Hà Nội, TP HCM tiếp tục xây đường sắt đô thị, tàu điện ngầm quy mô lớn

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm quy mô lớn tại Hà Nội, TP HCM và một số thành phố khác.

Bộ Chính trị vừa ban hành kết luận thực hiện nghị quyết Trung ương khóa 11 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành cao tốc Bắc Nam phía đông, các trục cao tốc Đông Tây; sân bay quốc tế; hạ tầng cảng biển, đường thủy nội địa lớn; đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hải Phòng, TP HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành...

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tương xứng với nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, kết nối với khu vực và thế giới. Định hướng đến năm 2045, Việt Nam phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại gắn với nước phát triển, thu nhập cao; kết nối và hội nhập với thế giới.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công; hoàn thiện mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD); xây dựng cơ chế tài chính đặc thù với công trình hạ tầng văn hóa, xã hội.

Cơ chế, chính sách đủ mạnh sẽ được xây dựng để hình thành một số tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu, đủ nguồn lực, năng lực quản trị hiện đại, tiếp cận, chuyển giao và làm chủ công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình lớn, chiến lược.

Tàu Nhổn - Ga Hà Nội chạy thử ngày 5/12/2022. (Ảnh: Phạm Chiểu).

Kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ được xây dựng có trọng tâm, phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, địa phương với nhau trong phát triển kết cấu hạ tầng. Cơ sở dữ liệu về kinh tế - xã hội, tài nguyên môi trường của vùng, địa phương được xây dựng đảm bảo thống nhất và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu nghiên cứu cơ chế rút ngắn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng và tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khỏi dự án đầu tư. Ngân sách nhà nước được ưu tiên cho dự án tác động liên vùng, thúc đẩy kinh tế nhanh, bền vững; công trình không có khả năng thu hồi vốn; khó thu hút đầu tư tư nhân. Nguồn vốn ODA tiếp tục được huy động hợp lý cũng như các khoản vay ưu đãi gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng.

Quỹ phát triển hạ tầng sẽ được hình thành cùng với áp dụng linh hoạt trần nợ công gắn với khả năng trả nợ để tăng thêm nguồn lực, phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng.

Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ được giao hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan, bố trí nguồn lực thực hiện kết luận. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương xây dựng danh mục công trình, dự án kết cấu hạ tầng gắn với quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Chính trị đánh giá, 10 năm qua, việc xây dựng kết cấu hạ tầng Việt Nam đạt nhiều kết quả. Nhiều dự án đưa vào khai thác, nhất là giao thông, năng lượng, thủy lợi, đô thị, thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, việc xây dựng kết cấu hạ tầng chưa tạo đột phá trong huy động nguồn lực, hình thành hệ thống hiện đại. Một số cơ chế ban hành chậm, thiếu thống nhất; công tác quản lý nhà nước, phân cấp, phân quyền còn bất cập.

Hạ tầng đa mục tiêu kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng, an ninh, thích ứng biến đổi khí hậu chưa được chú trọng. Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chưa đồng bộ, thiếu kết nối nội vùng, liên vùng. Hạ tầng xã hội, văn hóa, thể thao nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo chưa được đầu tư đúng mức. Tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân tại một số đô thị lớn.

Một trong những nguyên nhân là nguồn lực quốc gia hạn chế, chưa thu hút có hiệu quả nguồn lực tư nhân; quy hoạch thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đồng bộ; quản lý đầu tư, thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa hiệu quả.

Theo quy hoạch đến năm 2030, Thủ đô sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417 km, trong đó đi trên cao 342 km, ngầm 75 km. Hiện chỉ có tuyến Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại sau 10 năm xây dựng.

TP HCM được quy hoạch 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray) tổng chiều dài khoảng 220 km, vốn đầu tư ước tính 25 tỷ USD. Hiện, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tổng chiều dài hơn 30 km đã được triển khai từ vốn ODA theo cơ chế cấp phát từ ngân sách Trung ương. Các tuyến còn lại chưa được đầu tư.
chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.