Dự kiến quy hoạch 6 hành lang phát triển vùng Đông Nam Bộ

Theo dự thảo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng Đông Nam Bộ sẽ phát triển theo 6 hành lang chủ yếu.

TP HCM - trung tâm vùng Đông Nam Bộ hiện nay. (Ảnh: Hải Quân).

Theo đó, 6 hành lang phát triển này bao gồm hành lang kinh tế Bắc - Nam (từ Đồng Nai đến TP HCM),  hành lang này được xây dựng trở thành hành lang kinh tế - công nghiệp - đô thị - dịch vụ; lan tỏa, liên kết phát triển từ vùng động lực phía nam (vùng động lực quốc gia trên địa bàn vùng) đến các vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển đô thị trên hành lang. Xây dựng, nâng cấp hệ thống các khu công nghiệp có hạ tầng hiện đại, phát triển theo các cụm liên kết ngành. Đẩy mạnh thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, giảm dần mật độ phát triển công nghiệp thâm dụng lao động.

Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông theo tuyến hành lang, tăng cường tác động lan tỏa của vùng Đông Nam Bộ tới các khu vực lân cận. Xây dựng, nâng cấp, mở rộng các đoạn tuyến của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông; cao tốc TP HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng và  xây dựng đường sắt kết nối liên vùng TP HCM - Cần Thơ. 

Hành lang kinh tế Mộc Bài - TP HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu gắn với hành lang kinh tế xuyên Á, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ và là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông và Tây Nam Bộ.

Đây là hành lang đóng vai trò kết nối phát triển cho cả ba tiểu vùng của vùng Đông Nam Bộ và thúc đẩy chuyển dịch một số ngành công nghiệp thâm dụng lao động từ tiểu vùng trung tâm lên tiểu vùng phía Bắc.

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để hỗ trợ kết nối trên toàn tuyến hành lang với các tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Biên Hòa - Vũng Tàu; đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu (kết nối cảng biển cửa ngõ); đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành (kết nối cảng hàng không quốc tế).

Phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải và xây dựng cảng Cần Giờ thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế. Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ đi đôi với quá trình dịch chuyển không gian công nghiệp của vùng.

Hình thành chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải. Phát triển hạ tầng thương mại, logistics nhằm thúc đẩy giao lưu hàng hóa với các nước trong khu vực. Xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các đô thị du lịch, một số khu du lịch quốc gia trọng điểm. 

Vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4 TP HCM sẽ phát triển các khu vực đô thị, công nghiệp, các trung tâm dịch vụ trên cơ sở khai thác không gian phát triển mới từ đường vành đai 3, vành đai 4 TP HCM tạo thành chuỗi liên kết liên ngành, liên địa phương.

Phát triển các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với quá trình tổ chức lại không gian công nghiệp vùng, giảm tải phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động tại TP HCM.

Cùng với đó, kéo giãn sự phát triển công nghiệp từ các địa bàn trọng điểm hiện hữu của tỉnh Bình Dương hướng lên phía Bắc, của tỉnh Đồng Nai hướng sang phía đông, mở ra không gian phát triển mới tại khu vực tây bắc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thông qua các tuyến kết nối để thúc đẩy các khu vực xa hơn tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước.

Hành lang theo QL 13 từ TP HCM - Bình Dương - Bình Phước sẽ tạo điều kiện chuyển dịch một số ngành công nghiệp thâm dụng lao động từ tiểu vùng trung tâm lên tiểu vùng phía bắc.

Đồng thời với quá trình chuyển dịch không gian công nghiệp, từng bước chuyển đổi mô hình, nâng cấp các đô thị khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương, hình thành các khu vực đô thị mới tại phía bắc tỉnh Bình Dương, phát triển các đô thị của tỉnh Bình Phước trên trục hành lang.

Cùng với đó, xây dựng các tuyến cao tốc, đường sắt để tăng cường kết nối vùng gồm cao tốc TP HCM - Chơn Thành - Hoa Lư, đường sắt TP HCM - Lộc Ninh.

Hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam Bộ nhằm thúc đẩy phát triển, liên kết vùng, gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh. Mở rộng phát triển đô thị và hệ thống khu, cụm công nghiệp, trung tâm dịch vụ, du lịch gắn với các đô thị trung tâm tỉnh và vùng.

Phát triển hành lang kết nối các vùng nguyên liệu cây công nghiệp, công nghiệp chế biến, liên kết phát triển du lịch các địa phương vùng Đông Nam Bộ, tăng cường tác động lan tỏa của các đô thị trung tâm tiểu vùng như Đồng Xoài, Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh).

Hành lang Tây Ninh - Bình Dương, vùng sẽ hình thành hành lang kết nối từ Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài qua các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) tới các huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương); tại đây kết nối với hành lang kinh tế theo QL 13, tiếp đó kết nối với đoạn hành lang Biên Hòa - Vũng Tàu.

Đây là tuyến hành lang mới, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tiểu vùng phía Bắc, đồng thời kết nối với các hành lang kinh tế quan trọng của vùng và khu vực. Từng bước phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt làm cơ sở kết nối.

Cùng với đó, phát triển các khu công nghiệp, trung tâm logistics, nhất là tại KKTCK Mộc Bài và các huyện Gò Dầu (Tây Ninh), Bàu Bàng (Bình Dương). Mở rộng phát triển đô thị trên tuyến hành lang.

Bên cạnh 6 hành lang phát triển chủ yếu, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ còn đề cập đến hành lang kết nối vùng dọc theo sông Sài Gòn, sông Đồng Nai

Hành lang này sẽ khai thác hiệu quả giao thông thủy trên các tuyến sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Đồng thời, không gian dọc theo sông Sài Gòn và sông Đồng Nai qua TP HCM và hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai định hướng là hành lang xanh - sinh thái phục vụ kết nối liên tỉnh phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.