Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài. (Ảnh: Di Linh).
Theo thông tin chúng tôi nhận được, Bộ GTVT vừa có văn bản lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương trước tình trạng sụt giảm doanh thu của hàng chục dự án BOT.
Được biết, Bộ GTVT đang quản lí 6 dự án BOT; trong đó có 2 dự án đang đầu tư xây dựng và 59 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác.
Trong 59 dự án nêu trên, Bộ cho biết có 52 dự án có đủ số liệu để đánh giá việc tăng, giảm lưu lượng so với dự báo ban đầu; 3 dự án đang dừng thu và 4 dự án mới thu không đủ cơ sở đánh giá.
Đáng chú ý, Bộ GTVT cũng cho biết tính đến hết năm 2019 sẽ có 37 dự án BOT phải tăng phí theo lộ trình. Và hiện, Bộ này đã nhận được đề xuất tăng phí của một số nhà đầu tư.
Được biết, Thông tư 159 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lí và sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ có qui định:
"Định kỳ 3 năm kể từ năm 2016 trở đi, căn cứ tình hình thực tế, chỉ số giá cả và đề xuất của Bộ GTVT, Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh mức thu phí qui định tại Thông tư này bảo đảm nguyên tắc của pháp luật về phí, lệ phí".
Tuy nhiên, từ tháng 5/2016 đến nay, Bộ GTVT chưa thực hiện việc tăng phí với 59 dự án BOT đã nêu.
Như vậy, theo đề xuất trên thì 37 dự án BOT sẽ tăng phí từ 12-18% theo lộ trình vào năm 2019.
Cụ thể, năm 2018 tăng phí 2 dự án, năm 2019 tăng phí 35 dự án, năm 2020 tăng phí 10 dự án, năm 2021 tăng phí 2 dự án, các dự án còn lại sẽ tăng phí sau năm 2021.
Ngoài ra, với 37 dự án BOT đề xuất tăng phí có 25 dự án doanh thu thực tế giảm so với phương án tài chính.
Đáng chú ý, Bộ GTVT cũng cho biết, nếu như không có các giải pháp kịp thời thì 25 dự án BOT trên có thể bị phá vỡ phương án tài chính, doanh nghiệp nguy cơ phá sản.
Bộ GTVT cũng đưa ra một số dự án có doanh thu sụt giảm như BOT hầm Đèo Cả, Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 38...
Về nguyên nhân sụt giảm doanh thu, Bộ cho biết do kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương không đúng dự báo làm giảm lưu lượng xe.
Bên cạnh đó, một số trạm thu phí BOT sụt giảm doanh thu do lượng xe sử dụng vé tháng, vé quý lớn. Ngoài ra, có nguyên nhân do địa phương làm đường song song, cắt ngang đường BOT và xe trốn phí.
(Ảnh minh họa: Di Linh).
Được biết, về vấn đề tăng phí, Bộ GTVT đã đề xuất 2 phương án. Cụ thể là tăng phí BOT đúng lộ trình giai đoạn 2019-2021 và lùi một số dự án sang năm 2022.
Cụ thể, với phương án 1 là tăng phí BOT đúng lộ trình trong giai đoạn 2019-2021. Nhằm tránh sốc khi tăng đồng loạt, Bộ sẽ đàm phán với nhà đầu tư và ngân hàng chỉ tăng trong năm 2019 với dự án BOT sụt giảm doanh thu lớn.
Với phương án 2, Bộ đề xuất 49 dự án có lộ trình tăng phí trong giai đoạn 2018-2021 sẽ lùi thời điểm tăng phí sang năm 2022.
Đáng chú ý, với phương án 2, Bộ nói sẽ có 9 dự án BOT bị phá vỡ phương án tài chính. Nhà nước sẽ phải bố trí 3.000 tỉ đồng hỗ trợ các dự án này.
Được biết, Bộ GTVT đang nghiêng về phương án 1 với lí do không phải bố trí ngân sách.
"Về việc BOT mà chưa minh bạch gây bức xúc cho người dân thì Bộ trưởng GTVT chú ý có những giải pháp chỉ đạo khắc phục", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Bộ GTVT cho biết đã thực hiện một cách nghiệm túc việc rà soát, xử lí các bất cập các dự án BOT.
Tuy nhiên, có một số dự án do quy định pháp luật trước đây chưa phù hợp nếu để xử lý dứt điểm chỉ có phương án Nhà nước phải bố trí khoản NSNN để thanh toán cho nhà đầu tư, trong khi nguồn lực hiện nay gần như không thể cân đối được.
"Bên cạnh đó, các Hợp đồng dự án trước đây được kí phù hợp với quy pháp luật tại thời điểm ký kết, theo quy định Điều 4, Bộ Luật dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14/6/2005, trong trường hợp nhà nước không thể cân đối nguồn lực để mua lại, một số dự án có thể tiếp tục thực hiện theo qui định hợp đồng đã kí kết", Bộ GTVT cho biết.