Đêm trước ngày John Allen Chau quay trở lại đảo Bắc Sentinel xa xôi của Ấn Độ lần cuối cùng, anh đã đấu tranh với nỗi sợ rằng anh có thể sắp chết.
"Tôi sợ", chàng trai 26 tuổi người Mỹ sống tại bang Washington, từng bí mật đi đến đến hòn đảo này với nhiệm vụ truyền giảng đạo Cơ Đốc, viết trong nhật kí. "Ngắm nhìn hoàng hôn, thật đẹp - khóc một chút... tự hỏi đây có phải là lần cuối cùng tôi nhìn thấy hoàng hôn".
Những lần tiếp xúc đầu tiên giữa anh với người Sentinel, một bộ lạc nhỏ làm nghề săn bắn hái lượm từ chối giao lưu với thế giới bên ngoài, đã không diễn ra tốt đẹp. Một thiếu niên bắn tên vào anh, xuyên qua quyển Kinh Thánh không thấm nước anh mang theo trong người.
Tuy nhiên, Chau quyết định quay trở lại đảo và cố gắng thêm lần nữa, phấn khích với cảm giác rằng anh là công cụ của Chúa.
"Chúa ơi, hòn đảo này có phải là hang ổ cuối cùng của Satan nơi chưa ai từng nghe thấy hay thậm chí có cơ hội nghe thấy tên của ngài không?", anh viết về những ngày cuối cùng của cuộc đời trong cuốn nhật kí được mẹ anh trao cho báo Washington Post.
John Allen Chau dự cảm anh có thể chết trong chuyến đi đến đảo Bắc Sentinel. (Ảnh: Instagram). |
Anh để lại 13 trang, viết bằng cả bút bi và bút chì, cho những ngư dân đưa anh đến hòn đảo. Buổi sáng sau chuyến đi cuối cùng của Chau, họ phát hiện thi thể anh bị kéo lê và chôn vùi trong cát.
Chau từng trải qua những mùa hè một mình trong túp lều nhỏ ở California, làm công việc cứu hộ động vật hoang dã, dẫn dắt các chuyến thám hiểm dãy Cascade ở vùng Tây Bắc nước Mỹ, suýt mất một chân vì bị rắn chuông cắn và huấn luyện bóng đá cho trẻ em nghèo ở Iraq và Nam Phi.
Song chèo thuyền kayak đến hòn đảo hoang vu của Ấn Độ, nơi cư trú của bộ lạc sinh sống từ thời Đồ Đá thường tấn công người ngoài, rốt cuộc lại là một chuyến phiêu lưu quá xa.
Cảnh sát hôm 21/11 cho biết anh bị giết chết bằng những mũi tên, và cơ quan chức năng đã làm việc với các nhà nhân chủng học để cố đưa thi thể anh về từ đảo Bắc Sentinel thuộc quần đảo Andaman nằm trong vịnh Bengal.
"Từ ngữ không thể diễn tả được sự đau buồn của chúng tôi về chuyện này", gia đình anh nói trong một tuyên bố được đăng trên tài khoản Instagram của anh.
"Con yêu Chúa, yêu cuộc sống, giúp đỡ những người cần giúp đỡ và không có gì ngoài tình yêu dành cho người dân Sentinel".
Việc đi đến đảo Bắc Sentinel bị hạn chế nghiêm ngặt. Cảnh sát đã bắt giữ bảy người bị cáo buộc giúp Chau đến đảo và gia đình của Châu đã xin cho họ được thả, nói rằng Chau hành động "theo ý chí tự do của riêng mình".
Nhật ký của Chau hé lộ chân dung một thanh niên bị ám ảnh với ý tưởng đưa Cơ Đốc giáo giáo đến với người Sentinel, một bộ lạc chỉ còn vài chục người, đa phần sống mà không có liên lạc từ thế giới bên ngoài trong nhiều thế kỉ, và được bảo vệ để du khách không thể làm phiền họ theo luật Ấn Độ.
Hình ảnh hiếm hoi về bộ tộc Sentinel trên đảo bắc Sentinel thuộc Ấn Độ. (Ảnh: Survival International). |
Những trang viết cũng cho thấy Chau biết việc làm của anh là bất hợp pháp. Anh đã viết về việc di chuyển để tránh lực lượng tuần tra của Ấn Độ ở vùng biển gần đảo Bắc Sentinel.
"Chính Chúa đã che giấu chúng tôi trước cảnh sát biển và trong nhiều cuộc tuần tra", anh nói về hành trình đi thuyền đến hòn đảo.
Anh đã không nói ai biết về kế hoạch thuê ngư dân địa phương đưa anh đến nơi ở của người Sentinel vì "anh ấy không muốn đặt những người bạn của mình vào chỗ nguy hiểm", một trong những cộng sự của Chau, Bobby Parks, viết thư cho mẹ anh sau khi anh qua đời.
Vị trí đảo Bắc Sentinel trong vịnh Bengal. (Đồ họa: BBC). |
Sau khi chèo thuyền kayak đến hòn đảo, Chau cố gắng hòa nhập với người dân bằng cách tặng quà - gồm cá, kéo và ghim an toàn - và hát "những bài hát tế thần". Một phần trong cuốn nhật kí được dành cho những ấn tượng của anh về người Sentinel: Anh viết về ngôn ngữ - "rất nhiều âm thanh ở tông cao" - và cử chỉ của họ.
Ở phần cuối của cuốn nhật kí, Chau tự hỏi liệu anh có nên từ bỏ nhiệm vụ của mình hay quay lại hòn đảo và đánh liều với những hậu quả.
"Tôi nghĩ rằng tôi có thể sống hữu ích hơn... nhưng với ngài, Đức Chúa, tôi trao cho ngài mọi vinh quang của bất cứ điều gì xảy ra", Chau viết. Anh cầu xin Chúa tha thứ cho "bất cứ ai trên hòn đảo này cố giết tôi, và đặc biệt nếu họ thành công".
Chau sống tại tây nam bang Washington, nơi anh theo học trường Trung học Cơ đốc Vancouver.
Sau đó, anh theo học và tốt nghiệp tại Đại học Oral Roberts, một trường đại học Cơ Đốc giáo ở bang Oklahoma, vào năm 2014 với bằng về khoa học sức khỏe và thể dục. Trong thời gian theo học, anh làm việc với bộ phận truyền giáo và tiếp cận cộng đồng của trường.
Chau cũng làm việc với tổ chức từ thiện More Than a Game, một chương trình về bóng đá cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bao gồm cả người tị nạn. Chau đã đến khu vực của người Kurd ở miền bắc Iraq vào năm 2014 để làm việc với các thanh niên tị nạn người Syria và Iraq. Anh cũng từng làm việc với trẻ em tị nạn Myanmar ở Tulsa, Oklahoma, trong vài năm.
"Tôi chưa từng biết người đàn ông, người bạn nào can đảm, vị tha, từ bi hơn thế", Bobby Parks, cựu giám đốc bộ phận tiếp cận cộng đồng của Đại học Oral Roberts, nói. "John đã sống và hi sinh bản thân để chia sẻ tình yêu của Chúa với mọi người".
John Allen Chau trong tấm hình đăng trên Instagram hôm 21/10 với chú thích "Khám phá vùng nhiệt đới này bằng thuyền kayak trong mùa hè bất tận". (Ảnh: Instagram). |
Những người khác có quan điểm khác về chuyến đi định mệnh của Chau với mục đích cải đạo người Sentinel. Đó là "cuộc phiêu lưu ngu ngốc", P.C. Joshi, giáo sư nhân học tại Đại học Delhi, người nghiên cứu về các hòn đảo, nhận xét. "Anh ta tự rước lấy cuộc tấn công đó".
Ông cũng thừa nhận chuyến đi này đe dọa cuộc sống của những người dân đảo thiếu sức đề kháng đối với nhiều loại bệnh tật. "Một điều đơn giản như cúm cũng có thể giết chết họ", ông nói.
Ngày của Cha năm ngoái, Chau viết trên Instagram rằng cha anh là người tị nạn đến Mỹ trong thời kì Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc. Anh cũng ghi lại những chuyến đi của mình, đăng tải hình ảnh leo núi ở dãy Cascade, lặn scuba trong các chuyến đi đến quần đảo Andaman trước đó và câu cá ở Nam California.
Một trong những người bạn của Chau, Casey Prince, 39 tuổi, ở Cape Town, Nam Phi, đã gặp nhà thám hiểm 5 năm trước đây, khi Chau đi cùng các thành viên của đội bóng đá trường Oral Roberts để làm tình nguyện cho một chương trình phát triển bóng đá và lãnh đạo xã hội do anh Prince sáng lập, Học viện Bóng đá Ubuntu.
Kể từ đó, Chau đã quay lại thăm anh Prince và gia đình hoặc các cậu bé trong chương trình khoảng bốn lần. Gần đây nhất, anh đã ở đó từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10, anh Prince nói.
Anh mô tả Chau là người dễ tính, tốt bụng, vui vẻ và ấp ủ hai niềm đam mê: hoạt động ngoài trời và và Cơ Đốc giáo.
"Cậu ấy là nhà thám hiểm từ trong máu", anh Prince nói. "Cậu ấy yêu tạo hóa và hòa mình vào đó, tôi nghĩ rằng có lẽ cậu cậu ấy cũng đã tìm thấy và kết nối với Chúa theo cách đó, và sâu sắc như vậy".
Instagram của Chau chủ yếu là hình ảnh khám phá thiên nhiên. (Ảnh chụp màn hình). |
Prince từ chối tiết lộ những gì Chau đã nói với anh về kế hoạch lại ở Ấn Độ hay các đảo, nói rằng anh muốn tập trung vào di sản của Chau. Nhưng anh nói Chau chấp nhận những nguy hiểm đi kèm với cuộc phiêu lưu của mình.
"Nếu cậu ấy đang mạo hiểm, cậu ấy ý thức rất rõ về nó", anh Prince nói.
Trong phần Hỏi đáp trên website về thám hiểm thiên nhiên Outbound Collective, Chau cho biết anh yêu thiên nhiên từ khi còn là đứa trẻ, đọc những cuốn sách như Robinson Crusoe và The Sign of the Beaver, câu chuyện về một cậu bé da trắng kết bạn với một cậu bé thổ dân Mỹ sau khi bị bỏ rơi trong một túp lều ở Maine vào thế kỉ 18.
Cuốn sách thứ hai "truyền cảm hứng cho anh trai tôi và tôi vẽ lên mặt bằng nước ép quả mâm xôi dại và đi lang thang trong sân sau nhà cùng với cung và giáo làm từ que củ", Chau nói. "Kể từ đó, thiên nhiên đã là nhà của tôi".
Alex Burgdorfer, người sống ở Eugene, Oregon, cho biết anh đã gặp Chau năm ngoái khi hai người trải qua một khóa học về sơ cứu ở nơi hoang dã. Cả hai đi học vì niềm đam mê chung là du lịch và đi bộ đường dài, và gần đây đã cố gắng để cùng nhau đi bộ khám phá vùng Tây Bắc nước Mỹ.
"Cậu ấy là nguồn cảm hứng cho tôi", anh nói. "Năng lượng của cậu ấy rất thuần khiết. Cậu ấy dành toàn bộ sự quan tâm và suy nghĩ cho bạn".
Burgdorfer nhớ lại, trong khóa học Chau đã kể sơ qua về cách chữa trị khi bị rắn cắn ở nơi hoang dã, chia sẻ với nhóm trải nghiệm của anh lần bị rắn chuông cắn và suýt mất đi một chân.
Chau nằm viện lần bị rắn chuông cắn. (Ảnh: Instagram). |
Chuyện xảy ra vào một trong ba mùa hè Chau sống một mình trong một túp lều ở tại Khu bảo tồn Quốc gia Whiskytown ở California, nơi anh được điều động trong các trường hợp cấp cứu.
Anh Burgdorfer nói Chau đang đứng gần sông thì bị rắn cắn ở mắt cá chân trái. Ảnh Instagram của Chau cho thấy đôi chân anh sưng phồng và anh phải nằm viện vài ngày.
Hai năm qua, Chau làm công việc dẫn đường trong các chuyến đi đến núi Adams ở phía tây nam bang Washington cho các sinh viên sắp nhập học tại Đại học Reed College ở Portland, Oregon.
"Cậu ấy luôn là người tuyệt vời để đi chơi và nói chuyện", sếp của Chau, Will Symms, nói. "Cậu ấy thích đi du lịch và cho mọi người thấy sự kì diệu của mọi thứ xung quanh".
Chàng trai cụt chân bế bồng, lau dọn cho cụ già xa lạ
Cụ ông co ro trên giường, xung quanh là phân, nước tiểu và mèo hoang đã được một thanh niên xa lạ cụt chân chăm ... |
Phim tài liệu kể hành trình chàng trai Quảng Ngãi chuyển giới
"Finding Phong", sắp công chiếu ở Việt Nam, kể nỗi niềm của chàng trai sang Thái Lan phẫu thuật giới tính. |
Bố mẹ họ Nguyễn, con họ Mai, chàng trai bị hiểu nhầm là con nuôi
Ông bố họ Nguyễn ở Lục Nam (Bắc Giang) đã đặt tên con là Mai Văn Cơn, vì cuồng thần tượng Michael Jackson. |