Hàng chục nghìn con lợn giống 'bán không ai mua, cho không ai lấy'

Mặc dù các cấp, các ngành vào cuộc để “giải cứu lợn” nhưng tại Hà Tĩnh, hiện nay tình trạng người dân bỏ chuồng, bỏ trại khiến tình trạng lợn giống ùn ứ tại các trang trại ngày càng nhiều.

Bán lợn giống, không ai mua

Lợn thịt liên tục “rớt” giá khiến nhiều người nông dân bỏ chuồng, bỏ trại, từ đó dẫn đến tình trạng lợn giống tồn ứ nhiều tại các trang trại.

Theo số liệu thống kê tại Hà Tĩnh, còn khoảng 30.000 con lợn giống rơi vào cảnh “bán không ai mua, cho không ai lấy”, cùng với đó là 80.000 con lợn thịt đã đến thời kỳ xuất chuồng.

Nếu tình trạng giá lợn cứ tiếp diễn như hiện nay, nhiều người nông dân sẽ lâm vào cảnh khốn cùng.

lon thit rot gia heo giong lam nan
Hiện nay tại Hà Tĩnh còn tồn đọng khoảng 30.000 con lợn giống, tình trạng này sẽ tăng khi người dân bỏ chuồng, bỏ trại nhiều. Ảnh: Hoài Nam

Đến thời điểm này, ông Lê Mai Đức, trú tại xóm Vĩnh Trung, xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vẫn không thể ngờ được giá lợn lại rớt thê thảm như vậy.

“Mấy ngày nay, tại xóm thường xuyên thay nhau mổ lợn để chia nhau ăn chứ bán thì lỗ càng lớn.

Hiện tại gia đình đang nuôi 6 con lợn nái, 20 con lợn giống và 32 con lợn đã gần xuất chuồng. Nếu tình trạng lợn giảm tiếp diễn như thế thì chúng tôi chắc cũng phải bán cả lợn nái chứ không thể nuôi được.

Đầu tư vào nuôi lợn là hơn 100 triệu, 1 năm trôi qua, dù nay đã xuất được 3 lứa nhưng chưa thấy lãi mà chỉ thấy lỗ. Nếu như ngày trước lợn chỉ ăn cám, ăn rau thì giờ đang 'nuốt dần sổ đỏ' của gia đình nữa”, ông Đức buồn rầu nói.

Chủ lợn giống đang "ngồi trên đống lửa"

Hiện nay, dù đã được các ngành vào cuộc, nhưng những chủ trang trại lợn giống như đang "ngồi trên đống lửa".

Anh Nguyễn Tiến Sơn, trang trại lợn giống tại xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho biết, do tồn ứ lượng lợn giống quá nhiều nên hiện tại anh phải chuyển đổi thêm hình thức sang nuôi lợn thịt. Nếu tình hình lợn “rớt” giá cứ kéo dài như thế này sẽ không còn chỗ để nuôi lợn.

“Trại của tôi chuyên xuất giống cho các hộ nuôi lợn thương phẩm ở một số xã như Cẩm Sơn, Cẩm Thịnh, Cẩm Hưng…

Hiện trang trại còn tồn 3.000 con lợn con từ 6–35 kg, trong đó, 600 con đã đạt trọng lượng 35 kg/con nên tôi phải chuyển sang nuôi thương phẩm” anh Sơn nói.

lon thit rot gia heo giong lam nan
Lượng lợn giống tồn ứ tại các trang trai lợn đang ngày một tăng khi không thể bán được. Ảnh: Hoai Nam

Dù đã được các cấp, các ngành vào cuộc để "giải cứu lợn”, nhưng điều đáng lo nhất hiện nay là lợn giống mỗi ngày một nhiều, trong khi không thể bán ra được.

“Cơ sở của tôi cứ mỗi tháng sản xuất 700 con lợn giống. Nếu thị trường cứ ế ẩm, người chăn nuôi không tái đàn thì tôi không thể ôm hết số lợn con nữa.

Trong khi đó, chi phí mỗi tháng chúng tôi bỏ ra là khoảng 700 triệu đồng, nếu duy trì liên tiếp trong 2 tháng thế này thì sẽ phải bỏ cuộc”, anh Sơn chia sẻ.

Tại trang trại chăn nuôi lợn của bà Nguyễn Thị Phương tại xã Hương Xuân, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cũng đang rất lo lắng vì lượng lợn giống tồn ứ rất nhiều.

“Hiện tại trang trại có 600 con lợn nái, 3.200 con lợn thịt và giống nếu nhà nước 'không thả phao' kịp thời thì những hộ chăn nuôi như chúng tôi sẽ chìm xuống.

Lợn giống không xuất được, tình hình nếu như thế này kéo dài thì chúng tôi cũng phải căng bạt cho lợn ra ngoài ở chứ không còn chỗ nữa.

Mỗi ngày bình quân lợn ăn hết khoảng 3 tấn cám, chi phí cho thức ăn đã mất 30 triệu/ngày rồi”, bà Phương cho biết.

Nếu như trước đây, mỗi con lợn giống nặng 8 kg có giá 1,5-1,6 triệu đồng thì hiện nay “rớt” xuống còn 300.000 - 450.000 nghìn đồng/con. Mức giá này khiến những hộ có số lợn giống từ 300 con trở lên sẽ phải chịu lỗ khoảng 600 triệu đồng/tháng.

lon thit rot gia heo giong lam nan
Do lượng lợn giống nhiều, nên các trang trại đang lo sợ không có chỗ nuôi. Ảnh: Hoài Nam

Tìm cách tự cứu mình

Trước tình hình trên, để tự “cứu mình”, ông Nguyễn Văn Sửu, chủ trại lợn nái ở xã Tân Lộc (Lộc Hà) đã thử đủ mọi cách, từ giảm giá bán, đến gõ cửa từng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khác để mời, xin bỏ giống..nhưng không đạt kết quả.

“Hiện tại giờ không phải là giá nữa, lợn giống, lợn thịt đã ứ thừa quá nhiều rồi. Trang trại của gia đình tôi có 470 nái, dự kiến sẽ sản sinh khoảng 12.000 lợn con. Tuy nhiên hiện tôi chỉ có thể nuôi 4.000 con.

Hiện tại lợn không có chỗ nhốt nữa, ở Lộc Hà, 85% hộ chăn nuôi vừa và nhỏ bỏ không chuồng trại, muốn cho nợ bỏ giống để giải quyết chuồng trại cũng không được”, ông Sửu nói.

Ông Phạm Đăng Nhật, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Hiện huyện đã tạm dừng cấp chủ trương đầu tư các dự án chăn nuôi lợn tập trung; quản lý chặt quy hoạch, không để thiếu kiểm soát.

Để giải quyết khó khăn trước mắt, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ về giá, chính sách ngân hàng, tiền điện, vắc xin cho các cơ sở, đồng thời vào cuộc quản lý giá thịt và vật tư đầu vào đảm bảo hài hòa, hợp lý”.

lon thit rot gia heo giong lam nan
Tại trang trại lợn của bà Nguyễn Thị Phương, hiện nay số lượng lợn giống đã quá lứa, chủ trang trại đành phải nuôi sang lợn thịt. (ảnh Hoài Nam0

Để tháo gỡ những khó khăn trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã có buổi làm việc với doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương, đề nghị địa phương tạo điều kiện cho các chủ trang trại chăn nuôi tự giết mổ để duy trì nguồn thu như kiến nghị, nhưng phải đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Nghề chăn nuôi lợn của Hà Tĩnh đối mặt với khó khăn lớn, các cơ sở chăn nuôi nái đang đứng trước nguy cơ phá sản rất cao.

Để khắc phục khó khăn, trước hết các cơ sở chăn nuôi phải chủ động, sáng tạo trong giải pháp tháo gỡ. Các cơ sở cần liên kết thành lập các hiệp hội chăn nuôi để cùng hỗ trợ nhau vượt khó”, ông Sơn cho biết.

lon thit rot gia heo giong lam nan Gỡ vốn, người nuôi tự mổ lợn đem bán thịt đồng giá
lon thit rot gia heo giong lam nan Giá lợn giảm - Thương lái hay người tiêu dùng hưởng lợi?
chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.