Thực hiện chủ trương của TP Hà Nội về chương trình trồng một triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020, đầu năm 2018, các cơ quan chức năng Hà Nội trồng khoảng gần 100 cây phong lá đỏ trên tuyến đường Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh.
Được kì vọng sẽ mang sắc màu châu Âu vào giữa lòng Hà Nội, thế nhưng đã sang mùa thu thứ hai, hàng cây phong trồng trên dọc phố Trần Duy Hưng lại có dấu hiệu khô héo, trơ trụi.
Những cây này tập trung chủ yếu từ chân cầu vượt Trần Duy Hưng tới ngã ba Hoàng Đạo Thúy.
Đa phần chúng đều có lá màu nửa xanh, nửa vàng, thiếu sức sống.
Thậm chí một vài cây có biểu hiện chết khô.
Nhiều cành cây khô héo, chỉ cần tác động nhẹ cũng có thể gãy rụng.
Ở những quốc gia ôn đới, vào mùa thu, lá cây phong chuyển màu đỏ hoặc cam rồi rụng khi đông đến. Tuy nhiên theo ghi nhận tại phố Trần Duy Hưng, lá cây phong chưa kịp chuyển đỏ đã khô héo.
Theo bà Hoa, người dân sống trên đường Trần Duy Hưng cho biết khoảng 3 tuần gần đây các cây phong có dấu hiệu khô héo. "Có khoảng 5 cây chết khô đã được các công nhân Công ty Công viên cây xanh Hà Nội nhổ bỏ, tập trung gần cầu vượt Trần Duy Hưng", bà Hoa nói.
Trước đó, việc Hà Nội trồng thử nghiệm cây phong trên phố đã gây nhiều ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng phong lá đỏ khó sống trong điều kiện thời tiết oi bức ở Hà Nội và tốn công chăm sóc. Bên cạnh đó, lá cây rụng xuống đường có thể gây cản trở giao thông, ảnh hưởng mỹ quan.
Tại hội thảo về cây xanh, hồ nước ngày 13/1/2018, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng khoảng một năm sau khi trồng, thành phố hoàn toàn có thể “nhiệt đới hóa” được giống cây phong và chúng vẫn mang màu sắc như khi trồng tại vùng khí hậu châu Âu.
Tuy nhiên, nhìn vào hàng cây phong đang dần khô héo trên phố Trần Duy Hưng giữa tiết trời thu năm 2019, nhiều người không khỏi hụt hẫng khi ước vọng về một sắc màu châu Âu giữa lòng Hà Nội.