Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc cần khai báo theo mẫu C/O VK; còn doanh nghiệp Hàn Quốc xuất khẩu về Việt Nam thì khai báo theo mẫu C/O KV.
Tương tự Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) qui định C/O được cấp là C/O bản giấy. Cơ quan Hải quan của hai Bên chỉ chấp nhận C/O bản giấy.
Cơ quan hải quan của Việt Nam có thể truy cập website của Hàn Quốc để tra cứu thông tin về C/O mẫu KV, do vậy tỉ lệ xác minh của Việt Nam đối với C/O mẫu KV do Hàn Quốc cấp là tương đối thấp. Tuy nhiên tỉ lệ xác minh của Hàn Quốc đối với C/O mẫu VK do Việt Nam cấp vẫn cao, do cơ quan cấp C/O Việt Nam chưa có website riêng để Hàn Quốc có thể tra cứu.
Hiệp định cho phép miễn nộp giấy Chứng nhận Xuất xứ đối với các hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan không quá 600 USD (trị giá FOB), hoặc một mức cao hơn nếu Nước nhập khẩu cho phép. Các FTA Việt Nam đã kí trước đây thường chỉ cho phép các hàng hóa có trị giá không quá 200 USD được miễn nộp giấy Chứng nhận xuất xứ.
VKFTA vẫn áp dụng quy trình cấp chứng nhận xuất xứ thông qua một cơ quan có thẩm quyền do nhà nước qui định/ủy quyền như trong các FTA ký trước đây mà Việt Nam đang thực hiện.
Tuy nhiên, Việt Nam và Hàn Quốc thống nhất sau ba năm kể từ khi VKFTA có hiệu lực (tức là năm 2018), 2 bên sẽ thảo luận về vấn đề này, hướng tới một cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ trong tương lai.
Qui tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc được cho là khá linh hoạt, với quy trình thủ tục tương đối đơn giản, có thể giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn những ưu đãi thuế quan theo Hiệp định.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý có thể bị truy thu thuế rất cao nếu phía bị Hàn Quốc kiểm tra hồi tố xác minh lại và từ chối C/O.
Cơ quan Hải quan Hàn Quốc thường xuyên hồi tố lại hồ sơ và yêu cầu xác minh C/O Việt Nam cấp cho doanh nghiệp. Nếu cơ quan cấp C/O không giải trình được sẽ phải yêu cầu doanh nghiệp giải trình lại. Nếu doanh nghiệp không giải trình được, trong vòng 06 tháng tiếp theo, phía Hàn Quốc sẽ sửa đổi quyết định cho hưởng ưu đãi thuế quan, thay thế bằng thuế MFN.
Vì vậy, không phải hàng hóa đã xuất khẩu sang Hàn Quốc đã xong mà trong khoảng thời gian ba năm sau đó (thời gian mà cơ quan Hải quan Hàn Quốc có thể kiểm tra hồi tố C/O), doanh nghiệp vẫn cần phải lưu trữ đầy đủ hồ sơ.
Hiệp định có qui định riêng về xuất xứ và cơ chế tự vệ dành cho các loại hàng hóa được sản xuất hoặc gia công chế biến tại Khu công nghiệp Khai Thành thuộc Bán đảo Triều Tiên, được qui định trong Phụ lục (3-B) về 100 hàng hóa đặc biệt (Danh mục các hàng hóa này có thể được sửa đổi nếu được cả hai Bên đồng ý).
Các nội dung, quy trình cấp C/O và các vấn đề liên quan được qui định cụ thể trong Thông tư 40/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương qui định thực hiện Qui tắc xuất xứ trong VKFTA.
Giấy phép nhập khẩu: Trừ những loại hàng hóa đặc biệt, mọi loại hàng hóa có thể được nhập khẩu tự do vào Hàn Quốc mà không cần giấy phép.
Thủ tục kiểm tra hàng hóa: Hàng hóa nhập khẩu bởi những công ty không vi phạm pháp luật thương mại, có tờ khai hải quan đã được Hải quan Hàn Quốc chấp thuận thì được thông quan mà không cần phải trải qua thủ tục kiểm tra thực tế;
Trình tự khai hải quan: Tờ khai hải quan có thể gửi cho Hải quan trước khi tàu chở hàng cập cảng hoặc trước khi hàng hóa được dỡ tại khu vực kho ngoại quan. Sau khi tờ khai Hải quan được chấp nhận, nhà nhập khẩu thanh toán các nghĩa vụ thuế, phí cho hải quan trong vòng 15 ngày sau đó.
Hóa đơn thương mại;
Vận đơn: nhà nhập khẩu phải điền đầy đủ vào mẫu đơn của Ngân hàng mở L/C và phải ghi rõ cả tên và địa chỉ đơn vị nhận hàng;
Phiếu đóng gói: phải có tối thiểu hai bản copy, một bản đính kèm thùng hàng, một bản gửi đến Ngân hàng đại diện (thường là ngân hàng mở LC), kèm theo đó là một bản mô tả chi tiết nội dung hàng hóa.
Giấy chứng nhận xuất xứ: Hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam, các doanh nghiệp xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ theo form VK hoặc AK tại các phòng quản lí xuất nhập khẩu hoặc khai báo qua hệ thống Ecosys của Bộ Công Thương.