Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/3. Điều 105 dự thảo luật nêu rõ học sinh tiểu học trường công lập không phải nộp học phí, mức thu theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, đào tạo. Riêng đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS bị đưa ra khỏi dự luật.
Theo thẩm định của Bộ Tư pháp, đề xuất không thu học phí đối với học sinh THCS công lập phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013 và Nghị quyết số 29 về đổi mới giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, kết luận số 63 ngày 27/5/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa 11 nêu rõ ban hành các chính sách, chế độ mới khi đã bố trí, cân đối được nguồn thực hiện. Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ điều kiện tài chính để thi hành quy định này.
Ban soạn thảo sau đó đã bổ sung nội dung đánh giá tác động chính sách nhằm bảo đảm về tài chính để thi hành quy định.
Học sinh miền núi ở Quảng Ninh đi học trong điều kiện khó khăn. Ảnh: Minh Cương |
Đóng góp cho dự luật, hai bộ Tài chính và Nội vụ không đồng tình với đề xuất. Bộ Nội vụ dẫn kết luận số 20 ngày 28/1/2008 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa 10 về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và kết luận số 63 ngày 27/5/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa 11 về xác định khung giá, phí dịch vụ sự nghiệp công lập.
Hai văn bản nêu rõ đối với khu vực sự nghiệp công cần đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương gắn với kết quả hoạt động của đơn vị; và chỉ ban hành các chính sách, chế độ mới khi đã bố trí, cân đối được nguồn thực hiện. "Việc quy định học sinh tiểu học, THCS công lập không phải nộp học phí là chưa phù hợp với các Nghị quyết của Đảng nêu trên, làm tăng chi ngân sách nhà nước trong khi đang khó khăn", Bộ Nội vụ khẳng định.
Bộ Tài chính thì cho rằng Nghị quyết số 29 đã nêu, đối với giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc cân đối kinh phí để thực hiện chính sách này là không khả thi.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giáo dục không đưa nội dung này vào dự luật, chỉ xem xét từ sau năm 2020 khi bắt đầu triển khai giáo dục bắt buộc theo Nghị quyết số 29.
Bộ Giáo dục: Miễn học phí THCS sẽ tiết kiệm nguồn lực xã hội
Trả lời Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục dẫn Khoản 2 Điều 61 Hiến pháp năm 2013 quy định "từng bước phổ cập giáo dục trung học" và Nghị quyết số 29 quy định đối với giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.
Theo Bộ Giáo dục, chế độ thu học phí hiện nay đã bộc lộ một số hạn chế. Đến nay nhà nước mới miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn mầm non cho trẻ em 5 tuổi và giáo dục THCS chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là vùng núi, vùng dân tộc thiểu số.
Mặt khác, phần lớn học sinh mầm non, THCS, THPT sống ở vùng nông thôn, miền núi, thu nhập gia đình tương đối thấp. Mức thu học phí không quá cao, nhưng cũng là gánh nặng đối với gia đình thu nhập thấp, tiệm cận chuẩn nghèo. Nhà nước cần có chính sách miễn giảm học phí để đảm bảo giáo dục cơ bản cho toàn bộ học sinh THCS cả nước được tiếp cận với giáo dục phổ thông, tạo nguồn tuyển sinh và tăng tỷ lệ học sinh qua đào tạo nghề nghiệp.
Theo Bộ Giáo dục, miễn học phí đối với học sinh học THCS sẽ huy động được học sinh lứa tuổi này đến trường, định hình việc phân luồng học sinh THCS và định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT rõ ràng hơn, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo, đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế.
"Miễn học phí đối với học sinh THCS sẽ góp phần giảm chi phí cho mỗi cá nhân, gia đình và tiết kiệm nguồn lực cho cả xã hội", Bộ Giáo dục khẳng định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 16/11/2017 công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục lần hai với nhiều điểm mới. Ngoài đề xuất lương nhà giáo cao nhất bảng lương hành chính sự nghiệp, dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 105 để học sinh THCS trường công lập cũng không phải đóng học phí. Mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc trung ương quản lý. HĐND cấp tỉnh quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc cấp tỉnh, từ đề nghị của UBND. Cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. |