Hà Nội: Mục tiêu đến năm 2025 xây dựng 46/159 CCN còn lại, hoàn thành loạt dự án giao thông trọng điểm

TP Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng 46/159 cụm công nghiệp còn lại theo quy hoạch đến năm 2025, đồng thời, tập trung đầu tư thi công và hoàn thành các dự án trọng điểm như vành đai 4, trục Tây Thăng Long, vành đai 2,5, các cầu vượt sông Hồng, một số tuyến đường sắt đô thị và cải tạo chung cư cũ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ và Chương trình số 14-CTr/TU ngày 31/5/2021 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ TP Hà Nội.

Kế hoạch này là căn cứ để các sở, ban, ngành và chính quyền cấp huyện xây dựng kế hoạch cụ thể hóa thành các nhiệm vụ theo chức năng, phạm vi, lĩnh vực quản lý của các cơ quan, đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hoàn thành 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 và các mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô.

Kế hoạch đề ra 12 nhiệm vụ chủ yếu để triển khai thực hiện, trong đó, ưu tiên phát triển kinh tế nhanh và bền vững.


Hà Nội: Mục tiêu đến năm 2025 xây dựng 46/159 CCN còn lại, hoàn thành loạt dự án giao thông trọng điểm - Ảnh 1.

Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng 46/159 cụm công nghiệp còn lại theo quy hoạch đến năm 2025. (Ảnh: Hạ Vũ).

Một trong số đó là hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh thu hút đầu tư, lấp đầy Khu công nghệ cao Hòa Lạc; đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Quang Minh II (huyện Mê Linh), Khu công nghệ cao sinh học (quận Bắc Từ Liêm), Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn. Hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư khu công viên công nghệ phần mềm tại quận Long Biên và huyện Đông Anh; xây dựng 46/159 cụm công nghiệp còn lại theo quy hoạch.

Thành phố cũng đặt ra nhiệm vụ cơ cấu lại ngành du lịch, hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng các dự án như Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi, giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh); Tổ hợp vui chơi đa chức năng – trường đua ngựa huyện Sóc Sơn.

Hà Nội phấn đấu đầu tư một hoặc hai trung tâm mua sắm dành cho khách du lịch. Đồng thời, thành phố quy hoạch và xây dựng chính sách thu hút đầu tư phát triển huyện Ba Vì thành vùng du lịch trọng điểm; hình thành các cụm du lịch Đồng Mô – Sơn Tây – Ba Vì; Hương Sơn – Quan Sơn; núi Sóc – hồ Đồng Quan; Vân Trì – Cổ Loa.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ phát triển và vận hành trung tâm lưu chuyển hàng hóa, trung tâm logistics. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng một trung tâm bán buôn, mua sắm cấp vùng, ba trung tâm logistics, 15 trung tâm thương mại, 80 siêu thị và 107 chợ.

Trong lĩnh vực giao thông, Thủ đô tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thành các dự án trọng điểm như vành đai 4, trục Tây Thăng Long, vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng – Giải Phóng, các cầu vượt sông Hồng (cầu Vân Phúc, cầu Thượng Cát, cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Mễ Sở), cải tạo và nâng cấp quốc lộ 6.

Thành phố sẽ đầu tư và vận hành hai hoặc ba tuyến đường sắt đô thi vận tải hành khách khối lượng lớn, tốc độ cao; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3.2 (ga Hà Nội – Hoàng Mai), tuyến số 5 (Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc), tuyến số 2.3 (đoạn Nam Thăng Long – Nội Bài).

Về lĩnh vực đô thị và phát triển nhà, Hà Nội xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đạt 29,5 m2/sàn/người vào năm 2025.

Thành phố thực hiện cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo các khu chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm, hết niên hạn sử dụng.

 Hà Nội: Mục tiêu đến năm 2025 xây dựng 46/159 CCN còn lại, hoàn thành loạt dự án giao thông trọng điểm - Ảnh 2.

Hà Nội thực hiện cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo các khu chung cư cũ. (Ảnh: Huy Hoàng).

Hà Nội sẽ cải tạo, xây dựng lại hai – ba khu chung cư, chỉnh trang 20 nhà biệt thự và 10 công trình kiến trúc có giá trị được xây dựng trước năm 1954. Triển khai đầu tư một số khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển các đô thị vệ tinh, đặc biệt là xây dựng đô thị vệ tinh Hòa Lạc trên cơ sở quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hình thành các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống,...

Theo Kế hoạch về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội năm 2021, thành phố dự kiến khởi công xây dựng một cụm công nghiệp trong quý I/2021; 23 cụm công nghiệp trong quý II/2021; 13 cụm công nghiệp trong quý III/2021; 6 cụm công nghiệp trong quý IV/2021.

TP Hà Nội cũng đề ra mục tiêu 100% cụm công nghiệp đang hoạt động được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và được quản lý hoạt động theo quy định.

Trong quá trình khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp, Hà Nội phấn đấu hoàn thành hạ tầng kỹ thuật ít nhất 20 cụm công nghiệp; xúc tiến, thu hút đầu tư thành lập mới từ 10-15 cụm công nghiệp. 100% các cụm công nghiệp xây mới có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.