn vốn bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Bên cạnh đó, nguồn ngân sách thành phố trong nước cũng điều chỉnh tăng kế hoạch vốn năm 2024 là 2.516,372 tỷ đồng cho 202 nhiệm vụ, dự án do có khả năng thực hiện, giải ngân tốt, gồm: Dự án cấp thành phố bổ sung 1.289,547 tỷ đồng cho 64 dự án và Dự án cấp huyện sử dụng ngân sách thành phố hỗ trợ mục tiêu bổ sung 1.205,025 tỷ đồng cho 137 dự án đã được HĐND thành phố quyết nghị ngân sách thành phố hỗ trợ mục tiêu. Sau phương án điều chỉnh, còn 6.184,342 tỷ đồng thực hiện theo cơ chế thanh toán linh hoạt (giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư, quy hoạch, quyết toán dự án hoàn thành, thiết kế bản vẽ thi công) và hoàn trả vốn ứng cho Quỹ đầu tư phát triển thành phố.

Về nguồn vốn đầu tư công năm 2025 dự kiến 81.392,083 tỷ đồng, tăng 358,903 tỷ đồng so với năm 2024. Phương án dự kiến phân bổ Kế hoạch đầu tư công năm 2025 cấp thành phố (63.742,083 tỷ đồng), trong đó bố trí vốn thu hồi ứng trước, hoàn trả quỹ đầu tư phát triển thành phố, vốn giải ngân theo cơ chế thanh toán linh hoạt, hỗ trợ địa phương bạn là 3.299,14 tỷ đồng; vốn phân bổ thực hiện dự án đầu tư công thành phố là 48.602,007 tỷ đồng; vốn bố trí thực hiện dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia là 1.431,51 tỷ đồng; ngân sách thành phố hỗ trợ mục tiêu cấp huyện là 10.409,426 tỷ đồng.

Mục tiêu của kế hoạch đầu tư công năm 2025 à sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển năm 2025 nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đã đề ra và các Chương trình của Thành ủy, Nghị quyết của HĐND thành phố đã quyết nghị; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm cơ cấu đầu tư hài hoà, hợp lý, hiệu quả giữa các địa bàn, lĩnh vực, vừa gia tăng động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước, Thủ đô.

Về cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố, đến nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 248.034,036 tỷ đồng, còn 6.281,69 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết. Theo đó, căn cứ kết quả đánh giá tính khả thi của các nguồn lực đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị đã rà soát khả năng thực hiện, giải ngân của các dự án, đề xuất phương án điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn để đảm bảo phù hợp với nguồn lực đầu tư công trung hạn và khả năng triển khai thực tế của các dự án.
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.