Ở nhà chăm con là công việc cao quý, đâu phải ăn bám hay vô tích sự |
Tính đến thời điểm hiện tại, chị Đồng Xuân (TP HCM) đã “trải nghiệm” công việc ở nhà chăm chồng chăm con được 5 năm, vẫn ít hơn so với con số 8 năm chị đi làm ở vị trí chủ một doanh nghiệp. Sau 5 năm ở nhà làm “osin”, chị Xuân nghiệm ra rằng “không phải cứ nhiều tiền, thì gia đình mới vui vẻ, hạnh phúc”. Từng điều hành một công ty riêng, thu nhập cũng ở mức khá, nhưng cuộc sống lại “đưa đẩy” chị buộc phải gắn bó với công việc mà chị chưa từng nghĩ đến này.
Chị Đồng Xuân cùng chồng và các con. |
Năm 2013, chồng chị Xuân được cử đi công tác nước ngoài 3 năm. Khi đó chị Xuân buộc phải dừng công việc điều hành công ty riêng, cùng chồng và hai con sang Indonesia sinh sống. Thời gian đầu ở Indonesia, chị Xuân có thuê người giúp việc. Nhưng cảm thấy họ không thể làm vừa ý mình được, chị Xuân đành ở nhà, dần dần đảm đương mọi việc.
Chị Xuân chia sẻ bị “đẩy” vào thế đã rồi, nếu ban đầu cho chị lựa chọn, chị cũng không dám chọn ở nhà chăm con. Theo chị, làm “osin” không hề đơn giản và dễ dàng. Đây là một công việc nhưng lại bao gồm cả nghìn việc không tên. Thử liệt kê sơ sơ những công việc phải làm hàng ngày cũng sẽ khiến mọi người sợ “hết vía”.
Chị Xuân kể: “Sáng dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng, đánh thức con dậy, đưa con đến trường, quay về cho quần áo vào máy giặt hoặc phải giặt tay - phơi đồ. Sau đó nhanh nhanh đi chợ không sợ đồ hết tươi không ngon, về nhà chuẩn bị bữa trưa (nếu chồng về nhà ăn cơm hoặc mang cho con đến trường).
Trưa tranh thủ chợp mắt 15-30 phút rồi lôi đồ ra ủi, gấp gọn,chia theo từng thành viên trong gia đình. Rồi đến quét nhà - lau nhà, rồi chuẩn bị đồ ăn cho buổi tối. Có nhiều ông chồng không ăn đồ ăn giống bữa trước. Thế là sáng 1 món, trưa 1 món, tối 1 món. Xong lại đón con đi học về. Hai đứa con mà mỗi đứa học một trường, khác ca nhau thì đưa đón chúng cũng mất thời gian và công sức, chưa kể thời tiết Về đến nhà thì lo tắm rửa, cơm nước, dọn dẹp, kèm học…,mệt rũ và hết 1 ngày”.
Thời gian đầu ở nhà chăm chồng chăm con, khi đó cả gia đình vẫn ở Indonesia, chị Xuân bị trầm cảm nặng đến mức con khóc không muốn dỗ, chồng đi làm về không muốn nói chuyện cùng chồng. Năm đầu tiên đó chị bay về Việt Nam nhiều lần vì chưa quen với việc ở nhà làm “osin” cho chồng con. Dần dần chị học được cách cân bằng, lấy lại tinh thần và trở thành người giữ lửa đúng nghĩa cho gia đình như hiện tại.
Thôi việc và ở nhà làm "osin cao cấp", chị Xuân tự nhận mình được nhiều hơn mất. |
5 năm trước, chị Xuân điều hành công ty riêng, “bận tối mắt tối mũi”, con cái, việc nhà đều phụ thuộc vào người giúp việc. Chị chia sẻ thời gian đó con bám người giúp việc, mẹ đi làm về cũng không theo. Cuộc sống bây giờ - làm “osin” phục vụ chồng con so sánh với cuộc sống trước kia, thì chị Xuân thấy mình được nhiều hơn mất. Từ khi gia đình có bàn tay vun vén của chị, chồng chị tan làm là muốn về nhà ăn cơm cùng vợ con, con thì đi học về là hỏi mẹ, việc gì cũng kể mẹ nghe và xin ý kiến mẹ. Chị bỗng trở thành trung tâm của cả gia đình, giữ hòa khí chung và kết nối mọi người với nhau.
Ở nhà nội trợ, không kiếm ra tiền khiến nhiều người lo sợ sẽ bị chồng coi thường. Chị Xuân tuy ở nhà nhưng vẫn làm thêm công việc bán thời gian để có chút thu nhập. Tuy nhiên, theo chị, để chồng vẫn yêu thương và tôn trọng mình thì quan trọng hơn cả là vợ phải tự tin lạc quan, dù cho chỉ quanh quẩn ở nhà bếp núc, nấu nướng. Ngoài ra, sắp xếp thời gian làm việc nhà hợp lý cũng rất quan trọng vì nếu không, sẽ không có thời gian chăm sóc bản thân. Khi đó “đầu bù, tóc rối, quần áo lôi thôi luộm thuộm, tính tình cáu gắt, bản thân mình còn chán mình nữa huống chi là chồng”.
Ở nhà nội trợ - làm thế nào để chồng vẫn yêu thương và tôn trọng? |
Để vừa chu toàn việc nhà, vừa có thời gian dành cho bản thân, chị Xuân đặt ra và thực hiện những nguyên tắc sau:
- Chia sẻ một phần công việc cho chồng: Người vợ nên cho người chồng biết được công việc làm “osin” bận rộn và vất vả đến mức nào. Dù không có chồng, vợ vẫn dư sức đảm đương được hết nhưng vẫn nên phân công chồng làm việc gì đó. Ví dụ: buổi sáng vợ lo bữa sáng cho cả gia đình thì chồng có nhiệm vụ đánh thức, làm vệ sinh cá nhân cho con và đưa con đi học; buổi tối ăn xong, vợ rửa bát còn chồng kèm con học bài.
Nhiều gia đình ăn xong, chồng nghếch chân coi tivi, thưởng trà, còn vợ lúi húi lau bàn, dọn dẹp rửa chén. Tất nhiên đàn ông luôn nghĩ việc nội trợ là của phụ nữ nhưng chỉ cần khéo chút thôi thì phụ nữ sẽ đỡ vất vả hơn nhiều. Đừng tiếc nói mấy câu như: “Anh yêu ơi, phụ em lau cái bàn!", "Ông xã ơi phụ em xếp chén dĩa, cả ngày em ở nhà làm 1 mình rồi, ông xã về là thành 2 chứ". “Mật ngọt chết ruồi” và “mưa dầm thấm lâu”, các chị sẽ cảm thấy được quan tâm và không bị ức chế nữa.
- Đi chợ cho cả tuần: 3 ngày đến 1 tuần đi chợ 1 lần tuỳ theo tủ lạnh gia đình chứa được nhiều hay ít. Mua đủ các loại thực phẩm và chia theo hộp riêng theo khẩu phần nhà mình. Đây là mẹo tiết kiệm thời gian hiệu quả, khi nấu không phải mất công nghĩ thực đơn. Ví dụ: mua 1 kg thịt ba chỉ và chia 3 hộp, 1 hộp luộc, 1 hộp kho tiêu, 1 hộp chiên.
Mua đủ loại thức ăn và chia vào hộp theo khẩu phần ăn của gia đình. |
Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm – phụ nữ nên phát huy tối đa kỹ năng nấu nướng của mình. Học nhiều món ăn ngon cho gia đình, đừng để mọi người chỉ muốn ra ngoài ăn hàng, ăn tiệm. Cũng có nhiều người than vãn không biết nấu gì nhưng quan trọng là "muốn ăn thì lăn vào bếp”. Mình phải biết mình là ai và đóng vai trò gì trong gia đình, không phải là người kiếm tiền chính nhưng chắc chắn phải là người quan trọng về mặt tinh thần, tạo không khí đầm ấm vui vẻ của gia đình.
Chị Xuân tự tay chuẩn bị cho bữa tiệc đón Giáng sinh của cả gia đình. |
Tất nhiên không thể thiếu cây thông Noel. |
- Đối phó với chứng “chán cơm thèm phở” của chồng: Người ta thường nói chán cơm thèm phở nhưng nếu như lâu lâu cho nhịn luôn - có nghĩa cơm còn không có mà ăn thì thèm phở kiểu gì?
Cơm không có mà ăn nghĩa là sao? Là vợ sẽ tự nhiên mất tích đi đâu mấy ngày luôn với lý do chính đáng như về ngoại thăm ông bà, về quê đám cưới họ hàng, lên bệnh viện chăm đứa bạn thân bị ốm hoặc sáng sớm nằm ì trên giường kêu mệt, ốm hoặc tối lo cho con cái xong thì đi sinh nhật, tân gia bạn bè… Nói chung tìm đủ lý do để chồng phải ở nhà 1 mình đánh vật với lũ nhỏ, đánh vật với đống quần áo, vệ sinh nhà cửa hoặc chí ít không thấy bóng dáng vợ xung quanh. Ai cũng muốn đi làm về thấy nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, cơm bưng nước rót, nhưng mấy ngày không được như thế, chồng cuống cuồng phải lo hết thì mới nhận ra là vợ mình quan trọng biết bao.
Phụ nữ cứ ở nhà mãi sẽ tạo thói quen cho chồng - cứ về nhà là thấy vợ ở nhà chờ đợi. Lâu lâu hãy ăn mặc đẹp, chờ chồng về rồi nói ngọt ngào "anh cho con ăn dùm em, hôm nay em có tiệc sinh nhật bạn thân, hoặc có tiệc mời họp mặt lớp!". Hãy để cho chồng thấy không phải vợ chỉ đẹp khi bên chồng, vợ vẫn có nhiều mối quan hệ xung quanh.
"Đàn ông giàu vì bạn, sang vì vợ”. |
- “Đàn ông giàu vì bạn, sang vì vợ”: Dù ở nhà nội trợ nhưng không được cho phép mình xuề xòa. Có cơ hội đi cùng chồng đến các cuộc gặp gỡ bạn bè, họp mặt công ty, thăm họ hàng, thì nên chu tất từ cách ăn mặc đến lời nói. Đàn ông rất dễ bị lay động bởi lời nói chê bai, dè bỉu của bạn bè về vợ. Bởi vậy, thà mất ít tiền cho mấy bộ đồ đẹp với phong thái tự tin chứ không được mất thể diện khi sánh đôi với chồng.
- Tôn trọng nhau từ những cái riêng tư nhất: Đã là vợ chồng thì nên tôn trọng nhau, tôn trọng từ những cái riêng tư nhất - điện thoại, email, máy tính, tài khoản ngân hàng của ai thì hay tôn trọng người đó. Chồng muốn cho vợ biết thì chồng sẽ nói. Đừng cố tìm hiểu, trộm lén làm gì.
- Giữ cho mình bận rộn theo nhiều nghĩa: Khi đã rảnh rồi, nên sắp xếp thời gian gặp bạn bè, đi spa, tập luyện, shopping, đọc truyện, cập nhật các thông tin xã hội. Hãy giữ cho mình bận rộn theo nhiều nghĩa. Khi đã bận rộn thì sẽ không có thời gian ngồi đó mà nghĩ các chuyện linh tinh, buồn bã, tiêu cực. Khi ấy đảm bảo phụ nữ sẽ không hề chán chuyện dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, con cái. Các công việc thường ngày gây ra mệt mỏi hóa ra lại là niềm vui bất tận.