Hà Nội dự kiến rót ít nhất 50 nghìn tỷ đồng cho các tuyến metro giai đoạn 2021 – 2025, chưa kể hai đoạn tuyến hơn 100 nghìn tỷ khởi công mới

Theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của UBND TP Hà Nội, dự kiến ngân sách đầu tư trung hạn của thành phố cho lĩnh vực giao thông là 83.337,6 tỷ đồng, trong đó, đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị ít nhất là 50.691,803 tỷ đồng.

Tại cuội họp diễn ra tháng 9 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025. Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn của toàn thành phố là 304.799,7 tỷ đồng. Trong đó ngân sách cho lĩnh vực giao thông là 83.337,6 tỷ đồng.

Theo Báo cáo kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2021 - 2025 mà UBND TP Hà Nội trình tại cuộc họp thì Thủ đô sẽ ưu tiên phân bổ ưu tiên nguồn vốn giao thông cho các đường vành đai (VĐ 2,5; VĐ 3; VĐ 3,5; VĐ 4...); các cầu lớn qua sông (cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; cầu Thượng Cát); các trục hướng tâm, liên kết vùng (quốc lộ 6, nâng cấp quốc lộ 32, quốc lộ 1A cũ, quốc lộ 21B, đường nối cao tốc Láng Hòa Lạc với đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình); các trục chính đô thị thuộc kết cấu hạ tầng khung và các đường tỉnh lộ; cũng như đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch.

Hà Nội dự kiến rót ít nhất 50 nghìn tỷ đồng cho các tuyến đường sắt đô thị giai đoạn 2021 – 2025, chưa kể hai đoạn tuyến quy mô hơn 100 nghìn tỷ khởi công mới - Ảnh 1.

Nhà ga S5 ở nút giao Trần Vỹ - Hồ Tùng Mậu, ảnh chụp vào tháng 4/2021. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Trong giai đoạn này, thành phố đưa vào vận hành hai tuyến đường sắt đô thị vận tải hành khách khối lượng lớn, tốc độ cao là tuyến số 2A (Cát Linh - Hà Đông) và tuyến số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội); đồng thời khởi công tuyến đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo); hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt đô thị số 3.2 (Trần Hưng Đạo - Hoàng Mai) và tuyến đường sắt số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc).

Tuyến đường sắt đô thị đoạn từ Nhổn tới Ga Hà Nội (tuyến số 3) có chiều dài 12,5 km với 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Tổng mức đầu tư cho tuyến này là 32.910 tỷ đồng đến từ ba nguồn: vốn nước ngoài (ODA), vốn ODA vay lại và vốn trong nước.

Kế hoạch vốn giai đoạn 2021 – 2025 cho tuyến số 3 là 17.740,607 tỷ đồng; trong đó kế hoạch vốn năm 2021 sau điều chỉnh là 4.934,795 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư để tăng cường giao thông đô thị bền vững cho tuyến đường sắt số 3 là 1.296,9 tỷ đồng, chi tiêu cho các hạng mục cải tạo, xây dựng hệ thống tiếp cận và điểm trung chuyển, thí điểm sử dụng buýt thân thiện môi trường.

Hà Nội dự kiến rót hơn 50 ngàn tỷ đồng cho các tuyến đường sắt đô thị giai đoạn 2021 – 2025 - Ảnh 2.

Sơ đồ tuyến metro số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. (Nguồn: Ban Quản lý đường sắt đô thi Hà Nội).

Ngoài ra, thành phố cũng chi 121,8 tỷ đồng hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác quản lý dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3); và 68,253 tỷ đồng cho hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé liên thông cho vận tải công cộng Hà Nội.

Về dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn từ Nam Thăng Long tới Trần Hưng Đạo (tuyến số 2), toàn tuyến gồm 7 ga ngầm và ba ga trên cao với tổng chiều dài là 11,5 km, trong đó, 8,5 km đường đi ngầm và 3 km đi trên cao.

Dự án tuyến đường sắt số 2 đang làm thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư thành 35.000 tỷ đồng (trước đó là 19.555 tỷ đồng). Kế hoạch vốn giai đoạn 2021 – 2025 tổng số là 31.120,508 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2021 sau điều chỉnh là 842,1 tỷ đồng.

Tuyến đường sắt số 3.2, đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai, thời gian thực hiện dự kiến 2022 – 2026; tổng vốn đầu tư 40.577 tỷ đồng và Tuyến đường sắt số 5 (Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc), thời gian thực hiện dự kiến 2021 – 2026; tổng vốn đầu tư 65.000 tỷ đồng; là hai dự án nằm trong trong danh mục các dự án khởi công mới cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hằng năm theo tiến độ thực tế của thành phố.

chọn
Dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng có thể tìm đến đất nền
Theo các chuyên gia VARS, dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng bắt đầu tìm các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn, trong đó có bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền giá không quá cao, tiềm năng sinh lời lớn.