‘Hiệp sĩ’ trên sông: (P2): Giữ sinh mạng cho người chưa quen!

Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng đôi vợ chồng “khắc tinh” của thủy thần vẫn sẵn lòng làm tất cả để giữ gìn sinh mạnh cho... những người chưa từng quen.
hiep si tren song p2 giu sinh mang cho nguoi chua quen ‘Hiệp sĩ’ trên sông Sài Gòn
hiep si tren song p2 giu sinh mang cho nguoi chua quen
Hơn bốn mươi năm qua, vợ chồng ông Ba Chúc đã cứu hàng trăm người đuối nước và cũng vớt từng ấy xác chết trôi.

Những người được đôi vợ chồng này cứu sống thuộc đủ hạng người, từ người bị gia đình ruồng bỏ, đến người bị phụ tình hay người mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng nhiều nhất là những người nợ nần và đôi khi là những người lỡ chân té cầu. Ngồi trầm ngâm một lúc, ông Ba Chúc tâm sự: “Cứu nhiều người tự tử tôi mới thấy lòng người thật khó đoán, có người đang tốt bỗng thành xấu và người xấu bỗng trở nên lương thiện đến lạ lùng”.

Ngừng một lúc ông kể: “Không ít lần tôi cứu những cụ ông cụ bà bị con cháu tìm mọi cách đẩy ra đường để chiếm đoạt tài sản hoặc thấy cha mẹ mang bệnh nan y nên tìm cách hất hủi. Vậy mà khi được cứu sống họ vẫn không trách con cái mà tự trách mình”.

Nhấp ngụm trà nóng, ông Ba Chúc quay sang vợ cười vui như nhớ ra điều gì hay ho để kể với chúng tôi. Đó là những lần đôi vợ chồng này cứu được những người vỡ nợ, họ tìm đến cái chết để khỏi liên lụy gia đình và sự “truy sát” của chủ nợ. Không những cứu mạng, vợ chồng ông Ba Chúc còn khuyên can, rồi đón xe ôm đưa họ đi gặp chủ nợ để xin dùm.

Vậy mà lạ thay, chủ nợ không đòi ngay hay ép họ vào chỗ chết như cách đó vài giờ đồng hồ mà cho họ từ từ trả nợ, để làm lại cuộc đời. “Lần đó, tôi đưa người mới cứu đến gặp chủ nợ của họ và nói ngọn ngành câu chuyện. Chủ nợ lúc đó là một tay anh chị nhưng đã đồng ý cho họ nợ thêm một thời gian nữa và không lấy lãi”, ông Ba Chúc mắt ánh lên niềm vui nhớ lại.

hiep si tren song p2 giu sinh mang cho nguoi chua quen
Tuổi đã cao nhưng ông Ba Chúc vẫn rất linh hoạt trên sông nước.

Tuy nhiên, trong những năm cứu người của mình, không ít lần vợ chồng ông ray rứt, mất ngủ nhiều đêm liền. Đó là những lần, ông chậm chân hơn thủy thần, khi đến nơi thì dòng nước đã nhấn chìm mọi thứ. Lặn ngụp mấy ông cũng không tìm thấy nạn nhân. Rồi vài ngày sau, có người báo thấy xác chết trôi, khi vớt lên ông nhận ra người hôm rồi mình đã bất lực nhìn họ chết đuối mà quặn lòng.

Tuy bơi giỏi và am hiểu sông nước nhưng không ít lần ông suýt chết khi cứu người. “Khi có tiếng kêu cứu, bà Hinh cầm lái, tôi lo cột dây vào chân, rồi mới phóng xuống nước để có gì bám dây lên thuyền. Vậy mà có lần gấp quá hay những lúc không có bả, tôi không cột dây khi nhảy xuống bị người ta ôm chặt không vùng vẫy nổi phải nín thở cõng người đó đi dưới lòng sông vào bờ”, ông Ba Chúc tiết lộ. Nghe chuyện, bà Hinh e ngại: “Ổng nói vậy là nói chuyện vài năm về trước khi mà còn sức lặn 2-3 phút, giờ già rồi nếu gặp cảnh đó chắc cũng không qua khỏi”.

Đối với nhiều người, họ tin rằng vợ chồng Ba Chúc mang nghiệp cứu người nhưng với hai ông bà vớt xác mới là một cái duyên. Sau vài ngày nằm dưới đáy sông lúc nổi lên, xác chết sẽ trương sình, bốc mùi, dù ở xa vài chục mét vẫn ngửi rõ mùi hôi đầy đặc trưng. Vậy mà, ông bà Chúc lại không ngửi thấy mùi gì dù đứng ngay cạnh bên.

“Người ta đồn vậy thôi, chứ vợ chồng tôi cũng nghe mùi hôi, thậm chí là chịu không nổi nhưng khi chúng tôi đọc kinh cầu xin thì không còn mùi hôi nữa”, ông Chúc thổ lộ. Có lẽ chính vì thế mà dân đi thuyền đi ghe hay người dân sống ven sông đều có số điện thoại ông Ba Chúc, để khi gặp xác trôi sông họ gọi ông.

Dù xa mấy ông cũng phóng ghe tới kéo xác vào bờ, vì với ông dù cuộc sống họ có như thế nào họ vẫn cần được người thân biết đến dù đã tắt hơi thở và để chính quyền kiểm định nguyên nhân cái chết đó. Và hơn nữa, sau nhiều năm vớt xác ông nhẩm lại số xác vớt luôn bằng số người ông cứu được nên ông tin rằng vớt một xác người cũng đồng nghĩa sẽ cứu được một người.

Mỗi câu chuyện về một mạng sống được ông Ba Chúc giành lại hay một xác chết được ông đưa vào bờ đều để lại cho người đàn ông này nhiều kỷ niệm với tất cả vui buồn lẫn lộn. Trước mặt chúng tôi, người đàn ông dù mới 60 tuổi nhưng da dẻ nhăn nheo, đen xạm trông có vẻ như đã bước qua tuổi 65 vậy mà nụ cười vẫn tươi rói, cách nói chuyện hào sảng nhưng đầy chân chất.

hiep si tren song p2 giu sinh mang cho nguoi chua quen
Nhiều năm nay, cá cạn, sức lực giảm ông chuyển sang nghề nghề “xe ôm” trên sông.

Hàng chục năm qua, cuộc sống gia đình ông Ba Chúc vẫn bấp bênh dựa vào những mẻ cá ông quăng chài, cảnh sinh hoạt chen chúc trên chiếc ghe nhỏ. Dẫu vậy, khi nói về việc cứu người và vớt xác không công, ông vẫn không chút do dự dù phương tiện và tuổi đời đều đã già.

Nay, cá cạn, sức lực giảm ông chuyển sang nghề nghề “xe ôm” trên sông. Ai đi đâu đó ở khúc sông này ông chở ngay hay mấy chiếc sà lan có số gọi ông mua dùm ít lương thực khi chạy ngan qua. Nhờ đó, cuộc sống của người đàn ông rộng tình này vẫn hạnh phúc bên khúc sông dưới chân cầu Bình Lợi.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.