Hà Nội: Huy động phụ huynh 'tự nguyện' đóng góp làm mái che trăm triệu

Ban phụ huynh Trường Mầm non An Khánh B đề nghị phụ huynh mỗi học sinh đóng góp từ 100.000 – 150.000 đồng nhưng không thông báo và lấy ý kiến rộng rãi.

Phiếu lấy ý kiến: Người có, người không

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh có con đang theo học tại Trường mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội), từ ngày 16/12 họ được giáo viên của các bé phát cho một tờ phiếu để lấy ý kiến việc xây mái che.

Theo nội dung ghi trong tờ phiếu, ban đại diện cha mẹ học sinh của trường đưa ra hai phương án: Một là chỉ làm mái che ở chính giữa sân trường không có mái le hai bên; Hai là làm cả chính giữa và có mái le hai bên.

ha noi huy dong phu huynh dong gop sai quy dinh lam mai che tram trieu
Mặt trước của tờ phiếu lấy ý kiến về việc xây dựng nhà vòm (Ảnh: Đình Tuệ).
ha noi huy dong phu huynh dong gop sai quy dinh lam mai che tram trieu
Tờ phiếu lấy ý kiến của phụ huynh do Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường mầm non An Khánh B phát ra (Ảnh: Đình Tuệ).

Ở phương án 1, diện tích mái che 240m2, đơn giá 350.000 đồng/m2. Chi phí sẽ là 240 x 350.000 = 84.000.000 đồng. Ở phương án 2, riêng diện tích mái le hai bên là 73m2 với đơn giá 300.000 đồng/m2, chi phí là 73 x 300.000 = 21.900.000 đồng. Cộng cả chi phí mái che chính giữa như phương án 1, tổng chi phí sẽ là: 84.000.000 + 21.900.000 = 105.900.000 đồng.

Theo tờ phiếu lấy ý kiến này, tương ứng mỗi cháu sẽ phải đóng góp tối thiểu lần lượt là 100.000 và 150.000 đồng cho từng phương án. Tuy nhiên, trong tờ phiếu cũng ghi thêm nội dung khuyên phụ huynh nên “lưu ý” hơn phương án 2 với lý do thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động chăm sóc trẻ.

Chị N.T.H. (SN 1984, ở xã An Khánh, có con học lớp 4 tuổi) bức xúc: “Từ đầu năm phụ huynh chúng tôi đã phải đóng quá nhiều khoản. Từ các khoản quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh… đều dưới hình thức ‘tự nguyện’. Mới vào học mỗi nhà đã mất cả tiền triệu đóng góp rồi, ai cũng xót ruột nên việc này chúng tôi còn đang nghiên cứu”.

ha noi huy dong phu huynh dong gop sai quy dinh lam mai che tram trieu
Khuôn viên Trường mầm non An Khánh B (Ảnh: Đình Tuệ).

Còn theo chị C.T.L. (SN 1977, có con học lớp 5 tuổi) chia sẻ, dù là xã hội hóa hay tự nguyện vẫn phải dựa trên cơ sở thực tế. “Tại sao lại có mức chi phí dự trù cao như vậy? Với các cháu học lớp 3 tuổi với 5 tuổi đều phải đóng chung một mức tiền như thế có công bằng không? Chính quyền địa phương và phòng giáo dục chẳng lẽ không hỗ trợ kinh phí cho nhà trường làm việc này?”, chị L. nêu thắc mắc.

Trong quá trình ghi nhận, nhiều phụ huynh còn cho biết họ chưa hề được nhận tờ phiếu thông báo nào và chưa hay biết gì về kế hoạch xây nhà vòm cho học sinh.

“Gia đình tôi vẫn cho cháu đi học đều mà chưa thấy cô giáo phát tờ thông báo lấy ý kiến gì cả. Mọi cái đều phải thông qua phụ huynh lớp chứ, nhưng chúng tôi vẫn chưa hề biết được thông tin gì về việc này. Nếu mức đóng không hợp lý thì tôi sẽ không đóng, bao nhiêu khoản cứ đổ đầu các cháu bắt đóng thì làm sao bố mẹ chịu được”, chị Chu Thị A. (SN 1993, có con học lớp 2 tuổi) nói với phóng viên.

Liệu có vi phạm Điều lệ ban cha mẹ học sinh?

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, bà Lương Thị Hương – Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường cho hay, ý tưởng làm mái che cho các cháu chỉ được ban phụ huynh trường tổ chức họp lấy ý kiến trưởng ban phụ huynh ở các lớp, chưa lấy ý kiến của tất cả các phụ huynh trong trường. Việc nhiều phụ huynh vẫn chưa hay biết đến kế hoạch này là do trưởng ban phụ huynh lớp đó chưa thông báo.

ha noi huy dong phu huynh dong gop sai quy dinh lam mai che tram trieu
Có lớp sĩ số lên tới gần 60 cháu /lớp (Ảnh: Đình Tuệ).

Bà Hương cũng cho biết thêm hiện chưa chốt phương án xây dựng, bảng báo giá cũng như chi phí đóng góp cụ thể theo từng nhóm tuổi của trẻ. "Việc này sẽ phải huy động dưới hình thức xã hội hóa, nếu hơn 50% số phụ huynh đồng ý chúng tôi mới tiến hành làm”, bà Hương nói.

Theo tìm hiểu, Điểm b, khoản 4, điều 10, chương II của Thông tư 55/2011 của Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, nêu rõ: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học, trong đó có các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó có việc mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Tuy nhiên, trước thông tin phóng viên đưa ra, bà Hương vẫn lý giải rằng việc huy động này (dù đang là kế hoạch) vẫn không hề vi phạm Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh (!). Theo vị này, đây là hoạt động “nâng cấp, sửa chữa” cơ sở vật chất chứ không phải công trình xây dựng cơ bản cho nhà trường và "ban phụ huynh trường muốn làm một công trình mang tính lâu dài “tặng” cho các thế hệ về sau".

ha noi huy dong phu huynh dong gop sai quy dinh lam mai che tram trieu
Bà Phạm Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Mầm non An Khánh B (Ảnh: Đình Tuệ).

Trả lời phỏng vấn phóng viên, bà Phạm Thị Nga – Hiệu trưởng Trường Mầm non An Khánh B xác nhận việc lấy ý kiến huy động học sinh đóng góp để làm mái che là do Ban đại diện cha mẹ học sinh trường đứng ra tổ chức và thực hiện. Các cô giáo đứng lớp đã phát các tờ phiếu lấy ý kiến cho các phụ huynh khi đến đón con.

Trái với thông tin phóng viên ghi nhận được từ nhiều phụ huynh của Trường Mầm non An Khánh B, bà Nga cho rằng "phía phụ huynh cũng hiểu và đồng cảm với nhà trường để lên kế hoạch xây nhà vòm (mái che - PV)".

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh tới độc giả về sự việc này.

Theo Điểm b, khoản 4, điều 10, chương II của Thông tư 55/2011 của Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh nêu rõ: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:

a) Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.

b) Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.