Hiện trạng 6 khu đất được đề xuất làm công viên ở Sài Gòn

Sáu địa điểm được tính làm công viên là các khu đất trống, bãi rác ngưng hoạt động, vườn rau nằm ở TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, quận 12, Bình Tân, Bình Thạnh.

 

Mới đây, Sở Xây dựng TP HCM kiến nghị xây thêm 6 công viên tổng diện tích gần 800 ha. Các công viên được đề xuất có quy mô lớn từ nguồn đất công hoặc đất trống, nằm ở nhiều địa phương.  

Trong số này, công viên đã được triển khai, dần thành hình nằm ở quảng trường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức rộng 20 ha. Cuối tháng 12/2023, địa phương đã khánh thành công viên bờ sông Sài Gòn đoạn từ cầu Ba Son đến đường hầm sông Sài Gòn, kinh phí đầu tư khoảng 90 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hoá.

Công viên với nhiều hạng mục, như cánh đồng hoa hướng dương, khuôn viên sinh hoạt cộng đồng, bến cầu tàu, chuỗi bè nổi thủy sinh, công viên đá, công viên sinh thái... thu hút nhiều khách tham quan.

 

Ngày 24/1, các hạng mục còn lại của công viên như trồng thêm hoa hướng dương, đài phun nước, cầu đi bộ... đang được đơn vị đẩy nhanh, để kịp hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2024. Khu vực nóc hầm dự tính sẽ bố trí một số công trình trang trí như: đu quay, cầu đi bộ, khung vòm cảnh quan. Riêng một số hạng mục cần nhiều thời gian thi công và có quy mô lớn như công viên sinh thái (rộng 6-7 ha) dự kiến tháng 4 năm sau sẽ đưa vào sử dụng. 

 

Gần đó là khu lâm viên sinh thái ở TP Thủ Đức rộng 128 ha thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nơi đây có chức năng chính là khu vực bảo vệ môi trường, thoát nước mặt kết hợp nghỉ ngơi, giải trí, giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên. Khu vực này nằm cạnh sông Sài Gòn, phần lớn vẫn nguyên hiện trạng. 

 

Phần lớn diện tích của khu này là vùng sinh thái ngập nước, chỉ quy hoạch 3 lô đất để xây các công trình phục vụ tham quan, du lịch và khu nghiên cứu thực vật. Hiện nơi này còn lác đác vài nhà dân và có trục đường Bùi Thiện Ngộ đi ngang qua, nối vào các khu dân cư, cao ốc ở Khu đô thị Thủ Thiêm. 

 

Có diện tích lớn nhất là công viên Sài Gòn Safari ở huyện Củ Chi, rộng 485 ha, cách trung tâm hơn 50 km. Dự án này nằm trên địa bàn hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng với các khu chức năng thả thú bán hoang dã.

Công viên khởi động từ năm 2004, vốn đầu tư 500 triệu USD cũng rơi vào tình trạng chưa hoàn thành. Dự án kéo dài nhiều năm do bị kết luận sai phạm và phải tìm nhà đầu tư mới.

 

Dự án đã đền bù 97%, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm số còn lại; tình trạng tái lấn chiếm diễn ra phức tạp khiến người dân bức xúc. Từng được kỳ vọng thành khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, khu đất dự án hiện là nơi chăn nuôi trâu, bò, trồng rau. 

 

Công viên cây xanh Thạnh Xuân ở quận 12 rộng 150 ha, nằm ở hai phường Thạnh Xuân và Thới An. Dự án được phê duyệt từ năm 1999, đến năm 2019, UBND TP HCM chấp thuận đề xuất xây công viên. Do diện tích lớn, dự án này sẽ được quy hoạch thành công viên đa chức năng, vừa phục vụ thưởng lãm, sinh hoạt, khai thác các loại hình vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, vừa điều tiết nước và chứa nước sạch cho cả khu vực. Tuy nhiên đến nay công viên vẫn chưa được triển khai.

Ngày 25/1, nhìn từ trên cao toàn khu dự án quy hoạch công viên vẫn chỉ là bãi đất rộng, lác đác nhà cửa, phần lớn diện tích đang được người dân tận dụng trồng rau.

 

 

Nhà cửa trong khu quy hoạch công viên chủ yếu xây tạm bợ, lụp xụp, bao quanh bởi những cánh đồng trông rau nhút. Các con đường dân sinh trong dự án đều bằng đất, lối đi nhỏ hẹp.

Theo UBND quận 12, hiện dự án chưa có quy hoạch phân khu 1/2000 nên không đủ cơ sở pháp lý đầu tư xây dựng. Quận phối hợp Sở Quy hoạch và Kiến trúc xin ý kiến của UBND TP HCM giao cho địa phương nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở đồ án quy hoạch chung của thành phố.

Quận cũng sẽ nghiên cứu, tổ chức thi tuyển ý tưởng thiết kế công viên làm cơ sở tích hợp vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đồng thời quận cũng đã rà soát, kiểm tra, thống kê sơ bộ hiện trạng khu vực này nhằm tạo cơ sở dữ liệu để bồi thường, giải phóng mặt bằng.

 

Công viên Gò Cát ở quận Bình Tân rộng 13 ha. Đây vốn dĩ là bãi rác được sử dụng theo phương thức chôn lấp, đã dừng hoạt động hơn 10 năm. Ngày 24/1, nhìn từ trên cao, phần lớn bãi rác đã được chôn lấp, cây cỏ mọc kín, một số đoạn có tường bao ngăn cách với khu dân cư. 

 

Hiện khu xử lý rác đã ngưng hoạt động nhưng nhà máy đưa được tháo dỡ. Tại các hội thảo mới đây nơi đây được nhiều đơn vị đề xuất di dời, xử lý để lấy mặt bằng làm khu đô thị sinh thái. 

 

Có diện tích nhỏ nhất là Công viên cây xanh thuộc khu công viên cây xanh - thể dục thể thao phường 12, quận Bình Thạnh, rộng 3,8 ha. Khu công viên nằm ven rạch Lăng và rạch Cầu Sơn, xung quanh là khu thể theo, chung cư và trường học. 

 

Công viên chưa được triển khai, chỉ là bãi đất trống cỏ mọc um tùm. Hiện mới chỉ có tuyến đường nội bộ bao quanh công viên cùng hệ thống chiếu sáng, lan can dọc bờ kênh được hoàn thiện.

Toàn TP HCM đang có khoảng 400 công viên, bao gồm công viên công cộng và trong khuôn viên khu ở với hơn 235.000 cây xanh. Tổng diện tích đất quy hoạch cho công viên cây xanh ở thành phố hơn 11.400 ha, tương ứng 7 m2/người nhưng thực tế đang rất thấp, chỉ khoảng 500 ha. Với dân cư thường trực ở thành phố khoảng 10 triệu người, tỷ lệ trên chỉ đạt bình quân 0,55 m2/người.

Giai đoạn 2020-2025, thành phố đặt mục tiêu tăng thêm 150 ha đất công viên công cộng, tương đương 0,65 m2/người. Để hoàn thành chỉ tiêu này, TP HCM cần thực hiện ít nhất 54 dự án. Tổng kinh phí đầu tư ước tính hơn 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, mới có 8 dự án hoàn thiện và trình đề xuất chủ trương đầu tư. 

Sáu khu đất được đề xuất làm công viên ở TP HCM. Đồ họa: Đăng Hiếu  

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.