Hết thời hưng thịnh, xe tải Trung Quốc xếp hàng 'phơi nắng' chẳng ai mua

Năm 2016, thị trường ô tô tải chứng kiến sụt sụt giảm lớn lượng xe tải nhập từ Trung Quốc khi kim ngạch và giá trị giảm hơn 50% so với cùng kỳ. Sự thay đổi này không chỉ bởi các hãng xe trong nước, liên doanh đã lớn nhanh, mạnh lên trong cuộc cạnh tranh sống còn với xe tải Trung Quốc mà bởi quan niệm mua xe của thị trường, của doanh nghiệp Việt Nam đã khác trước.

Số liệu thực tế của Tổng cục Hải quan cho thấy, hai năm 2014 và 2015, lượng xe ô tô Trung Quốc (phần lớn là xe tải) được nhập khẩu về Việt Nam tăng nhanh từ với 13.700 chiếc năm 2014, với kim ngạch hơn 530 triệu USD. Đến năm 2015, số xe và giá trị xe nhập từ Trung Quốc tăng vọt gấp 2 lần lên hơn 26.700 chiếc, đạt kim ngạch 1 tỷ USD.

Hết thời xe tải Trung Quốc độc chiếm thị trường Việt Nam

Tốc độ tăng trưởng gấp đôi so với năm trước đẩy lo ngại năm 2016, lượng xe tải nhập từ Trung Quốc tăng mạnh. Tuy nhiên, thực tế con số này lại giảm nhanh trông thấy, năm 2016 khi Việt Nam chỉ còn 10.900 chiếc, giảm hơn một nửa so với năm 2015 và giảm hơn 2.000 chiếc so với năm 2014.

het thoi hung thinh xe tai trung quoc xep hang phoi nang chang ai mua
Một loại xe tải Trung Quốc chen kín bãi xe tại Quốc lộ 5A (đoạn từ Hưng Yên - Hải Dương) - (ảnh Nguyễn Tuyền)

Đáng nói, trong tháng đầu tiên của năm 2017, kim ngạch nhập khẩu xe Trung Quốc tụt xuống mức thấp chưa từng thấy, chỉ còn 94 chiếc, thấp hơn 6 lần so với số xe nhập cùng kỳ tháng 1/2016 (560 chiếc) và gần 20 lần so với cùng kỳ tháng 1/2015 (1.700 chiếc).

Xe tải Trung Quốc nhập về tăng nhanh rồi giảm mạnh, cho thấy sự bất ổn trong nhập khẩu loại xe này tại Việt Nam. Bên cạnh đó, dù giá rẻ, nhưng về khấu hao thiết bị, máy móc nhiều người từng sử dụng, lái xe Howo, Dongfeng... cho hay, xe rất ồn, lái mệt và từ năm thứ 2 trở đi hay hỏng vặt.

"Đa số xe tải đều chở quá tải trọng, cả kể các xe nhập Nhật, Đức hay Hàn... cũng được DN tận dụng chở quá tải. Nhưng nếu các xe nước khác thì thời gian khấu hao chậm hơn, còn xe Trung Quốc đa phần "tã" nhanh hơn", anh Minh, lái xe ben tại Hải Dương cho hay.

Một doanh nghiệp (DN) từng nhập khẩu xe Trung Quốc tại Hưng Yên chia sẻ: Trước kia, bán xe Trung Quốc rất thích, họ cho nợ vốn xe khá lâu từ 6 tháng đến 1 năm, các chi phí thuê mặt bằng cũng được các DN Trung Quốc hỗ trợ đại lý.

"Các hãng xe tải Trung Quốc xem Việt Nam như thị trường mới nên họ làm thương hiệu và đổ bộ ồ ạt nhằm chiếm vững thị trường. Đại lý cam kết bán xe cho họ được hỗ trợ tài chính/đầu xe bán trong từ 6 tháng trở lên. Chính sách ký vay trả chậm xe cũng là yếu tố giúp xe Trung Quốc một thời gian tung hoành tại Việt Nam", đại diện DN kinh doanh xe tải ở Hưng Yên nói.

Tuy nhiên, thời hưng thịnh của xe tải Trung Quốc tại Việt Nam có thể nói chỉ tồn tại vài năm. Các dòng xe ben, xe chở hàng, xe đầu kéo container, thùng trọng tải lớn từ 9 - 14 tấn hiện nay có khá nhiều hãng liên doanh sản xuất. Các dòng xe nhỏ hơn từ 2 tấn đến 5 tấn cũng được các liên doanh tung ra thị trường với giá chỉ tầm 200 - 400 triệu đồng/xe như: Izuzu, Vinaxuki, Hyundai... Mức giá này cạnh tranh trực tiếp với xe Trung Quốc, điều này khiến xe Trung Quốc bị giảm cạnh tranh, dần thay thế.

"Ngán" xe Trung Quốc vì nhanh "tã"?

Đóng trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội), doanh nghiệp kinh doanh xe tải của Trung Quốc cho hay, họ đã khá vất vả cho năm 2016 khi doanh số bán xe tải hạng nặng, hạng trung của Trung Quốc giảm chưa từng thấy.

Theo đại diện DN này, trong ba tháng cuối năm 2016, cả bãi hơn 200 chiếc xe không bán được cái nào. Dù phía Trung Quốc hỗ trợ trả chậm nhưng các chi phí thuê mặt bằng, nhân công và lãi vay đang "ăn mòn" doanh thu của cửa hàng. Nếu tình trạng này, nửa năm nữa chúng tôi phải dừng nhập xe, chuyển kinh doanh xe khác.

het thoi hung thinh xe tai trung quoc xep hang phoi nang chang ai mua
Một dòng xe tải Đức đang mở rộng thị trường tại Việt Nam sau các hãng xe tải Hàn, Nhật và Nga (ảnh Nguyễn Tuyền)

Tại Quốc lộ 5A, từ Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương, rất nhiều bãi đỗ dành cho xe tải, xe công trình có xuất xứ từ Trung Quốc, lượng xe trưng bày ra hiện đang tồn khá nhiều. Anh Minh, đại diện một DN kinh doanh xe ô tô tải trên QL 5A Hải Dương cho hay: "Trước đây xe tải từ Trung Quốc bán rất chạy nhưng hơn 1 năm trở lại, doanh số bán xe tải Trung Quốc đã giảm nhanh, thậm chí xe bị nhốt gara, phơi nắng mưa nửa năm vẫn khó bán, dù giá giảm so với trước".

Theo lý giải của các chuyên gia, xe tải Trung Quốc bùng phát tại Việt Nam năm 2014, 2015 và giữa năm 2016 là do việc hạn chế tải trọng của Bộ Giao thông và Vận tải, điều này dẫn đến lượng xe thiết kế riêng, cơi nới tải trọng từ Trung Quốc tăng mạnh về Việt Nam. Đáng nói, thiết kế cơi nới tải trong này nhưng khung gầm của các xe vẫn là xe nguyên bản nên tuổi thọ xe giảm sút.

Đại diện một DN vận tải ở Hải Dương lý giải: Xe Trung Quốc được miễn thuế nhập khẩu 0%, giá loại này cũng rẻ hơn so với các dòng xe lắp ráp trong nước, xe nhập từ Hàn, Nhật hay Đức, Nga. Tuy nhiên, giá rẻ, đi liền với chất lượng, xe Trung Quốc có khấu hao rất nhanh, xe chạy từ 2 năm trở đi hỏng vặt rất nhiều.

"Xe tải nhập về Việt Nam có trục và tải trọng đúng quy định so với thiết kế qua mặt được cơ quan đăng kiểm. Tuy nhiên, khi về đến DN, một số xe được chủ động cơi nới thêm thùng. Việc cơi nới tải trọng khiến thiết kế và công năng xe vượt quá tải trọng, tổn hại xe rất nhanh, dẫn đến tuổi thọ xe chỉ vài năm", ông Hoà, giám đốc của công ty kinh doanh xe tại Hải Dương nói.

Theo nhiều DN, ngoài uy tín về chất lượng xe Trung Quốc khiến số đơn hàng mua giảm, lượng xe tải liên doanh giữa các hãng của Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài cũng khiến thị trường xe tải trở lại thế cân bằng hơn. Các hãng xe nhập như Hyundai (Hàn Quốc), Hino (Nhật), Kamaz (Nga) hay Shacman (Đức) cũng khiến thị trường xe tải hạng nặng tại Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.