Hà Nội ra công văn trước tình trạng trẻ em gặp nạn ở chung cư, khu cao tầng

Trước tình trạng có nhiều tai nạn liên quan đến trẻ em xảy ra tại các chung cư, khu cao tầng, UBND TP Hà Nội ra công văn khẩn tăng cường hoạt động bảo vệ cho nhóm đối tượng này.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành công văn mới về tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, đặc biệt phòng, chống trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố.

Công văn nêu rõ, thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND thành phố đã chỉ đạo một số biện pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch. Môi trường sinh hoạt của trẻ em trên địa bàn thành phố có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, đã có những sự việc đáng tiếc, tai nạn liên quan đến trẻ em xảy ra tại các chung cư, khu cao tầng.

Để tăng cường môi trường an toàn cho trẻ em, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, địa phương cần thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại các văn bản số 1512 ngày 19/5 về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, đặc biệt phòng, chống trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố; văn bản số 1800 ngày 9/6 về việc thực hiện công điện số 04 ngày 1/6 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Hà Nội ra công văn trước tình trạng trẻ em gặp nạn ở chung cư, khu cao tầng - Ảnh 1.

Hà Nội ra công văn trước tình trạng trẻ em gặp nạn ở chung cư, khu cao tầng. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Đồng thời, UBND thành phố giao cơ quan truyền thông của thành phố tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, gia đình thực hiện các biện pháp, tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em; đặc biệt là phòng, chống trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng.

Trước đó, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ việc thương tâm liên quan đến việc trẻ em rơi, ngã tử vong tại các chung cư cao tầng. Sáng 2/7, một cháu bé 5 tuổi rơi từ tầng 11 chung cư Vinaconex 1 (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) theo lối cửa sổ xuống sảnh văn phòng tầng 3 tòa nhà tử vong. 

Trước đó, tối 19/4, bé gái 4 tuổi cũng tử vong vì trèo qua khung cửa sổ tầng 24 tòa G, chung cư Xuân Mai (Yên Nghĩa, Hà Đông).

Chia sẻ với Tiền Phong về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng các chung cư, nhà cao tầng ở nước ta, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, đối với nhà cao tầng, không có ban công chỉ có lô gia. 

Lan can của lô gia cao ít nhất 1 m1, các khe hở giữa các lan can phải cách nhau dưới 10 cm và không được làm thanh ngang để đề phòng việc trẻ tự chân trèo qua lan can, hoặc chui đầu qua được.

Với cửa sổ tại các chung cư, nhà cao tầng không được mở rộng, cửa sổ mở đẩy rộng là phải có chấn song sắt. 

Tuy nhiên theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, để phục vụ công tác cứu hoả, các cửa sổ chung cư, nhà cao tầng hiện nay không được làm chấn song cửa. Do đó hiện nay, cửa sổ nhà cao tầng, chung cư là cửa sổ mở nghiêng, không mở quá 15 độ, để đề phòng không ai trèo qua được.

chọn
Con trai chủ tịch Tân Hoàng Minh: 'Không ngờ hậu quả lớn đến vậy'
Bị cáo Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, khai thực hiện các "biện pháp huy động vốn" để gỡ khó cho công ty nhưng "không lường được hậu quả lớn vậy".