Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.
10 địa phương thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước gồm TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai. Bên cạnh những tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng hay TP HCM vẫn duy trì được vị thế dẫn đầu cả nước thì nhiều địa phương khác đã có sự bứt phá trong cuộc đua hút vốn FDI.
Đơn cử như Bắc Giang từ vị trí 9 ở năm 2022 đã tiến vào top 5, xếp thứ 4 cả nước trong 2023. Nghệ An và Thái Bình cùng đánh dấu cột mốc lần đầu tiên thu hút vốn ngoại vượt mốc trên 1 tỷ USD/năm vào tháng 9/2023, tổng kết cả năm thu hút lần lượt hơn 1,6 tỷ USD và 2,8 tỷ USD.
Theo ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao, Bộ phận Tư vấn Công nghiệp, Savills Hà Nội, tiềm năng phát triển bất động sản công nghiệp đang hiện diện tại loạt thị trường nhóm 2.
Tại Bắc Ninh, theo Cục thống kê tỉnh, thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp tại địa phương năm 2023 đạt hơn 1,1 tỷ USD (vượt 163,7% so với năm 2022). Đây là tỉnh nổi bật về thu hút đầu tư tại khu vực phía kinh tế trọng điểm phía Bắc, thu hút các doanh nghiệp sản xuất và logistics, các chủ đầu tư cho thuê trong và ngoài nước. Hoạt động đầu tư diễn ra sôi động, đặc biệt là khu vực Yên Phong.
Vĩnh Phúc cũng là thị trường đáng chú ý với nhiều hoạt động đầu tư đang diễn ra âm thầm. Trong năm 2024, sẽ có thêm nhiều thông tin về các nhà đầu tư nước ngoài khởi công dự án tại tỉnh này.
Tại các tỉnh phía nam Hà Nội như Hưng Yên và Hà Nam, tỷ lệ sử dụng đất ở địa phương đang cho thấy tín hiệu tích cực. Giá đất cạnh tranh tạo cơ hội mới cho các quỹ đầu tư, giúp họ tận dụng sớm cơ hội sinh lời. Nguồn lao động dồi dào, vị trí gần thị trường tiêu thụ chính, tiếp cận cảng biển thuận lợi, cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện cũng là những yếu tố củng cố sức hút khu vực.
Chuyên gia Savills dự báo: "Thời gian tới, các thị trường ghi nhận mức phát triển nổi bật về bất động sản công nghiệp sẽ là các tỉnh thuộc nhóm 2 nằm tại phía nam Hà Nội như Nam Định hay Thái Bình. Những tháng gần đây, khu vực này đã chứng kiến các khoản đầu tư có giá trị cao hơn".
Về phía nhà đầu tư, ông Thomas Rooney khuyến nghị cần lưu ý 3 điểm để có thể đầu tư bất động sản công nghiệp hiệu quả tại Việt Nam.
Thứ nhất, hiểu rõ quy trình cấp phép và thời gian nhận giấy chứng nhận đầu tư. Thời gian cấp phép có thể khác nhau tùy theo từng tỉnh, thành phố. Thứ hai, nghiên cứu kỹ lưỡng về bối cảnh tuyển dụng, Việt Nam có thế mạnh về nhân công, song cũng có thể tồn tại những thách thức đối với lao động lành nghề ở một số khu vực nhất định.
Cuối cùng, bên cạnh việc hợp tác với chủ đầu tư dự án thì nhà đầu tư có thể cân nhắc sử dụng dịch vụ của đơn vị môi giới công nghiệp để có góc nhìn tổng quan về thị trường, bảo vệ lợi ích đàm phán thương mại...