Hà Nội sẽ xây dựng 78 bãi đậu xe ngầm tại 4 quận nội đô

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu bãi đậu xe ở khu vực trung tâm, Hà Nội sẽ xây dựng 78 bãi đỗ xe tại 4 quận nội đô gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Tây Hồ.

Một góc TP Hạ Nội hiện nay. (Ảnh: Zingnews).

Hà Nội là một trong những siêu đô thị có mật độ dân cư cao, tuy nhiên không gian ngầm hầu như vẫn chưa được khai thác nên tình trạng thiếu bãi đậu xe ở khu vực trung tâm ngày càng nghiêm trọng.

Để khắc phục tình trạng này, trong quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050 (được phê duyệt tháng 3/2022), Hà Nội thông qua việc xây dựng 78 bãi đậu xe ngầm ở khu vực bốn quận nội đô là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, các công trình bãi đậu xe ngầm được quy hoạch xây dựng tối đa năm tầng ngầm. Theo Báo Chính phủ.

Thời gian qua, TP Hà Nội cũng đã lên kế hoạch đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng các bãi đậu xe ngầm tại khu vực trung tâm nhưng kế hoạch này chưa thể thực hiện vì vướng nhiều vấn đề như: Việc tính tiền sử dụng đất tại cùng một địa điểm đối với phần đất trên bề mặt và phần ngầm, cấp quyền sử dụng đất đối với công trình độc lập mà chủ sở hữu không có bề mặt,...

Hà Nội cũng đang xây dựng các tuyến đường sắt đô thị với nhiều đoạn chạy ngầm dưới lòng đất, theo đó sẽ có nhiều ga ngầm được xây dựng để phục vụ vận hành tuyến và kinh doanh thương mại sau này nhưng đến nay vẫn thiếu những quy định hướng dẫn nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn.

Chẳng hạn, việc phê duyệt quy hoạch xây dựng nhà ga ngầm C9 của tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tại khu vực hồ Hoàn Kiếm thực hiện nhiều năm qua đến nay vẫn chưa xong. Nguyên nhân do quy hoạch ga C9 vướng vào vùng bảo vệ 1, vùng bảo vệ 2 của di tích hồ Hoàn Kiếm và địa chất khu đất xây dựng.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, quản lý không gian ngầm đô thị là vấn đề được đặt ra từ nhiều năm qua nhưng giữa không gian ngầm với không gian trên mặt đất hiện nay còn khác nhau rất nhiều.

Luật đất đai xác định quyền sử dụng đất là từ mặt đất trở lên, giờ sửa Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới bổ sung thêm quyền sử dụng cả không gian ngầm dưới lòng đất.

Bên cạnh đó, Luật xây dựng sửa đổi năm 2020 đã quy định phải có quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, TP Hà Nội là đô thị đầu tiên trên cả nước có quy hoạch không gian ngầm đô thị được duyệt nhưng quá trình thực hiện quy hoạch này phát sinh nhiều bất cập, gây tranh cãi giữa phần không gian ngầm và không gian nổi trên mặt đất.

Nhiều chuyên gia về quy hoạch cũng khẳng định để phát triển được không gian ngầm cần có nghiên cứu kỹ hơn các vấn đề liên quan vì nó liên quan tới nhiều ngành. Đầu tiên phải xác định được hiện trạng phát triển không gian ngầm ở các đô thị; kế tiếp là xây dựng được nội dung quy hoạch không gian ngầm.

Đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, sự phát triển không gian ngầm đô thị có vai trò rất lớn nhằm giảm thiểu áp lực hạ tầng, sự quá tải trong khu vực đô thị trung tâm. Việc khai thác, sử dụng hợp lý còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của đô thị nói chung.

Song thực trạng sử dụng không gian ngầm đô thị tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu, chưa tương xứng cả về số lượng lẫn chất lượng với mức độ phát triển, đặc biệt tại các đô thị lớn.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch không gian ngầm chưa thực sự được chú ý trong các đồ án quy hoạch đô thị (mức độ tổng hợp đường dây, ống ngầm, chưa chú trọng gắn kết khai thác không gian ngầm với không gian trên mặt đất phục vụ phát triển đô thị)…

Theo TS. KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, muốn phát triển không gian ngầm tốt thì phải có quy hoạch tốt, trong đó phải nhìn nhận được các vấn đề thực tiễn thuộc về hạ tầng không gian ngầm như hệ thống giao thông, bãi đỗ xe ngầm, đường ngầm qua đường, không gian ngầm phục vụ công cộng…

Bên cạnh quy hoạch tốt và được duyệt triển khai, cần phải quản lý tốt quá trình thi công công trình, vận hành quản lý... Những phần việc này liên quan tới các quy định pháp luật, chính sách cần đồng bộ hoàn thiện.

Bên cạnh đó, vấn đề tài chính vẫn là thách thức lớn đối với phát triển không gian ngầm khi kinh phí đầu tư xây dựng lớn hơn nhiều lần so với công trình nổi trên mặt đất. Do đó, để phát triển không gian ngầm trong các đô thị, cần dành nguồn lực đầu tư thích đáng, đa dạng phương thức huy động vốn cho phát triển không gian ngầm.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.