Để giải quyết vụ án, tòa triệu tập Ngân hàng Agribank với tư cách nguyên đơn dân sự, Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank) và 11 người khác là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Bị án Dương Thanh Cường được trích xuất đến tòa để giải quyết trách nhiệm dân sự. (Ảnh: Hải Duyên).
Tháng 10/2007, Cường làm việc với Hồ Đăng Trung (nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh 6, TP HCM) vay 700 tỉ đồng, để thực hiện dự án Khu biệt thự vườn Thanh Phát tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.
Cường dùng 3 chủ quyền sử dụng đất tại quận 12, quận 8 cùng 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Bình Chánh để thế chấp cho Agribank. Ông ta được duyệt vay 628 tỉ đồng.
Theo nội dung vụ án, Cường dù không có khả năng tài chính nhưng vẫn thành lập nhiều công ty với số vốn đăng ký hàng trăm tỉ đồng. Ông ta thuê người làm giám đốc, lập hồ sơ vay tiền ngân hàng và huy động vốn của đối tác để thực hiện các dự án bất động sản rồi chiếm đoạt.
Cường sau đó lấy lí do hoàn tất thủ tục sang tên, làm đơn mượn lại 23 giấy tờ đất đã thế chấp Agribank Chi nhánh 6 nhưng thực chất đem sang Ngân hàng Phương Nam vay gần 80 tỉ đồng và 9.000 lượng vàng. Sau khi tất toán các hợp đồng vay với Phương Nam, Cường gán luôn những tài sản đã thế chấp cho ngân hàng này.
Ngoài ra, với cách thức tương tự, Cường còn vay của Agribank hơn 170 tỉ đồng để làm dự án bất động sản khác nhưng không có khả năng trả nợ.
Theo cơ quan điều tra, dự án Khu biệt thự vườn Thanh Phát chưa được cấp phép, tài sản thế chấp chưa sang tên cho công ty của Cường nhưng cán bộ Agribank Chi nhánh 6 vẫn phê duyệt và giải ngân trái phép. Việc Cường lập nhiều công ty, sau đó thuê người làm giám đốc trong thời gian ngắn nhằm mục đích vay tiền ngân hàng rồi chiếm đoạt. Sau khi thực hiện được hành vi lừa đảo, Cường chuyển những người này sang làm việc khác để che giấu hành vi phạm tội tiếp theo.
Tháng 11/2015, TAND TP HCM tuyên phạt Dương Thanh Cường mức án tù chung thân về tội Lừa đảo và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh 6 Hồ Đăng Trung nhận 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chưc tín dụng. Bị cáo buộc có vai trò đồng phạm cho Cường và Trung, 7 bị cáo khác nhận từ 8-25 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, toà buộc Cường bồi thường cho Agribank Chi nhánh 6 hơn 1.100 tỷ đồng thay vì 966 tỉ đồng như cáo buộc của VKS. Theo HĐXX, sau khi tính toán lại, số tiền thiệt hại thực tế mà Cường gây ra cho Agribank, bao gồm cả nợ gốc và lãi là 1.127 tỉ đồng.
Tòa hủy lệnh kê biên 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Cường rút từ Agribank Chi nhánh 6 để giao cho Ngân hàng Phương Nam quản lí, bởi hiện nay Ngân hàng Phương Nam là đơn vị quản lí hợp pháp, Agribank chỉ nắm giữ bản sao. Việc để cho Cường mang những giấy tờ này sang Phương Nam tiếp tục thế chấp vay tiền tiếp là lỗi của Agribank.
Tháng 5/2016, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, TAND Tối cao sau đó kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm về phần dân sự - tức xem xét lại quyết định trả cho Phương Nam 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tại tòa ngày 3/5, phía Agribank cho rằng nguồn gốc 23 bất động sản với diện tích hơn 110.000 m2 là do Cường vay tiền của ngân hàng để mua, đề nghị HĐXX buộc Ngân hàng Sacombank trả lại cho Argibank 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng.
Đại diện Sacombank cũng cho rằng số tiền Cường vay của Phương Nam là để nhận chuyển nhượng 23 bất động sản này. Hiện Sacombank nắm giữ giấy tờ để xử lí khoản nợ là đúng theo quy định của pháp luật.
Sau một ngày xét xử, tòa nhận định nguồn gốc hình thành 23 bất động sản này do Cường sử dụng hơn 171 tỉ đồng trong số 628 tỷ vay Agribank Chi nhánh 6. Vì vậy nó là vật chứng trong vụ án, cần tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án 171 tỉ đồng đối với Agribank Chi nhánh 6.
Đối với Ngân hàng Phương Nam, HĐXX cho rằng, những sai phạm của một số cán bộ trong việc nhận thế chấp 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho Cường vay đang bị điều tra, nên quyền lợi của nhà băng sẽ được xem xét khi vụ án được đưa ra xét xử.