Khẩn trương thi công 2 cầu vượt tại nút giao Mai Dịch (Hà Nội)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thi công xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị và tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long trên tuyến đường Vành đai 3.

Văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ ký cho biết, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long khẩn trương tổ chức triển khai thi công xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị và tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch nhằm sớm đưa vào khai thác nhằm giảm ùn tắc giao thông, phát huy hiệu quả đầu tư.

Tại văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, đây dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, Hiệp định vay vốn sẽ kết thúc vào tháng 5/2024. Do vậy, để bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án theo yêu cầu, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm chấp thuận phương án di dời, chặt hạ cây bóng mát trong phạm vi thi công xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị và tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch. Chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan khẩn trương cấp phép di dời, chặt hạ cây bóng mát trong phạm vi thi công của dự án để Ban Quản lý dự án Thăng Long có cơ sở thực hiện.

Thông tin về tiến độ triển khai dự án, trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư) cho biết, đơn vị đang phối hợp tích cực với các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội để triển khai dự án theo đúng quy định pháp luật.

Cụ thể, ngày 9/5/2023, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã cấp giấy phép thi công số 145/GP-SGTVT cho phép rào khu vực nút giao Mai dịch và chấp thuận phương án phân luồng giao thông phục vụ thi công hạng mục 2 đơn nguyên cầu đô thị và tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch.

Theo giấy phép này, đơn vị thi công được thực hiện dựng rào chắn đường dưới thấp Phạm Văn Đồng hướng Phạm Hùng đi Phạm Văn Đồng (chiều dài chắn khoảng 60 m từ km 19+205 –km 19+265; bề rộng chiếm dụng lòng đường khoảng 8,8 m, bề  rộng phần đường còn lại cho các phương tiện lưu thông là 11 m. Căn cứ vào tiến độ di dời các đoạn tuyến nước sạch, đơn vị thi công sẽ thực hiện việc rào chắn để phục vụ tổ chức thi công…

Về thời gian thực hiện rào chắn và thi công trên đường Phạm Hùng để phục vụ thi công cọc, kết cấu phần dưới và di dời đường thoát nước D1500 là từ ngày 22/4/2023-30/9/2023.

Bên cạnh đó tại giấy phép thi công số 145/GP-SGTVT, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã chấp thuận phương án tổ chức giao thông phục vụ thi công do chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Thăng Long đề xuất như: Tổ chức phân luồng giao thông cục bộ cho các phương tiện lưu thông trên hệ thống đường hiện trạng trong quá trình rào chắn thi công; bố trí đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông như lắp đặt biển báo hướng dẫn giao thông từ xa, tại chỗ phù hợp với phương án thi công…

Đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cũng cho biết, đơn vị cùng nhà thầu thi công cũng đã có buổi làm việc với các đơn vị (Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 – Phòng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải Cầu Giấy…) để kiểm tra việc tổ chức thi công trên tuyến. Qua kiểm tra, đã có biên làm việc xác nhận tổ chức thi công bảo đảm đúng các quy định trong giấy phép thi công số 145/GP-SGTVT.

Về vấn đề dịch chuyển, chặt hạ cây xanh thuộc phạm vi dự án, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long thông tin, ngày 7/6 vừa qua, UBND quận Cầu Giấy đã cấp giấy phép cho chủ đầu tư thực hiện việc di chuyển 72 cây xanh, chặt hạ 6 cây xanh tại đường Phạm Văn Đồng về địa điểm quy định của thành phố Hà Nội. Hiện tại Ban Quản lý dự án Thăng Long đã yêu cầu đơn vị nhà thầu tổ chức thực hiện việc di chuyển hoàn thành trước ngày 25/6 tới.

Về kế hoạch rào chắn thi công nút giao trung tâm, hiện Ban Quản lý dự án Thăng Long đang chờ cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội có văn bản cho phép để triển khai trong thời gian tới.

Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, nhà thầu đã huy động máy móc thiết bị để tổ chức khoan cọc làm trụ cầu cũng như làm các công việc nội vụ khác. Thời gian tổ chức thi công chủ yếu là ban đêm để hạn chế tối đa việc lưu thông đi lại của người dân.

Theo phản ánh của nhà thầu thi công, hiện máy móc thiết bị chưa thể tập kết hết đến công trường vì liên quan đến việc di dời đường nước, đường điện. Với công địa hiện nay, nhà thầu chỉ thi công vài ngày nữa là phải dừng vì chưa có mặt bằng. Vì vậy đề nghị các cấp chính quyền sớm giải quyết vấn đề này để nhà thầu đẩy nhanh thi công đảm bảo tiến độ đề ra.

Được biết, hạng mục xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị và tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 348 tỷ đồng. Dự án bao gồm việc xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị chạy dọc hai bên cầu Mai Dịch hiện tại và tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch theo hướng đường Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng có chiều dài tuyến khoảng 210m; kéo dài điểm đầu của dự án ban đầu khoảng 688m sang phía Nam cầu vượt Mai Dịch, trên đường Phạm Hùng. Phạm vi trong nút giao theo hướng đường Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu 320m (từ tim tuyến ra mỗi phía 160m).

Theo quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây là hạng mục bổ sung của Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3 thành phố Hà Nội nhằm tách biệt các làn xe cơ giới lưu thông trong nội đô qua nút với các dòng xe ô tô lưu thông theo tuyến đường cao tốc trên cao góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.  Theo kế hoạch dự án phải hoàn thành trước 31/3/2024. Nhà thầu thi công là Tập đoàn TAISE (Nhật Bản).

Theo đánh giá của chuyên gia giao thông, việc đầu tư cải tạo, tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch đồng bộ với dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long với việc bổ sung 2 đơn nguyên cầu vượt đô thị chạy dọc hai bên cầu vượt Mai Dịch để tách các làn xe cơ giới lưu thông trong nội đô qua nút giao với các dòng xe ô tô lưu thông theo tuyến đường cao tốc trên cao là cấp thiết.

Bởi khi được đầu tư thêm 2 đơn nguyên cầu vượt đô thị chạy dọc hai bên cầu vượt Mai Dịch sẽ phục vụ các xe lưu thông trong nội đô, còn lại phần cầu vượt Mai Dịch sẽ được trưng dụng để khai thác tuyến cao tốc trên cao, đảm bảo cho phương tiện chạy với vận tốc 80 km/h trên toàn tuyến.

Sau gần 3 năm đưa vào khai thác cầu cạn đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long, Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận dự án này đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây của Thủ đô Hà Nội, bảo đảm tiết kiệm chi phí, thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hoá giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và vùng lân cận; qua đó tạo động lực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của các khu vực này.

Trong tương lai khi khu vực đô thị trung tâm Hà Nội được phát triển mở rộng, cả tuyến đường vành đai 3 hoàn chỉnh sẽ là trục giao thông đường bộ chính yếu liên kết các cụm đô thị lớn của thành phố Hà Nội, cũng như khu vực hai bên sông Hồng tạo nên trục không gian cảnh quan của Thủ đô.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.