Hà Nội sắp đầu tư làm hai đường liên khu nối QL32, đường 3,5 với đại lộ Thăng Long tại huyện Hoài Đức

Đó là ý kiến của UBND TP Hà Nội sau kiến nghị của cử tri huyện Hoài Đức về việc đẩy nhanh việc thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn huyện.

Cử tri huyện Hoài Đức đề nghị thành phố xem xét, chỉ đạo đẩy nhanh việc thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn huyện Hoài Đức gồm đường liên khu vực nối quốc lộ 32 với đại lộ Thăng Long; nút giao đường 3,5 với đại lộ Thăng Long; đầu tư khớp nối các tuyến đường giữa huyện Hoài Đức với huyện Đan Phượng; sớm xây dựng đường vành đai 4,...

Hà Nội sắp đầu tư làm hai đường liên khu nối QL32, đường 3,5 với đại lộ Thăng Long tại huyện Hoài Đức - Ảnh 1.

Nút giao Đại lộ Thăng Long với Vành đai 3,5. (Ảnh: Hạ Vũ).

Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 18 HĐND TP Hà Nội khóa XV ngày 18/5, UBND TP Hà Nội cho biết đối với đề xuất xây dựng hai tuyến đường liên khu vực nối quốc lộ 32 với đại lộ Thăng Long và nút giao đường 3,5 với đại lộ Thăng Long, Thường trực Thành ủy đã có chỉ đạo về việc xây dựng đề án xây dựng huyện Hoài Đức thành quận Hoài Đức vào năm 2020.

Hiện nay, chiều dài các tuyến đường hiện có của huyện Hoài Đức là 831,5 km/84,39 km2, đạt 9,79 km/km2 (yêu cầu là 10 km/km2).

Vì vậy, để đạt các chỉ tiêu về giao thông đảm bảo đủ các tiêu chuẩn thành quận, việc đề xuất xây dựng ba dự án giao thông khung của huyện Hoài Đức là cần thiết.

UBND thành phố giao Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải, các cơ quan liên quan sắp xếp thứ tự ưu tiên để triển khai đầu tư ba tuyến đường do huyện Hoài Đức đề xuất trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Cổng TTĐT TP Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Trường, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết giai đoạn 2015 - 2020, Hoài Đức tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Tính đến nay, toàn huyện đã triển khai 1.075 dự án với tổng kinh phí 8.700 tỷ đồng; đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng 743 công trình.

Hoài Đức cũng đã thu hút một số dự án thương mại dịch vụ lớn như: Cảng cạn ICD Đức Thượng, các trung tâm thương mại tại thị trấn Trạm Trôi...Ở thời điểm hiện tại, Hoài Đức có gần 3.400 doanh nghiệp, tăng 161,7% so với năm 2015.

Về triển khai Đề án xây dựng huyện Hoài Đức thành quận, huyện đã tập trung làm tốt việc quy hoạch và quản lý quy hoạch để triển khai một số dự án hạ tầng khung như xây dựng 8 tuyến đường giao thông khung với chiều dài 40,52 km; xây dựng 9 tuyến đường trục chính, đường bao các khu dân cư với chiều dài 16 km.

Tính đến nay, Hoài Đức đạt 22/27 tiêu chí lên quận, trong đó đạt 5/6 tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội, 17/21 tiêu chí về phát triển hạ tầng.

Tuy nhiên, huyện còn 5 tiêu chí chưa đạt, như cân đối thu chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị, cơ sở y tế cấp đô thị, đất cây xanh công cộng, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý…

Hà Nội sắp đầu tư làm hai đường liên khu nối QL32, đường 3,5 với đại lộ Thăng Long tại huyện Hoài Đức - Ảnh 2.

Đường Liên khu vực 1 và Lại Yên - Vân Canh đang xây dựng. (Ảnh: Hạ Vũ).

Nhằm hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng khung, hạ tầng giao thông, cuối tháng 12/2020, huyện Hoài Đức khởi công dự án đường Liên khu vực 1 (đoạn từ xã Đức Thượng đến xã Song Phương) với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. 

Tuyến đường có chiều dài 6,49 km, mặt đường rộng 40m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, được kỳ vọng góp phần đẩy mạnh giao thương, thu hút đầu tư các khu đô thị, khu công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Giai đoạn 5 năm tới, huyện Hoài Đức đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 11% trở lên; thu nhập bình quân 95 triệu đồng/người/năm trở lên; tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2020-2025 khoảng 60.000 tỷ đồng. Huyện cũng nỗ lực hết năm 2021 cơ bản hoàn thành các tiêu chí lên quận.

Theo Kế hoạch sử dụng đất huyện Hoài Đức năm 2021, tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 8.492,02 ha. Trong đó diện tích các loại đất được phân bổ trong năm 2021 như sau: đất nông nghiệp có 4.080,80 ha; đất phi nông nghiệp 4.394,77 ha; đất chưa sử dụng 16,44 ha.

Trong danh mục đất phi nông nghiệp, diện tích đất dành cho cụm công nghiệp là 163,42 ha; đất thương mại dịch vụ là 209,25 ha; đất phát triển hạ tầng 1.179,56 ha.

Về danh mục các công trình dự án được đưa vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2021, huyện Hoài Đức có 130 dự án, công trình, tổng diện tích 872,04 ha.

Trong danh mục này có 105 dự án nằm trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 chuyển tiếp sang năm 2021. Một số dự án giao thông sẽ tiếp tục triển khai như: Đường vành đai 3,5 (giai đoạn I, II); tuyến đường Lại Yên - Vân Canh (từ liên khu vực 2 đến đường vành đai 3,5); tuyến đường liên khu vực 8 (từ tỉnh lộ 423 đến đại lộ Thăng Long); tuyến đường liên khu vực 1 từ Đức Thượng đến Song Phương.

Đáng chú ý trong các dự án giao thông là dự án đường vành đai 3,5 - trục đô thị cấp đặc biệt. Dự án có điểm đầu nối với đại lộ Thăng Long, qua địa phận xã An Khánh, huyện Hoài Đức, điểm cuối nối với quốc lộ 32. 

Tuyến đường dài 5,6 km, chạy qua phần lớn trên địa bàn huyện Hoài Đức với các xã An Khánh, Vân Canh, Di Trạch, Kim Chung. Tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 10/2017, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.