Hà Nội trình phương án xây dựng mạng lưới metro hơn 55 tỷ USD, mục tiêu xây xong 3 tuyến trong 6 năm tới

Theo tờ trình về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ Đô, từ giai đoạn 2024 - 2045, Hà Nội dự kiến hoàn thành gần 600 km metro, với nhu cầu vốn hơn 55 tỷ USD.

UBND TP Hà Nội đã có Tờ trình gửi HĐND thành phố về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ Đô.

Theo đó, về phân kỳ đầu tư các dự án đường sắt đô thị, giai đoạn 2024 - 2030, Hà Nội dự kiến hoàn thành thi công xây dựng gần 97 km đường sắt đô thị, các tuyến metro dự kiến hoàn thành vào thời gian này bao gồm: Tuyến số 2 gồm ba đoạn là Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và Nội Bài - Nam Thăng Long; Tuyến số 3 bao gồm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội và đoạn Ga Hà Nội - Yên Sở và tuyến metro số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc. Ba tuyến này chiếm khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, thành phố cũng sẽ thực hiện công tác đầu tư 301 km các tuyến đường sắt đô thị khác. Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 14,6 tỷ USD.

Giai đoạn 2031 - 2035 dự kiến hoàn thành đầu tư xây dựng 301 km đường sắt đô thị, với các tuyến số 1 bao gồm đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên và đoạn Gia Lâm - Dương Xá; tuyến số 2 đoạn kéo dài đi Sóc Sơn; tuyến sô 2A đoạn kéo dài đi Xuân Mai; tuyến số 3 đoạn Nhổn - Trôi và kéo dài đi Sơn Tây.

Tuyến số 4 đoạn Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà; tuyến số 6 đoạn Nội bài - Ngọc Hồi; tuyến số 7 đoạn Mê Linh - Hà Đông; tuyến số 8 đoạn Sơn Đông - Mai Dịch - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá và tuyến kết nối các đô thị vệ tinh đoạn Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai.

Về năng lực vận tải, đến sau năm 2030, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận từ 35 - 40% lượng hành khách công cộng và có thể vận chuyển được 9,7 triệu - 11,8 triệu chuyển đi/ngày đêm. Sơ bộ tổng nhu cầu vốn cho giai đoạn này khoảng 22,6 tỷ USD.

Giai đoạn 2036 - 2045 dự kiến hoàn thành đầu tư xây dựng hơn 200 km các tuyến/đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. Sơ bộ nhu cầu vốn cho giai đoạn này khoảng 18,25 tỷ USD.

Về phương án huy động và cơ cấu nguồn vốn, tổng hợp khả năng cân đối các nguồn vốn có thể huy động được của thành phố đến năm 2030 là khoảng 28,56 tỷ USD.

Trong đó, đến năm 2030, có thể cân đối được khoảng 11,57 tỷ USD, trong khi nhu cầu là 14,6 tỷ USD, chưa cân đối được khoảng 3 tỷ USD.

Đến năm 2035 có thể cân đối được khoảng gần 17 tỷ USD, trong khi nhu cầu là 22,57 tỷ USD, chưa cân đối được gần 5,6 tỷ USD.

Đến năm 2045 có thể cân đối được khoảng 29,2 tỷ USD, đủ đáp ứng nhu cầu đến giai đoạn này.

Như vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2035, thành phố cần Trung ương hỗ trợ khoảng 8,6 tỷ USD trong hai kỳ trung hạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035. Giai đoạn sau năm 2035, Hà Nội chủ động được nguồn vốn để đầu tư các tuyến bổ sung.

Theo Quy hoạch Giao thông Vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519 năm 2016, Hà Nội được quy hoạch 10 tuyến đường sắt đô thị (MRT) với tổng chiều dài 413 km, ba tuyến tàu điện một ray (monorail) với 44 km.

Đến nay, chỉ duy nhất một tuyến đường sắt hoàn thiện và đưa vào khai thác thương mại là tuyến 2A với chiều dài 14 km. Tuyến số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (12 km) mới hoàn thiện và chạy thử một đoạn trên cao dài 8,5 km từ Nhổn đến Công viên Thủ lệ (4 km còn lại đi ngầm từ Công viên Thủ Lệ đến Ga Hà Nội hiện chưa giải phóng xong mặt bằng). Các tuyến còn lại chưa triển khai.

Vừa qua, Hà Nội đã lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030. Theo dự thảo các quy hoạch mới này, Hà Nội đề xuất điều chỉnh cục bộ một số đoạn tuyến (số 6 và 7), đồng thời quy hoạch thêm ba tuyến mới, nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên 489 km, chưa bao gồm monorail.  

Liên quan đến mạng lưới đường sắt, năm 2023, Bộ Chính trị có Kết luận Số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại Kết luận này, Bộ Chính trị định hướng mục tiêu đến năm 2045 sẽ hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội (có tính kết nối với vùng thủ đô) và TP HCM là vào năm 2035. 

 
chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.