Hé lộ mạng lưới chuỗi đô thị ở vùng Đông Nam Bộ

Theo dự thảo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng Đông Nam Bộ sẽ tăng số lượng đô thị là các đơn vị hành chính thị trấn, thị xã, thành phố lên khoảng 60 đô thị vào năm 2030.

Khu vực nội đô TP HCM được xem là đô thị lõi của vùng Đông Nam Bộ. (Ảnh: Hải Quân).

Đến năm 2030 sẽ có 60 đô thị 

Theo dự thảo quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng Đông Nam Bộ sẽ tăng số lượng đô thị là các đơn vị hành chính thị trấn, thị xã, thành phố từ 55 đô thị năm 2022 lên khoảng 60 đô thị vào năm 2030.

Theo đó, vùng sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình đô thị hóa theo hướng bền vững, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt 70 - 75%, chú trọng chất lượng đô thị hóa. Mở rộng mạng lưới đô thị vùng Đông Nam Bộ theo hướng đa tâm, đa cực với các đô thị, chuỗi đô thị động lực.

Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại, trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối với các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới; TP HCM là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng.

Cùng với đó, phát triển đô thị theo các đầu mối giao thông lớn, hình thành các đô thị vệ tinh kết nối thuận lợi với các trung tâm, giảm tải cho các đô thị lớn, đô thị trung tâm. Hạn chế mở rộng phát triển đô thị trên diện rộng, đặc biệt tại các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Xây dựng và phát triển đô thị tại các vùng có địa hình cao trên các hành lang kinh tế trọng điểm, các tuyến đường vành đai quan trọng. Phát triển mô hình đô thị sinh thái ven các sông Sài Gòn, Soài Rạp, Nhà Bè, sông Đồng Nai…cải tạo cảnh quan đô thị ven sông, xây dựng hệ thống phòng chống lũ lụt.

Hạn chế và có biện pháp phát triển đô thị tại các khu vực trũng thấp, lầy, nền đất yếu ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, khu vực trũng thấp ven biển huyện Cần Giờ.

Hệ thống đô thị vùng được cấu trúc với vùng đô thị trung tâm lấy khu vực nội đô TP HCM là đô thị lõi kết nối nhanh các đô thị phụ cận gồm Thủ Dầu Một, Biên hòa, Dĩ An, Thuận An thông qua vành đai 3 (CT 40) và các tuyến xuyên tâm CT 30, QL 13, QL1.

Cùng với đó, kết nối với cụm đô thị phía Bắc (chỉ tính các đô thị từ loại III trở lên) bao gồm Bến Cát, Tân Uyên… thông qua vành đai 4 (CT 41) và hành lang phía bắc (dọc theo CT 30 và QL 13); kết nối cụm đô thị phía tây bắc như Trảng Bảng, Gò Dầu kết nối cửa khẩu Mộc Bài thông qua Hành lang (CT 31 và QL 22).

Kết nối cụm đô thị phía Đông gồm Long Thành, Hiệp Phước, Trảng Bom, Long Khánh, Dầu Giây… thông qua Hành lang (CT 29, đường sắt Bắc - Nam, QL 1); Kết nối cụm đô thị phía Đông Nam bao gồm Vũng Tàu, Phú Mỹ, Bà Rịa thông qua vành đai 3 (CT 40) và Hành lang (CT 28 và QL 51).

Hình thành hai chuỗi đô thị theo các hành lang giao thông

 Quốc lộ qua tỉnh Bình Dương. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Vùng cũng sẽ hình thành hai chuỗi đô thị thông qua các hành lang giao thông bao gồm chuỗi đô thị phía bắc thông qua hành lang QL 13, CT 30 (dự kiến sau 2030) và CT 2 bao gồm các đô thị Chơn Thành, Bình Long, Đồng Xoài, Phước Long và các đô thị loại IV, V đảm nhận vai trò chức năng trung tâm để hỗ trợ các tiểu vùng nông thôn.

Chuỗi đô thị phía tây bắc thông qua QL 22B và dự kiến CT 32 gồm đô thị Tây Ninh, Hòa Thành và các đô thị loại IV, V đảm nhận vai trò chức năng trung tâm để hỗ trợ các tiểu vùng nông thôn. 

Liên kết 4 chuỗi và cụm đô thị gắn với không gian phát triển công nghiệp

Nút giao Bình Chuẩn trên tuyến vành đai 3 TP HCM đang được xây dựng, vùng Đồng Nam Bộ dự kiến một chuỗi đô thị - công nghiệp dọc tuyến đường này. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Theo Quy hoạch trên, 4 chuỗi và cụm đô thị gắn với không gian phát triển công nghiệp bao gồm cụm đô thị gắn với các Trung tâm công nghiệp gồm phía bắc và đông TP HCM - Nam Bình Dương - Tây Nam Đồng Nai gắn kết không gian và hỗ trợ các chức năng với trung tâm công nghiệp nội vùng.

Phía nam - đông nam TP HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn kết không gian và hỗ trợ các chức năng trung tâm công nghiệp ven biển vùng.

Chuỗi đô thị gắn với hành lang công nghiệp phía đông qua TP HCM - Bình Dương- Bình Phước gắn kết không gian và hỗ trợ các chức năng đô thị - công nghiệp; phía bắc qua TP HCM - Bình Dương- Bình Phước gắn kết và hỗ trợ chức năng phát triển công nghiệp phía bắc vùng.

 Chuỗi đô thị - công nghiệp gắn với tuyến vành đai 3 TP HCM - Nam Bình Dương - Tây Đồng Nai (Nhơn Trạch) - Long An (vùng ĐBSCL).

Chuỗi đô thị - công nghiệp tiếp cận, gắn với tuyến vành đai 4 qua khu vực Nam TP HCM - Bà Rịa-Vũng Tàu - Đồng Nai - Bình Dương - Nam Bình Phước - Nam Tây Ninh - Tây Bắc TP HCM.

Về tổng quát, TP HCM được xem là đô thị trung tâm với các chức năng quốc tế, tổng hợp quốc gia, chuyển dịch một số chức năng tổng hợp quốc gia ra các đô thị thuộc vùng đô thị trung tâm nhằm giảm tải cho khu vực nội đô.

Hệ thống đô thị vùng cũng được đảm bảo liên kết chức năng đồng bộ thông qua mạng lưới giao thông kết nối nội vùng, liên vùng bao gồm các tuyến vành đai 3 (CT 40), vành đai 4 (CT 41), hệ thống quốc lộ QL 1, QL 13, QL 22, QL 51…, đường Hồ Chí Minh và các tuyến cao tốc CT 2, CT 27, CT 28, CT 29, CT 30, CT 31.

Bên cạnh đó, hình thành các đầu mối logistics, cảng cạn nội vùng và liên vùng nhằm thúc đẩy trao đổi, luân chuyển hàng hóa, hành khách, hỗ trợ các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ.

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.