Hà Nội thông tin về dự án cầu Tứ Liên và Thượng Cát

Dự án cầu Tứ Liên và cầu Thượng Cát trước đây TP đã kêu gọi đầu tư theo hình thức BT nay do hình thức BT đã bị hủy bỏ, Hà Nội chủ trương chuyển đổi thực hiện bằng đầu tư công và hình thức đầu tư khác phù hợp.
Hà Nội thông tin về dự án cầu Tứ Liên và Thượng Cát - Ảnh 1.

Vị trí cầu Thượng Cát trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm theo quy hoạch. (Ảnh: Hạ Vũ).

Theo Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, chiều 28/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với TP Hà Nội. Tại buổi làm việc, thành phố đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông vận tải.

Đơn cử, thành phố đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối nguồn lực, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 quốc gia 4 dự án lĩnh vực giao thông với nhu cầu vốn 21.351 tỷ đồng giúp tăng cường khả năng kết nối, lan tỏa vùng.

Cụ thể, 4 dự án giao thông gồm: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, Km14+380 - Km38+00; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 32, đoạn từ Sơn Tây đến cầu Trung Hà; Xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; Xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng và đường nối ra Quốc lộ 32).

Đáng chú ý, thành phố đề nghị cho phép rà soát quỹ nhà đất công dôi dư sau khi sắp xếp trụ sở, di dời cơ sở sản xuất, giáo dục, y tế... các cơ quan đơn vị của Trung ương và Thành phố, quỹ nhà đất chuyên dùng của Thành phố và rà soát quỹ đất trước đây đã quy hoạch làm quỹ đất đối ứng thực hiện các dự án BT, nay dừng triển khai (dự kiến khoảng 8.900ha) để tổ chức đấu thầu, đấu giá tạo nguồn đầu tư phát triển các công trình giao thông trọng điểm.

TP Hà Nội cũng đề đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vị trí nhà ga C9 theo đúng dự án đầu tư và quy hoạch giao thông đã được phê duyệt.

Đối với việc đầu tư các cầu lớn qua Sông Hồng, Hà Nội mong muốn Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương phát triển đồng bộ các cầu qua Sông Hồng.

Trong đó, Dự án cầu Tứ Liên (tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng), cầu Thượng Cát (khoảng 9.000 tỷ đồng) trước đây Thành phố đã kêu gọi đầu tư theo hình thức BT nay do hình thức BT đã bị hủy bỏ, Thành phố chủ trương chuyển đổi thực hiện bằng đầu tư công và hình thức đầu tư khác phù hợp.

Với đề xuất liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết quan điểm của Bộ là ủng hộ với đề xuất của Hà Nội về nhà ga C9, Bộ sẽ lấy ý kiến các ngành để sớm trình Thủ tướng phê duyệt.

Về đầu tư cầu qua sông Hồng, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ GTVT thống nhất với chủ trương của Hà Nội.

Thứ trưởng Đông cũng cho biết, thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội từ khâu quy hoạch, trong đó, đã gắn kết hạ tầng của Trung ương với hạ tầng cơ sở của Hà Nội.

Thực tế, đầu tư những năm vừa qua cũng đã bám sát quy hoạch và đạt kết quả hết sức tích cực, đường vành đai 3 và 6 cao tốc hướng tâm đã hoàn thành…

Cũng theo vị này, hiện áp lực giao thông khá cao nên nhu cầu đầu tư của Hà Nội rất lớn, việc huy động đầu tư hết sức quan trọng. Bộ đang phối hợp với Hà Nội làm các quy hoạch về giao thông làm cơ sở triển khai.

chọn
ĐHĐCĐ Vinhomes: Doanh số 2024 dự kiến 90.000 - 110.000 tỷ, dự án Đông Anh và Đan Phượng đang làm thủ tục pháp lý
Năm 2024, dự kiến doanh số Vinhomes sẽ tăng trưởng so với 2023, đạt khoảng 90.000 - 110.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ Vinhomes Ocean Park 2, 3, dự án mới Vũ Yên và 1 - 2 dự án mới khác.