Ông Hà Văn Thắm (SN 11/12/1972, quê xã An Hà, huyện Lạng Giang, Bắc Giang). Ông Hà Văn Thắm có trình độ Cử nhân Đại học Thương mại - Thạc sỹ trường Đại Columbia Commonwealth (Mỹ), Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại trường Đại học Công nghệ Paramount (Mỹ).
Từ năm 1993 đến năm 1997, ông Thắm làm Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh. Từ năm 1997 đến năm 2001 là Tổng Giám đốc Công ty TNHH VNT. Từ năm 2001 đến năm 2003 làm Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh VietCans.
Năm 2003, ông Hà Văn Thắm bắt đầu bước vào lĩnh vực tài chính ngân hàng. Trong giai đoạn 2003 đến năm 2004, ông Hà Văn Thắm làm Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải Hưng. Giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2007, Hà Văn Thắm nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải Hưng.
Hà Văn Thắm từng chia sẻ khi đầu tư vào Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải Hưng rằng: “Mua vì thấy thích thì mua, chứ cũng chưa có kế hoạch, chiến lược cụ thể gì. |
Dưới dẫn dắt của Hà Văn Thắm, Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải Hưng liên tục tăng trưởng, từ ngân hàng thuộc khu vực nông thôn, Hải Hưng được chuyển lên ngân hàng thuộc khu vực đô thị và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).
Vốn điều lệ của Oceanbank cũng tăng từ 1.000 tỷ đồng cuối năm 2008 lên 4.000 tỷ đồng vào năm 2011. Tổng tài sản tăng với tỷ lệ tương ứng từ hơn 14.000 tỷ đồng lên hơn 62.600 tỷ.
Cùng với việc xây dựng Oceanbank, năm 2007, gia đình Hà Văn Thắm cũng sáng lập Tập đoàn Đại Dương. Tập đoàn Đại Dương do Hà Văn Thắm làm chủ tịch kinh doanh nhiều lĩnh vực: ngân hàng, du lịch, khách sạn, kem Tràng Tiền, bất động sản… Sau 6 năm, Tập đoàn này đã tăng vốn từ 10 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng.
Thời kỳ đỉnh cao trong lĩnh vực kinh doanh, Hà Văn Thắm là người giàu thứ 9 trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Thành công với lĩnh vực ngân hàng, và Hà Văn Thắm cũng xuống dốc bởi lĩnh vực ngân hàng. Những quyết sách sai lầm của Hà Văn Thắm khiến Oceanbank tụt dốc. Nợ xấu của Oceanbank chiếm 50% tổng dư nợ, vốn chủ sở hữu âm 10.000 tỷ đồng. Ngay sau đó, Oceanbank được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Chiều 24/10/2014, cựu Chủ tịch Ngân hàng Oceanbank bị bắt tạm giam.
Ngày 27/2/2017, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội đưa đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Oceanbank ra xét xử.
Trong các bị cáo hầu tòa cùng cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm đều là các thuộc cấp của ông ta tại các chi nhánh, phòng giao dịch của hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, các bị cáo ngân hàng, hầu tòa còn có Nguyễn Xuân Sơn – cựu Giám đốc Ngân hàng Oceanbank – cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
"Tôi bắt đầu kinh doanh vào đúng thời điểm. Đó là may mắn đầu tiên và rất quan trọng. Những may mắn khác có được nhờ kế hoạch kinh doanh của chính mình. Tôi xác định đã kinh doanh đương nhiên phải có kế hoạch tốt, có chiến lược tốt và phải làm đúng, có sự cố gắng, nỗ lực học hỏi. Tuy nhiên, may mắn luôn là yếu tố quan trọng." - Hà Văn Thắm |
Các sai phạm của Hà Văn Thắm và thuộc cấp được cơ quan tố tụng nêu rõ. Đó là làm trái quy định trong lĩnh vực tín dụng khi cho Phạm Công Danh – cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CB) vay 500 tỷ đồng mà không đảm bảo điều kiện vay vốn.
Liên quan đến hành vi này, ngoài Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh còn có bà Hứa Thị Phấn – đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ tại Ngân hàng Đại Tín (ngân hàng sau này chuyển nhượng cho Phạm Công Danh và đổi tên thành VNCB). Ngoài ra, còn có Nguyễn Văn Hoàn – cựu Phó Tổng giám đốc Oceanbank.
Trong phiên tòa xét xử vào tháng 3/2017, Hà Văn Thắm cho rằng Phạm Công Danh đã lừa Hà Văn Thắm và Oceanbank trong giải ngân số tiền 500 tỷ đồng.
Hành vi liên quan đến khoản vay 500 tỷ đồng, mới đây cơ quan điều tra Bộ Công an đã điều tra bổ sung đồng thời khởi tố thêm 3 bị can Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn và Trần Văn Bình – Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung – Công ty con của Phạm Công Danh về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn cùng đồng phạm đã thực hiện thu phí trái pháp luật thông qua Công ty BSC – Công ty sân sau của cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank với tổng số tiền hơn 69 tỷ đồng.
Từ tháng 9/2009 đến tháng 11/2010, mỗi lần Nguyễn Xuân Sơn yêu cầu, Hà Văn Thắm đều chỉ đạo thuộc cấp sử dụng nguồn tiền “thu phí” của khách hàng của Oceanbank tại Công ty BSC để đưa cho cựu Chủ tịch PVN. Cơ quan điều tra cáo buộc số tiền hơn 69 tỷ đồng này đã bị Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt.
Năm 2009, thị trường ngoại tệ rất căng thẳng và khan hiếm, giao dịch mua bán ngoại tệ thực tế trên thị trường cao hơn tỷ gia do NHNN công bố. Cựu Phó Tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Minh Thu đã thực hiện chỉ đạo thu tiền chênh lệch tỷ giá trong hợp đồng mua bán ngoại tệ cho khách hàng bằng cách yêu cầu khách hàng ký thêm các hợp đồng dịch vụ với Công ty BSC. Chủ trương này được phổ biến trên toàn hệ thống của Oceanbank. |
Nguyễn Minh Thu – cựu Phó Tổng giám đốc Oceanbank |
Theo kết luận điều tra, Hà Văn Thắm hiểu biết về quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động tín dụng và kinh doanh ngoại hối.
Tuy nhiên, để có tiền chi cho Nguyễn Xuân Sơn, Thắm đã có các hành vi: Bàn bạc, thống nhất chủ trương “thu phí” của khách hàng vay vốn thông qua Công ty BSC.
Hành vi này Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn được xác định là đồng chủ mưu, tổ chức thực hiện, phải chịu trách nhiệm về số tiền thiệt hại của Oceanbank và khác hàng.
Kết luận điều tra bổ sung quyết định chuyển tội danh của các bị cáo từ Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ sang tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Quá trình điều tra, xác định Hà Văn Thắm đã thỏa thuận với Nguyễn Xuân Sơn việc Oceanbank chi tiền lãi ngoài huy động vốn tiền gửi của PVN cho Nguyễn Xuân Sơn. Tổng số tiền 246 tỷ đồng Thắm đưa đều bị Sơn chiếm đoạt, trong đó có hơn 49 tỷ đồng được xác định bởi hành vi tham ô tài sản.
Theo lời khai, Hà Văn Thắm chỉ thỏa thuận với Nguyễn Xuân Sơn về việc Oceanbank chi tiền để Sơn sử dụng chi lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng nhóm dầu khí và khẳng định việc chi hơn 246 tỷ đồng. Còn việc Nguyễn Xuân Sơn sử dụng và chiếm đoạt cựu Chủ tịch Oceanbank không biết.
Trong phiên tòa hồi tháng 3/2017, Hà Văn Thắm xin xem xét trách nhiệm hình sự cho các thuộc cấp là cán bộ, nhân viên tại các phòng, chi nhánh của Oceanbank. Cựu Chủ tịch Oceanbank cho rằng thời điểm đó, áp lực đối với ngân hàng rất lớn, không chi lãi ngoài không níu kéo được khách hàng. Ông ta cũng thừa nhận đã gây áp lực với các thuộc cấp trong việc chi lãi ngoài. |
Ngoài ra, Hà Văn Thắm còn sai phạm trong hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, kéo theo hàng loạt thuộc cấp tại các chi nhánh Oceanbank trong cả nước phải vướng vòng lao lý.
Tổng số thiệt hại trong các hành vi sai phạm của cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank lên tới gần 2.000 tỷ đồng.
Mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra Cáo trạng lần hai truy tố Hà Văn Thắm các tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt đông của các tổ chức tín dụng, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Tham ô tài sản.
Theo VOV
Pháp luật 11:13 | 16/04/2019
Pháp luật 14:57 | 11/03/2019
Kinh doanh 07:01 | 04/05/2018
Pháp luật 23:07 | 03/05/2018
Pháp luật 10:52 | 03/05/2018
Pháp luật 01:31 | 03/05/2018
Kinh doanh 01:11 | 03/05/2018
Pháp luật 09:57 | 02/05/2018